Vì sao F0 “lọt lưới” doanh nghiệp “3 tại chỗ”?
Kinhte&Xahoi
Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, mô hình “3 tại chỗ” đang trở thành phương án sống còn tại một số doanh nghiệp, ngoài việc đảm bảo không để đứt gãy chuỗi sản xuất, các doanh nghiệp còn có thể quản lý chặt chẽ người lao động, giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh góp phần ổn định sản xuất.
Hiệu quả “3 tại chỗ”
Phương châm “3 tại chỗ” là doanh nghiệp đảm bảo thực hiện được vừa sản xuất, vừa cách ly người lao động tại chỗ gồm sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ.
Bên cạnh việc đảm bảo các tiêu chí trên, các doanh nghiệp còn phải tuân thủ chặt chẽ một số quy định của địa phương về phòng, chống dịch. Đồng thời, phải có sự đồng ý của người lao động và toàn bộ lao động đăng ký ở lại sản xuất phải được xét nghiệm PT-PCR gộp âm tính với vi rút Sars-CoV-2, kết quả hiệu lực trong 12 giờ.
Song song đó, doanh nghiệp phải đảm bảo nơi ăn, ở, vệ sinh cho người lao động, kiểm soát an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, an toàn sản xuất. Cùng với một số quy định chặt chẽ về xét nghiệm vi rút Sars-CoV-2…Chính nhờ được quy định rất rõ ràng chặt chẽ, nên dù phương án "3 tại chỗ" có gia tăng chi phí, nhưng là sự lựa chọn hiệu quả của các doanh nghiệp và hàng triệu công nhân lao động trong bối cảnh dịch Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp như hiện nay.
Anh N.H.T, nhân viên quản lý bộ phận sản xuất tại một doanh nghiệp “3 tại chỗ” tại Bình Dương chia sẻ: “Tôi nghĩ đây là giải pháp hiệu quả, nếu không được làm việc sớm muộn gì kinh tế gia đình tôi cũng sẽ cạn kiệt. Thực hiện "3 tại chỗ" là hoàn toàn hợp lý, vừa phát triển sản xuất, ổn định an sinh. Có điều cũng cần có giải pháp căn cơ như tiêm chủng, xiết chặt xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về phòng chống dịch”.
Sản xuất ba tại chỗ không chỉ vì sự phát triển của doanh nghiệp mà còn chung tay thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, là điều kiện để bảo đảm cho sự an toàn sức khỏe, thu nhập của cá nhân người lao động.
Chị H.T.V, công nhân sản xuất tại một doanh nghiệp “3 tại chỗ” bày tỏ: “Nếu so sánh với việc để công nhân đi làm việc và sống cùng gia đình bên ngoài nhà máy, số lượng ca nhiễm có thể nhân lên gấp bội, không chỉ lây nhiễm lẫn nhau giữa các công nhân, mà còn qua các thành viên gia đình của họ rồi lại đi khắp nơi. Vì vậy, tôi rất thích phương án 3 tại chỗ này”
Vì sao đang an toàn lại trở ngược “nguy cơ”?
Nguyên nhân dịch xâm nhập đến từ một số nhà máy tự ý tổ chức test nhanh, bố trí công nhân vào sản xuất rồi báo cáo cơ quan chức năng sau. Việc không được cơ quan chuyên môn đánh giá, khâu chuẩn bị môi trường sản xuất không đảm bảo an toàn, việc tụ tập để test Covid-19 không đúng quy định, dẫn đến lây nhiễm chéo, nguy cơ cao biến doanh nghiệp thành ổ dịch.
