Vụ mẹ kế hành hạ bé gái 8 tuổi tử vong: Thêm một bài học về ly hôn cho người trẻ

30/12/2021 18:14

Kinhte&Xahoi Sự việc bé gái 8 tuổi bị mẹ kế bạo hành đến chết đã khiến dư luận vô cùng phẫn nộ. Cộng đồng mạng xót xa bởi một bé gái rơi vào hoàn cảnh cha mẹ ly hôn, bị mẹ kế bạo hành đến tử vong.

Những trận đòn mang tên dì ghẻ

 Cụ thể, sáng 28/12, Công an quận Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh) đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 tháng đối với mẹ kế N.V.Q.Tr (26 tuổi, vợ sắp cưới của bố bé gái, trú tại Gia Lai) về tội hành hạ người khác.

Nạn nhân được xác định là bé gái N.T.V.A (8 tuổi), con riêng của ông N.K.T.Th (36 tuổi, ngụ tại Quận 1, chồng sắp cưới của bà Trang). Hiện cả 3 người đang sinh sống tại một chung cư trên địa bàn Phường 22, quận Bình Thạnh.

Hình ảnh cháu bé bị đánh bầm tím tại bệnh viện

Tại cơ quan điều tra, người phụ nữ này đã khai nhận việc hành hạ, đánh đập bé gái 8 tuổi. N.V.Q.Tr khai nhận đã đặt mua roi mây trên mạng và nhiều lần sử dụng để đánh đập bé V.A khi dạy học. Thậm chí, khi roi mây gãy, Tr đã dùng gậy gỗ để đánh bé…

Câu chuyện thương tâm xảy ra vào ngày 22/12, một bệnh viện ở quận Bình Thạnh tiếp nhận bé V.A vào cấp cứu trong tình trạng hôn mê, ngưng tim. Bác sĩ xác định bé tử vong trước khi nhập viện, cùng với trên người là các vết thương bầm tím trên người.

Khi ly hôn là chuyện “bình thường”...

 Hôn nhân là sự kết tinh của tình yêu đôi lứa, từ hai con người xa lạ đến với nhau, quyết định về sống chung một nhà, xây dựng gia đình riêng. Thực tế không phải cuộc hôn nhân nào cũng viên mãn và đi được đến cuối đoạn đường. Điều đáng nói là tình trạng ly hôn hiện nay đang ngày càng nhiều, đặc biệt trong giới trẻ.

Với nhiều người, ly hôn không còn là vấn đề mới. Lý do dẫn đến tình trạng này xuất phát từ nhiều khía cạnh, không chỉ riêng từ gia đình mà còn từ tác động xã hội. Kinh tế, áp lực cuộc sống… khiến cho vợ chồng luôn cảm thấy ngột ngạt, khó thở ngay cả trong chính gia đình của mình.

Bên cạnh đó những chuyện tình yêu nhanh cưới vội không phải là hiếm. Cuộc sống hiện đại khiến những hy sinh, chịu đựng trong gia đình ngày càng vơi cạn. Không ít những cặp vợ chồng gặp phải bi kịch hôn nhân ngay sau khi sinh những đứa con. Khi cảm xúc yêu ban đầu chóng vánh qua đi, không ít những tình yêu - hôn nhân non trẻ kết thúc bằng sự chia lìa bố mẹ, con cái.

Nghĩ cho con trước khi nghĩ cho mình

Bạn trẻ Trần Thị Hương Giang

Trước vụ việc đau lòng xảy ra tại TP Hồ Chí Minh, bạn Trần Thị Hương Giang (21 tuổi, sinh sống tại Hà Nội) chia sẻ: “Ly hôn với nhiều người là giải thoát nhưng nỗi đau lớn nhất là con trẻ. Khi con cái không ở cùng cả cha mẹ là một điều thiệt thòi.

Tôi được biết, nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy, những đứa trẻ không đủ đầy tình yêu và sự gần gũi của cha mẹ sẽ phát triển “bất bình thường” về tâm lý, chưa kể đến những nỗi đau đớn mà các em còn gặp phải nếu chẳng may bị bạo hành. Cho dù vẫn có nhiều cặp vợ chồng chia tay không ồn ào, cùng quan tâm đến con chung nhưng vết thương tâm lý của những đứa trẻ như cây non trước bão có thể mãi mãi là một vết sẹo mờ”.

