Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh phối hợp với Phòng Cảnh sát cơ động (Nghệ An) bắt quả tang hàng chục đối tượng và phương tiện đang có hoạt động khai thác khoáng sản (đá trắng) trái phép quy mô lớn tại khu vực núi Phá Chủng, xóm Kèn, xã Châu Lộc, Quỳ Hợp, Nghệ An.
Trực tiếp chỉ huy vụ vây bắt nhóm đối tượng “đá tặc” này là Đại tá Phạm Thế Tùng, Giám đốc Công an tỉnh.
Giám đốc Công an Nghệ An Phạm Thế Tùng đích thân chỉ huy triệt phá nhóm đối tượng khai thác đá trái phép.
Lực lượng chức năng đã tạm giữ 5 máy xúc đào, 1 ô tô tải, 4 máy cắt đá (máy cắt 2 dây), 2 máy làm hơi, 2 máy khoan đứng phục vụ cho hoạt động khai thác khoảng sản trái phép.
Số lượng khoáng sản bị khai thác trái phép thu giữ tại hiện trường khoảng 800m³ đá trắng các loại, trị giá khoảng 10 tỉ đồng.
Cơ quan điều tra đã tạm giữ đối tượng Trần Văn Bảy, SN 1970, trú tại xóm Minh Xuân, xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An – là chủ điểm khai thác khoảng sản trên.
Bước đầu, Trần Văn Bảy đã thừa nhận hành vi khai thác khoáng sản trái phép. Kiểm tra kho chứa hàng của chủ cơ sở, lực lượng chức năng phát hiện thu giữ gần 100m³ đá trắng các loại.
Vụ vây bắt có quy mô rất lớn đối với các đối tượng khai thác đá trái phép tại huyện Quỳ hợp mà đích thân Giám đốc Công an tỉnh trực tiếp chỉ đạo chỉ huy điều đó cho thấy sự phức tạp trong việc triệt phá nhóm đối tượng này như thế nào.
Lực lương chức năng bắt giữ các đối tượng.
Ngoài việc có thể lực lượng Công an phải đối mặt với những đối tượng “cộm cán” thì còn có những “nhóm lợi ích” bảo kê cho những đối tượng này.
Sau khi triệt phá và nhiều đối tượng bị bắt, dư luận trên địa bàn tỉnh Nghệ An đều xôn xao, bàn tán và đặt nghi vấn cho việc “bảo kê” hoặc “làm ngơ” của những người có trách nhiệm để nhóm đối tượng “đá tặc” lộng hành.
Bởi lẽ, những đối tượng này ngang nhiên sử dụng máy móc thiết bị, khai thác giữa “thanh thiên bạch nhật” như một đại công trường được cấp phép mà không thấy lực lượng chính quyền địa phương vào cuộc xử lý.
Để đến khi, đích thân Giám đốc công an tỉnh Phạm Thế Tùng trực tiếp chỉ đạo truy bắt thì những đối tượng “đá tặc” này mới xuất đầu lộ diện.
Lực lượng Công an lập biên bản về hành vi khai thác khoáng sản trái phép đối với Trần Văn Bảy.
Về trách nhiệm để xảy ra vụ việc này đầu tiên phải kể đến là lãnh đạo UBND huyện Quỳ Hợp, Phòng Tài nguyên và Môi trường, lãnh đạo UBND xã Châu Lộc đã không làm tròn nhiệm vụ trong công tác quản lý Nhà nước trên địa bàn tỉnh, vì nếu phi vụ này trót lọt thì hơn chục tỷ đồng từ việc khai thác đá trái phép sẽ bay vào túi cá nhân, đồng nghĩa với việc Nhà nước sẽ mất đi một khoản tiền rất lớn.
Và chắc chắn trong thời gian tới, ngoài nhiệm vụ điều tra, làm rõ các đối tượng liên quan của Công an tỉnh thì lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Nghệ An sẽ tiến hành xử lý trách nhiệm đối với những cá nhân, tổ chức có liên quan trong phi vụ này, và dư luận địa phương đang mong chờ vào một sự quyết tâm, quyết liệt trong xử lý cán bộ với tinh thần “không có vùng cấm” dù bất kể người đó là ai.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.
Lê Hoàng - Pháp luật Plus