Vạn Trường Phát thế chấp 78ha đất KĐT Việt Phát cho khoản vay trái phiếu 4.000 tỷ đồng
Kinhte&Xahoi
Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Vạn Trường Phát đã phát hành hai lô trái phiếu có tổng giá trị 4.000 tỷ đồng, tài sản thế chấp là bất động sản tại 78ha đất Khu đô thị Việt Phát tại Long An.
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa công bố kết quả phát hành lô trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ của Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Vạn Trường Phát.
Theo đó, ngày 20/7, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Vạn Trường Phát đã phát hành lô trái phiếu có giá trị 2.000 tỷ đồng, kỳ hạn 5 năm và lãi suất thấp nhất là 10%/năm.
Mục đích của các đợt phát hành nhằm thanh toán tiền đặt cọc để nhận chuyển nhượng một phần Khu đô thị Việt Phát tại xã Tân Lập, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An.
Các trái phiếu được đảm bảo bằng bất động sản liên quan, phát sinh từ khu đất 78ha thuộc Khu đô thị Việt Phát (xã Tân Lập, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) và một số tài sản khác.
Thông tin phát hành trái phiếu cho khoản vay 2.000 tỷ đồng của Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Vạn Trường Phát
Một công ty chứng khoán đã mua trọn lô trái phiếu này. Trong khi đó, Công ty Cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI) là tổ chức thu xếp cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Vạn Trường Phát phát hành lô trái phiếu.
Trước đó, ngày 1/6, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Vạn Trường Phát cũng đã phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu, mục đích cũng để thanh toán tiền đặt cọc để nhận chuyển nhượng một phần Khu đô thị Việt Phát.
Tương tự, tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu là bất động sản liên quan, phát sinh từ khu đất 78ha thuộc Khu đô thị Việt Phát.
Được biết, dự án Khu đô thị Việt Phát có diện tích gần 626ha, nằm trong tổng thể dự án khu công nghiệp và đô thị Việt Phát (1.800ha) đã được UBND tỉnh Long An cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào đầu tháng 5/2015.
Một doanh nghiệp cùng nhóm là Công ty Cổ phần Đầu tư Tân Thành Long An trước đó cũng đã huy động 5.000 tỷ đồng qua kênh trái phiếu, mục đích nhằm đầu tư, phát triển dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Việt Phát.
Đáng chú ý, cả ba thương vụ phát hành trái phiếu trên đều được thu xếp bởi Công ty Cổ phần Chứng khoán Tân Việt. Tổ chức nhận tài sản đảm bảo và tổ chức quản lý tài khoản là Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).
Khu công nghiệp Việt Phát (Long An)
Theo tìm hiểu, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Vạn Trường Phát được thành lập vào tháng 6/2019, tiền thân là Công ty Cổ phần Star Zone, ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng nhà để ở.
Công ty này có vốn điều lệ ban đầu ở mức 320 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông sáng lập gồm: Bà Nguyễn Kiều Lệ (chiếm 55% vốn), bà Huỳnh Bảo Vy (30% vốn) và ông Vương Tuấn Minh (15% vốn).
Cuối tháng 5 vừa qua, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Vạn Trường Phát đã tăng mạnh vốn điều lệ lên mức 2.000 tỷ đồng, bà Nguyễn Kiều Lệ (SN 1988) làm Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật.
Được biết, bà Nguyễn Kiều Lệ từng có nhiều năm làm Tổng Giám đốc rồi Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Phiên An (Địa chỉ trụ sở tại 193-203 Trần Hưng Đạo, quận 1, TP HCM).
Còn bà Huỳnh Bảo Vy trước đây là Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sài Gòn Wellreal (hiện là Công ty Cổ phần Worldwide Capital), bà Vy hiện đang là Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần River Delta; ông Vương Tuấn Minh cũng có nhiều năm là Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Phú Khang Thịnh và giữa năm 2019 đến nay đảm trách vai trò Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hiệp Phúc.
Trong khi đó, Công ty Cổ phần Đầu tư Tân Thành Long An được thành lập từ tháng 11/2005, Chủ tịch Hội đồng quản trị là ông Lê Thành (SN 1974), còn Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Phạm Nguyễn Bảo Trung (SN 1989).
Ông Lê Thành là cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Xây dựng số 1 - CTCP. Còn ông Phạm Nguyễn Bảo Trung hiện còn đứng tên tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phú Tường, Công ty TNHH Đầu tư Silver Arrows, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Hưng Phúc.
Chỉ trong vòng một tháng qua, Bộ Tài chính đã 3 lần đưa ra cảnh báo việc phát hành trái phiếu riêng lẻ thời gian qua đang bộc lộ nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và có nguy cơ gây mất an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia.
Vì vậy, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã có văn bản yêu cầu Vụ Tài chính ngân hàng chủ trì, phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị triển khai các quy định mới về phát hành trái phiếu doanh nghiệp tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ.
Đồng thời, Vụ Tài chính ngân hàng cùng các đơn vị liên quan nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện các quy định về quản lý, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong đó tập trung xây dựng các biện pháp thanh tra, giám sát, thắt chặt việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ không có tài sản đảm bảo hoặc chất lượng tài sản đảm bảo và uy tín của doanh nghiệp phát hành thấp nhằm hướng tới thị trường minh bạch, an toàn và hạn chế rủi ro.
Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chủ trì, phối hợp với Vụ Tài chính ngân hàng và các cơ quan liên quan tăng cường, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình phát hành và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, đặc biệt là việc phát hành của các doanh nghiệp nhỏ lẻ, mới thành lập, hoạt động trong các lĩnh vực có tính rủi ro cao, có kết quả kinh doanh không rõ ràng, thực chất.
Ngoài ra, người đứng đầu Bộ Tài chính cũng yêu cầu các đơn vị tập trung rà soát, kiểm tra phát hiện các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm, lách quy định của pháp luật trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Trường hợp phát hiện các hành vi lừa đảo, có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư thì khẩn trương chuyển cơ quan công an xử lý theo quy định của pháp luật.
Hậu Lộc - TTTĐ