Phó Thủ tướng chỉ đạo làm rõ
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về việc giải quyết phản ánh của bà Vũ Thị Kiều Oanh liên quan đến nhà máy thép Gia Sàng (tỉnh Thái Nguyên).
Văn bản nêu: Phó Thủ tướng nhận được văn bản của Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi kèm theo đơn của bà Vũ Thị Kiều Oanh phản ánh, kiến nghị một số nội dung liên quan đến nhà máy thép Gia Sàng và việc xây dựng Dự án khu tổ hợp thương mại dịch vụ, trường học và nhà ở Gia Sàng (Thái Hưng Eco City).
Về việc này, Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng tỉnh kiểm tra nội dung phản ánh của bà Vũ Thị Kiều Oanh về bán đấu giá tài sản bị kê biên của Công ty cổ phần luyện cán thép Gia Sàng đã được Thanh tra Bộ Tư pháp tiến hành thanh tra và có kết luận số 28/KL-TTR ngày 30/7/2018.
Phó Thủ tướng chỉ đạo làm rõ, nhà máy thép biến thành đô thị nghìn tỷ. (ảnh IT).
Đồng thời, giải quyết các nội dung đơn phản ánh, kiến nghị của bà Vũ Thị Kiều Oanh về việc thu hồi đất của Công ty CP luyện cán thép Gia Sàng(viết tắt là Công ty Gia Sàng) cho Công ty cổ phần thương mại Thái Hưng (viết tắt là Công ty Thái Hưng) thuê để sử dụng vào mục đích xây dựng nhà máy luyện cán thép nhưng sau đó lại chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây dựng dự án Thái Hưng Eco City tại phường Gia Sàng, TP Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.
“Có bản trả lời Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trong tháng 2.2019”, Phó thủ tướng chỉ đạo.
Được biết, dự án Thái Hưng Eco City do Công ty cổ phần thương mại Thái Hưng (gọi tắt là Công ty Thái Hưng) làm chủ đầu tư. Dự án tọa lạc tại mặt tiền Quốc lộ 37, nối liền 2 tỉnh Thái Nguyên – Bắc Giang, thuộc phường Gia Sàng.
Dự án có tổng diện tích hơn 354.230m2 với quy mô dân số khoảng 3.800 người. Đây là khu đất gồm gần 22ha đất chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp (đất nhà máy thép Gia Sàng - PV) và hơn 13ha đất mở rộng thêm. Dự án có tổng mức vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng.
Các hạng mục chủ yếu như khu nhà phố thương mại (shophouse), nhà liền kề, nhà ở biệt thự, nhà ở xã hội, khu trường học, khu dịch vụ thương mại...
Nhà máy thép "mọc" thành khu đô thị nghìn tỷ
Công ty Gia Sàng tiền thân là Nhà máy Luyện cán thép Gia Sàng được đưa vào sản xuất năm 1975. Nhà máy này từng được coi là “cánh chim đầu đàn” của ngành thép Việt Nam sau giải phóng, với quy mô và công nghệ thuộc loại lớn và hiện đại nhất miền Bắc lúc bấy giờ.
Đường tụt dốc không phanh của thép Gia Sàng bắt đầu từ năm 2007, khi đơn vị này tiến hành cổ phần hóa với vốn điều lệ 50 tỷ đồng. Trong đó, vốn sở hữu Nhà nước 39,66%, vốn của một cá nhân cổ đông 41%; của cán bộ công nhân viên còn lại 19,34%.
Sau 5 năm cổ phần hóa, đến hết năm 2012, doanh nghiệp này lỗ lũy kế hơn 108 tỷ đồng và ngừng sản xuất từ tháng 1.2013. Sau đó, do nợ nần không có khả năng chi trả, Công ty Gia Sàng đã bị ngân hàng Vietinbank chi nhánh Thái Nguyên kiện ra tòa.
Ngày 8.1.2014, TAND TP Thái Nguyên đã tuyên công ty phải thanh toán 38,8 tỷ đồng cho ngân hàng. Ngày 5.5.2014, Chi cục Thi hành án dân sự Thái Nguyên quyết định cưỡng chế, kê biên, xử lý tài sản của công ty để thi hành án.
Phối cảnh dự án nghìn tỷ ở Thái Nguyên.
Tháng 7.2016, Công ty Thái Hưng đã trúng đấu giá tài sản của Công ty Gia Sàng với số tiền gần 57 tỷ đồng. Trước cổ đông và người lao động thép Gia Sàng, Công ty Thái Hưng cam kết: sẽ thực hiện đúng các điều kiện khi tham gia đấu giá, bao gồm đầu tư xây dựng cải tạo và khôi phục sản xuất Nhà máy Luyện cán thép Gia Sàng, tạo công ăn việc làm cho người lao động và đảm bảo an ninh trật tự trên địa phương.
Ngày 23.9.2016, UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Quyết định 2448/QĐ-UBND về việc thu hồi gần 21,4ha đất của Công ty Gia Sàng cho Công ty Thái Hưng thuê.
Theo đúng cam kết khi đấu giá, tháng 12.2016, Công ty Thái Hưng đã đưa thép Gia Sàng hoạt động trở lại, nhưng chỉ sau nửa năm công ty này bất ngờ cho dừng hoạt động do quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, thiết bị mất mát nhiều.
Trong tháng 7.2017, Ban lãnh đạo Công ty Gia Sàng họp bàn giải pháp và quyết định phải tìm phương án mới cứu nhà máy bằng việc đầu tư cải tạo nâng cấp dây chuyền công nghệ hiện đại hơn, đề xuất phương án cải tạo, nâng cấp gắn với di dời nhà máy, tổng đầu tư hơn 834 tỉ đồng để báo cáo chủ đầu tư là Công ty Thái Hưng triển khai thực hiện.
Đối với vị trí khu đất "vàng" nhà máy Gia Sàng, Công ty Thái Hưng đã xin chủ trương để thực hiện dự án Thái Hưng Eco City và đã được UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt.
Ngày 25.12.2017, UBND tỉnh Thái Nguyên giao nhiệm vụ cho Công ty Thái Hưng nhiệm vụ lập Quy hoạch chi tiết xây dựng, tỷ lệ 1/500 Dự án Thái Hưng Eco City. Chỉ sau đó 2 ngày (tức ngày 27.12.2017) Quy hoạch chi tiết Dự án Thái Hưng Eco City chính thức được phê duyệt.
Sau đó, đến ngày 29.10.2018, UBND tỉnh Thái Nguyên đã chính thức cho phép Công ty Thái Hưng chuyển mục đích sử dụng gần 21,4ha đất của Nhà máy Luyện cán thép Gia Sàng sang mục đích xây dựng khu đô thị mới Thái Hưng Eco City, hoàn tất thương vụ “thâu tóm” đất nhà máy thép để xây dựng dự án bất động sản nghìn tỷ.
Theo Dân Việt/Phapluatplus