Vietnam Airlines làm gì với khoản vay 4000 tỷ đồng lãi suất 0%?
Kinhte&Xahoi
Vietnam Airlines chia sẻ về phương án sử dụng khoản vay lãi suất thấp 4.000 tỷ đồng.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 194 về việc triển khai nghị quyết của Quốc hội về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Trả lời VTC News tối 8/1, đại diện Vietnam Airlines cho biết đơn vị này lên phương án sử dụng gói vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng một cách công khai, minh bạch và đúng mục đích.
“Vietnam Airlines thống nhất với các ngân hàng thương mại về mục đích sử dụng vốn vay. Theo dự kiến, Vietnam Airlines chỉ sử dụng để thanh toán các khoản nợ phải trả quá hạn và thanh toán cho các dịch vụ phục vụ sản xuất kinh doanh phát sinh tại thời điểm giải ngân”, đại diện Vietnam Airlines cho biết.
Vietnam Airlines khẳng định sẽ chỉ sử dụng để thanh toán các khoản nợ phải trả quá và thanh toán cho các dịch vụ phục vụ sản xuất kinh doanh phát sinh tại thời điểm giải ngân.
Vẫn theo Vietnam Airlines, các nội dung thanh toán sẽ được ưu tiên gồm: chi trả tiền thuê máy bay; sửa chữa bảo dưỡng máy bay và các khoản nợ của các nhà cung ứng dịch vụ tại sân bay.
Tất cả các khoản thanh toán phải dựa trên hợp đồng, chứng từ, hóa đơn.
Theo Nghị quyết 194 về việc triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện tái cấp vốn không có tài sản bảo đảm cho tổ chức tín dụng (không bao gồm các tổ chức tín dụng đang được kiểm soát đặc biệt) sau khi tổ chức tín dụng cho Vietnam Airlines vay có tài sản bảo đảm của Vietnam Airlines để bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Số tiền tái cấp vốn tối đa không quá 4.000 tỷ đồng với lãi suất 0%. Thời hạn tái cấp vốn tối đa không quá 364 ngày. Khoản tái cấp vốn được tự động gia hạn hai lần tại thời điểm đến hạn đối với dư nợ gốc tái cấp vốn.
Thời gian gia hạn mỗi lần bằng thời hạn tái cấp vốn lần đầu. Tổng thời gian tái cấp vốn và gia hạn tái cấp vốn tối đa không quá 3 năm. Thời gian giải ngân tái cấp vốn không muộn hơn ngày 31/12/2021.
Chính phủ cũng chấp thuận cho Vietnam Airlines phát hành thêm cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ đồng thời giao Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước thực hiện quyền mua cổ phần của cổ đông nhà nước tại Vietnam Airlines.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ và xác định tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro phù hợp đối với các khoản cho Vietnam Airlines theo Nghị quyết 194.
Tổ chức tín dụng cho Vietnam Airlines vay xem xét và quyết định việc cho vay theo Nghị quyết này và quy định của pháp luật; theo dõi riêng khoản vay theo Nghị quyết này; thỏa thuận với Vietnam Airlines về lãi suất, phí, sổ tiền, thời hạn vay, hình thức bảo đảm tiền vay..., phù hợp với khả năng tài chính của tổ chức tín dụng, tài sản bảo đảm của Vietnam Airlines và tình hình tài chính của doanh nghiệp này vốn đang bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh COVID-19; chịu trách nhiệm về quyết định cho vay đối với Vietnam Airlines.
Tổ chức tín dụng cho Vietnam Airlines vay cũng có trách nhiệm trả nợ tái cấp vốn cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đầy đủ, đúng hạn.
Tại Đại hội cổ đông bất thường của Vietnam Airlines diễn ra hồi cuối tháng 12/2020, ông Đặng Ngọc Hoà, Chủ tịch Vietnam Airlines cho biết, doanh thu hợp nhất năm 2020 của VNA ước đạt hơn 42,5 nghìn tỷ đồng, trong đó công ty mẹ ước đạt hơn 32,9 nghìn tỷ đồng, đều vượt so với kế hoạch, lần lượt là 1.937 tỷ đồng (4,8%) và 448 tỷ đồng (1,4%).
Mức lỗ hợp nhất dự kiến mức hơn 14,4 nghìn tỷ đồng, trong đó số lỗ của công ty mẹ dự kiến ở mức hơn 12.000 tỷ đồng, giảm lỗ 2.420 tỷ đồng so với kế hoạch.
Tuy nhiên, mức lỗ sẽ giảm thêm khoảng hơn 2.800 tỷ đồng khi hoàn tất các thủ tục điều chỉnh khấu hao, phân bổ chi phí sửa chữa, bảo dưỡng theo chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn của Chính phủ.
Hòa Bình - Theo VTC News