Vì sao nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách ở TP HCM chủ động kiến nghị hạ giá cước?

09/08/2022 09:09

Kinhte&Xahoi Nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách chủ động giảm giá cước để bảo đảm số lượng hành khách và chờ mức giá xăng dầu hợp lý, ổn định.

Nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách chủ động giảm giá cước (Ảnh minh họa)

Trước dư luận về giá cước vận tải hành khách chưa giảm dù giá xăng đã hạ nhiệt, tại Bến xe Miền Tây, Bến xe Miền Đông... đã có một số đơn vị vận tải chủ động giảm giá cước. Ngoài ra, nhiều nhà xe cũng đã chủ trương giữ nguyên giá vé từ thời điểm trước và sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát. Đặc biệt, khi giá xăng tăng cũng không thay đổi dù họ phải bù lỗ, bán xe, tài sản... để cầm cự.

Theo một số nhà xe, giá xăng dầu giảm liên tục nhưng mới diễn ra gần đây khiến việc giảm giá cước một phần vẫn chưa thể bù lỗ cho trước đó. Họ chủ động giảm giá cước để bảo đảm số lượng hành khách và chờ mức giá xăng dầu hợp lý, ổn định.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, chủ nhà xe Ba Châu (Bến xe Miền Tây) cho biết, đến hiện tại, dù trải qua giai đoạn chịu ảnh hưởng bởi dịch và giá nhiên liệu tăng nhưng giá vé xe vẫn giữ nguyên.

“Giá vé 150.000 đồng tuyến TP HCM - Cần Thơ đã niêm yết từ trước dịch đến hiện tại vẫn giữ nguyên. Tôi đã phải bán đất để bù lỗ suốt khoảng thời gian qua để phục vụ giá tốt cho người dân. Bởi họ cũng bị ảnh hưởng nhiều”, chủ nhà xe Ba Châu cho biết.

Đại diện nhà xe Hoa Mai thông tin thêm, thời điểm xăng tăng giá, họ tăng giá cước nhưng ở mức hợp lý đối với hành khách. Vì thế, khi xăng giảm, nhà xe cũng có kiến nghị giảm cước phí trở lại bình thường.

“Hiện tại, giá xăng giảm nên phía nhà xe cũng chủ động xin Sở Giao thông vận tải giảm giá để người dân nhẹ chi phí đi lại”, đại diện nhà xe này cho biết.

Anh Vũ, chủ nhà xe Tư Bầu (Bến xe miền Đông) chia sẻ, giá cước vẫn giữ như trước đây. Xăng dầu giảm chỉ giúp giảm chi phí nhiên liệu cho nhà xe một phần. So với thời điểm xăng cao đỉnh điểm, tuyến xe từ TP HCM - Kon Tum có mức chi phí gần 11 triệu đồng, hiện tại chỉ còn khoảng 8 triệu đồng.

“Giá 400.000 đồng/vé vẫn giữ nguyên. Thời điểm xăng dầu lên, mình gánh chi phí, giờ giá xăng dầu giảm lại kêu giảm phí vận tải cũng rất khó. Bởi trước đó mình không tăng, còn lỗ thì giảm sao được”, anh Vũ nói thêm.

Bên cạnh đó, nhiều chủ doanh nghiệp cũng kiến nghị cần điều chỉnh giá xăng dầu ở mức hợp lý nhất và ổn định lâu dài để chủ xe vừa có lãi, vừa không mất khách. Hiện tại, dù giá xăng dầu đã giảm, đơn vị vận tải bắt đầu hồi phục và có lãi nhưng ở mức lãi thấp so với trước đây, sau khi khấu trừ các chi phí. Nhiều nhà xe cũng cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp vận tải trước và sau dịch, bến xe đã giảm phí bến bãi 20%, thời hạn đến tháng 9. Cũng theo Ban Quản lý Bến xe Miền Tây, hiện có 4/125 đơn vị vận tải đã gửi kê khai giảm giá từ 6 đến 12%.

 Hồng Ngọc - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/vi-sao-nhieu-doanh-nghiep-van-tai-hanh-khach-o-tp-hcm-chu-dong-kien-nghi-ha-gia-cuoc-202984.html