Vụ bé gái 13 tuổi tổn hại 42% sức khỏe khi đi nâng mũi: Có dấu hiệu bao che tội phạm?
Kinhte&Xahoi
Ở vụ việc bé gái 13 tuổi tổn hại 42% sức khỏe khi đi nâng mũi, việc áp dụng pháp luật bị đánh giá là tùy tiện của Cơ quan điều tra và Viện KSND Thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái trong quá trình giải quyết khiến trách nhiệm của chủ tiệm Spa Zô Beauty Center được cho là chưa được xem xét một cách đầy đủ.
Ảnh minh họa
Chưa xác định đúng hành vi của chủ tiệm Spa?
Như PLVN đã thông tin, vào cuối năm 2019, cháu H (SN 2006) đến Spa thẩm mỹ “Zô Beauty Center” (địa chỉ số 3 đường Phạm Ngũ Lão, tổ 8, phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ, do bà Nguyễn Thị Phương Dung làm chủ) để tiêm Fliler (chất làm đầy) nâng mũi. Sau khi được tiêm thuốc tê và chất làm đầy vào mũi, cháu H. bị biến chứng và tổn hại sức khỏe 42% (mù hẳn một mắt).
Ngày 24/2/2020, gia đình nạn nhân bất ngờ nhận được thông báo từ CQĐT Công an Thị xã Nghĩa Lộ về việc không khởi tố vụ án hình sự do tỷ lệ tổn thương cơ thể của cháu H. chỉ là 42% nên hành vi của bà Dung không cấu thành tội “Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác”. Sau đó, chủ tiệm Spa Zô Beauty Center chỉ bị xử phạt hành chính 30 triệu đồng.
Liên quan đến quan điểm của CQĐT như trên, LS. Nguyễn Huy Long, Giám đốc Công ty Luật Legal Gate Việt Nam cho rằng: Việc CQĐT Công an Thị xã Nghĩa Lộ ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự mà chỉ xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ tiệm Spa là chưa thỏa đáng. Dù tỷ lệ tổn hại sức khỏe của bị hại chưa lên đến 61% để thỏa mãn tội “vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” (quy định tại Điều 315 BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017) nhưng xét về hành vi khách quan thì trong vụ việc này, chủ cơ sở Spa hoạt động mà không có giấy phép hoạt động phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ, tiêm flier mũi. Mặt khác, hậu quả mà hành vi đó gây ra đã thỏa mãn tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo khoản 1 Điều 138 BLHS năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.
Điều luật này quy định người nào vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 20 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm.
LS. Long cho rằng, ở vụ việc này, nhiều dấu hiệu cho thấy CQĐT Công an Thị xã Nghĩa Lộ chưa xác định đúng hành vi và mức độ hành vi vi phạm của chủ tiệm Spa, xem nhẹ thiệt hại về tinh thần, sức khỏe mà cháu H. đang phải gánh chịu. “Cơ quan chức năng cần xem xét khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với chủ cơ sở Spa trên về tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo khoản 1 Điều 138 BLHS năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017”- LS. Long nêu quan điểm.
Áp dụng trái luật trong giải quyết khiếu nại
Trước đó, vào ngày 21/10/2019 bà Đỗ Thị Ngữ (dì của nạn nhân H.) có đơn tố giác tội phạm gửi CQĐT Công an Thị xã Nghĩa Lộ yêu cầu khởi tố vụ án hình sự. Ngày 22/02/2020, Thủ trưởng CQĐT Công an thị xã Nghĩa Lộ đã ra Quyết định số 02 “không khởi tố vụ án hình sự”. Sau khi bà Ngữ có đơn khiếu nại Quyết định này, ngày 02/4/2020, VKSND Thị xã Nghĩa Lộ ra Quyết định giải quyết khiếu nại số 01.
Theo quy định của BLTTHS, Quyết định giải quyết số 01 của VKSND Thị xã Nghĩa Lộ được coi là quyết định giải quyết khiếu nại lần 1. Nhưng trong quyết định giải quyết này lại ghi là: chấm dứt việc khiếu nại của gia đình bị hại và “đây là quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật”.
LS Long cho hay, trình tự thủ tục về giải quyết khiếu nại đã quy định rất rõ tại Điều 475 BLTTHS năm 2015. Trong trường hợp này, dì của nạn nhân H. khiếu nại quyết định không khởi tố hình sự của Thủ trưởng CQĐT Công an Thị xã Nghĩa Lộ.
Theo trình tự, đơn khiếu nại lần 1 sẽ được Viện trưởng VKSND Thị xã Nghĩa lộ thụ lý và được giải quyết trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại. Nếu người khiếu nại không đồng ý với Quyết định giải quyết khiếu nại lần 1 của Viện trưởng VKSND Thị xã Nghĩa Lộ, thì trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại, bà Ngữ có quyền khiếu nại lần 2 đến Viện trưởng VKSND tỉnh Yên Bái. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại Viện trưởng VKSND tỉnh Yên Bái phải xem xét, giải quyết.
Theo LS. Long, nội dung quyết định giải quyết khiếu nại lần 1 của VKSND Thị xã Nghĩa Lộ có ghi: chấm dứt quyền khiếu nại của dì nạn nhân H. và coi đây là “quyết định có hiệu lực pháp luật” là trái luật. Tuy nhiên, theo quy định của BLTTHS thì dù có ghi như trên thì người nhà nạn nhân H vẫn có quyền khiếu nại quyết định giải quyết khiếu nại lần 1 đến VKSND tỉnh Yên Bái. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, theo quy định tại Điều 471 BLTTHS thì “trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan mà người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu thì thời gian có lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan đó không tính vào thời hiệu khiếu nại”.
Vì vậy, nếu có việc người dân “lầm tưởng” đã hết quyền khiếu nại theo văn bản của VKSND Thị xã Nghĩa Lộ và chậm trễ trong việc khiếu nại lần 2 thì việc này cần được coi là “trở ngại khách quan” để được xem xét việc khiếu nại quá hạn.
Tạo tiền lệ xấu
LS. Nguyễn Huy Long cũng cho rằng, việc CQĐT ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự ở vụ việc này có thể kéo theo hệ lụy là các hiện tượng vi phạm pháp luật hình sự tương tự sẽ khó được phòng ngừa. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ có hoạt động can thiệp vào cơ thể người (tiêm, chích, phẫu thuật…) chưa đủ điều kiện hoạt động, chưa được cấp giấy phép sẽ không được răn đe mà tiếp tục hoạt động tràn lan, vì mục đích lợi nhuận, bất chấp mối nguy hiểm cho sức khỏe thậm chí tính mạng của khách hàng
|
Phi Hùng - Phạm Diệu