Hoặc như một số doanh nghiệp mặc dù có khai báo, đăng ký, đảm bảo môi trường sản xuất, nhưng trong quá trình hoạt động lại không thực hiện đúng quy định về xét nghiệm tầm soát, giám sát không chặt các trường hợp tiếp xúc, kiểm tra người ra vào không hiệu quả dẫn đến dịch bùng phát, thậm chí vừa qua đã xảy ra tình trạng doanh nghiệp giấu dịch dẫn đến tình hình phức tạp. Mặt khác, nhiều khu vực nhà máy là phòng kín, sử dụng máy lạnh, cùng với việc chậm xét nghiệm, kết quả trả về trễ, không phát hiện kịp thời người mang mầm bệnh cũng khiến dịch lây lan.
Trong một số ít trường hợp, do lực lượng hạn chế, cơ quan chức năng không kịp thời hỗ trợ đưa các trường hợp F0, F1 đi cách ly tập trung, dẫn đến doanh nghiệp đang gặp khó trong việc đưa các trường hợp F0 đi điều trị.
Ông P.H., chủ một cơ sở sản xuất đăng ký “3 tại chỗ” trình bày, nguồn lây bủa vây chúng tôi nhiều phía, từ một số nhân viên cấp cao đặc thù công việc vẫn phải đi ra ngoài, nhân viên hậu cần mua vật dụng thiết yếu cho công nhân, giao nhận thực phẩm cho đến nguy cơ từ nhân viên bảo vệ và bốc xếp hàng hóa.
“Chúng tôi giám sát chặt chẽ từng trường hợp, thường xuyên khử khuẩn xe và từng người ra vào, bản thân tôi là chủ lại càng hạn chế di chuyển ra ngoài, vì mình phải làm gương và cả bảo vệ bản thân, sơ hở là tiêu ngay” ông H. cho biết thêm.
Theo đánh giá của ngành y tế tỉnh Bình Dương, mặc dù các DN đã xét nghiệm sàng lọc và thực hiện “3 tại chỗ”, nhưng việc xét nghiệm nhanh, xét nghiệm ngẫu nhiên thì nguy cơ bỏ sót ca dương tính vẫn khá cao. Trong khi đó, tốc độ lây nhiễm Covid-19 rất nhanh nên khi chỉ cần có một ca, sau một tuần đã có thể hình thành ổ dịch.
Giám đốc sở Y tế Bình Dương Nguyễn Hồng Chương cho rằng có hai nguyên nhân chính khiến dịch xâm nhập vào các nhà máy thực hiện "3 tại chỗ". Thứ nhất nếu xét nghiệm nhanh lấy mẫu vào 2 ngày đầu và từ ngày thứ 6 của chu kỳ nhiễm sẽ khó phát hiện virus nCov, khiến các ca nhiễm bị bỏ qua, mầm bệnh từ đó len lỏi vào nhà máy. Nguyên nhân thứ hai, doanh nghiệp thực hiện không nghiêm, vẫn để người ra vào nhà máy khiến dịch xâm nhập.
Về phương án xử lý, người đứng đầu ngành y tế tỉnh chia sẻ, doanh nghiệp ngoài việc bố trí ăn ở, làm việc tại chỗ, các nhà máy cần bố trí thêm nhân lực tại chỗ, trang bị bộ kit test nhanh để xét nghiệm, kịp thời phối hợp xử lý, phân luồng F0, chuyển ca nghi nhiễm đến khu vực cách ly tạm thời.
Phương án “3 tại chỗ” hiệu quả hay không phụ thuộc rất lớn vào trách nhiệm của công ty và ý thức của từng cá nhân. Một bài toán chung rất cần sự phối hợp nghiêm túc giữa doanh nghiệp, người lao động. Làm sao để mỗi người lao động là một chiến sĩ, mỗi nhà máy là một “pháo đài”, mỗi cổng ra vào là một “hàng rào” chống dịch.
Hơn lúc nào hết, doanh nghiệp cần sự đồng hành của người lao động, và người lao động cũng phải thể hiện rõ trách nhiệm của mình trong ổn định sản xuất của doanh nghiệp, cũng là đảm bảo quyền lợi và sự an toàn cho bản thân người lao động.
Duy Trường - Di Linh - Pháp luật Plus