Bạn trẻ Nhật Anh (22 tuổi, hiện đang sống tại TP Hồ Chí Minh) cho rằng: “Ly hôn tưởng như chỉ là dấu chấm hết cho một cuộc hôn nhân nhưng thực chất đó không chỉ là sự kết thúc giữa hai vợ chồng mà còn để lại nhiều nỗi đau cho con cái. Nhiều cặp vợ chồng khi ly hôn không suy nghĩ cho những đứa con của họ, không lắng nghe cảm xúc, nguyện vọng của con và cuộc sống của những đứa trẻ sẽ phải trải qua sau này. Không ít trong số đó đã dẫn đến những vụ việc thương tâm”.

Là “những thám tử tư” để bảo vệ con...

 Theo bạn Trần Thị Hương Giang: “Trên các phương tiện truyền thông thường xuyên có những trường hợp bố mẹ ly hôn, phải sống bơ vơ, thiếu tình yêu thương của bố/mẹ, không được dạy dỗ nên đã ăn chơi, sa đọa vào các tệ nạn xã hội, vướng phải vòng lao lý khi tuổi đời còn rất trẻ. Nhiều vụ việc bố/mẹ đi bước nữa nhưng không bảo vệ được đứa con bé bỏng của mình trước những trận đòn roi của dượng/dì ghẻ. Thậm chí nhiều trường hợp bị chính bố/mẹ ruột của mình bạo hành, đánh đập vì lỡ không nghe lời”.

Bá Đức (21 tuổi, học tập và sinh sống tại TP Hồ Chí Minh) cho rằng: “Vụ án này sẽ là bài học cảnh tỉnh cho bậc làm cha mẹ hiện nay. Ly hôn tưởng như chỉ như cái thở phào, nhưng thực tế để lại rất nhiều nỗi đau, nhất là cho con cái. Ly hôn là điều không ai mong muốn nhưng là điều không thể tránh với rất nhiều hoàn cảnh, trường hợp.

Vì vậy, để không phải chia lìa khi đã hứa về chung một nhà, mỗi cặp nam nữ khi yêu nhau, đến với nhau cần xác định rõ và nghiêm túc cuộc sống, mục đích hôn nhân của chính mình. Hơn thế nữa họ cần hiểu, hy sinh vì nhau”.

Bạn trẻ Bá Đức

Bạn Đức chia sẻ: “Mâu thuẫn thì ở đâu cũng có nhưng điều quan trọng là người trong cuộc cần phải có tinh thần xây đắp, vun vén, nhường nhịn nhau. “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” cuộc sống đa dạng nên sẽ khó có một lời khuyên chung cho tất cả, song mình nghĩ rằng, nếu hôn nhân này không thể cứu vãn, buộc bố mẹ phải ly hôn, người lớn hãy làm sao cố gắng để các con ít bị tổn thương nhất.

“Hãy dành tình yêu cho con bằng cách quan tâm sát sao tới con. Đôi khi mẹ/ cha không ở gần con nhưng rất cần phải là “những thám tử riêng” theo sát tình hình con cái mình qua những người quen, những người có liên quan đến con trẻ, bảo vệ và tránh những điều thương tâm xảy ra.

Nếu trong vụ việc này, người mẹ hay người thân của em bé trước đó đã liên hệ với hàng xóm, người thân quen của chồng cũ, thầy cô giáo em bé... sau đó thường xuyên dò hỏi, dặn dò những người này “để mắt” hoặc tâm tình với con mình nhằm biết tình hình con, thì chuyện thương tâm chưa chắc đã xảy ra”, Bá Đức nhấn mạnh.

 Hải Anh -Ngọc Anh - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/vu-me-ke-hanh-ha-be-gai-8-tuoi-tu-vong-them-mot-bai-hoc-ve-ly-hon-cho-nguoi-tre-186925.html