Vụ thầy cúng đầu độc nạn nhân bằng lá ngón rồi cướp tài sản: Bài học lớn cho người mê tín dị đoan

19/10/2021 11:10

Kinhte&Xahoi Trước thông tin vụ án thầy cúng đầu độc nạn nhân bằng lá ngón để cướp tài sản ở huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu, gây xôn xao dư luận, chuyên gia pháp lý cho rằng, hung thủ sẽ bị pháp luật trừng trị thích đáng nhưng đây cũng là bài học cho những người u mê tin vào bói toán, cúng bái, không chỉ tiền mất mà mạng sống cũng không còn.

Rúng động vụ đầu độc lá ngón để cướp tài sản

 Liên quan vụ án mạng thầy cúng đầu độc nạn nhân bằng lá ngón để cướp tài sản ở Sìn Hồ, Lai Châu, ngày 19/10, Công an tỉnh Lai Châu vẫn đang tạm giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối Triệu Văn Phúc (40 tuổi, ở huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) để điều tra về hành vi giết người, cướp tài sản.

Trước đó, vào hồi 10h30 ngày 11/10/2021, Công an tỉnh Lai Châu nhận được báo cáo của Công an huyện Sìn Hồ về việc, vào sáng cùng ngày, người dân phát hiện chị Chèo Mỷ Nải (SN 1972, trú tại xã Tả Phìn, huyện Sìn Hồ) chết chưa rõ nguyên nhân tại khu rừng tái sinh thuộc bản Sẻng Lảng, xã Tả Phìn.

Cảnh sát đưa đối tượng tới nơi cất giấu số tài sản cướp của nạn nhân

Người thân nạn nhân cho biết, trước khi chết, chị Chèo Mỷ Nải đã liên hệ với nhiều người quen vay tiền mặt và mượn vàng, bạc có giá trị khoảng trên 200 triệu đồng mang đi thuê thầy mo để làm lý (làm lễ cúng). Khi phát hiện chị Nải chết, gia đình cùng các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương tổ chức truy tìm tài sản chị mang theo nhưng không thấy.

Xác định dây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, Công an tỉnh Lai Châu đã huy động tối đa lực lượng điều tra. Đến ngày 12/10, Ban chuyên án xác định nghi phạm gây án là Triệu Vạn Phúc (SN 1981, trú tại Đội 4, xã Hồ Thấu, huyện Tam Dường, tỉnh Lai Châu). Phúc là đối tượng hành nghề thầy mo, thường đi làm lễ cho đồng bào dân tộc Dao ở địa bàn các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, có nhiều biểu hiện bất thường.

Tại cơ quan công an, lúc đầu Phúc luôn thể hiện thái độ quanh co, phủ nhận việc có mặt tại địa bàn huyện Sìn Hồ trước, trong thời gian xảy ra vụ án; Đưa ra những chứng cứ ngoại phạm của bản thân. Tuy nhiên, bằng những tài liệu chứng cứ chứng minh, đối tượng Phúc đã phải cúi đầu khai nhận hành vi phạm tội của bản thân.

Theo lời khai của Phúc, lợi dụng việc chị Chèo Mỷ Nải cần tìm thầy cúng để giải quyết việc tranh chấp đất nương do tổ tiên để lại, Phúc đã nảy sinh ý định lừa nạn nhân gom tài sản ra làm lý rồi giết để chiếm đoạt tài sản. Sau khi tiếp cận nạn nhân, Triệu Vạn Phúc nhận làm thầy cúng và yêu cầu chị Nải chuẩn bị rất nhiều vàng bạc, tiền mặt phục vụ làm lễ giải hạn.

Ngày 6/10, chị Nải đưa cho Phúc 22 triệu đồng và thông báo đã chuẩn bị những tài sản theo yêu cầu. Đến ngày 10/10, Phúc mang theo chai nước nấu với cây lá ngón và hẹn chị Nải lên khu rừng tái sinh thuộc bản Phìn Thàng, xã Tả Phỉn, huyện Sìn Hồ làm lý cúng.

Trong quá trình làm lễ, Phúc đưa cho chị Nải uống chai nước nấu cây lá ngón để đầu độc. Thấy chị Nải nằm im bất động, Phúc đã chiếm đoạt toàn bộ số tài sản của nạn nhân mang về nhà chôn giấu ở nương chè của gia đình.

Hiện Công an tỉnh Lai Châu đã thu hồi các vật chứng, số vàng bạc có liên quan tới vụ án và đang tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Số tài sản thầy mo Triệu Vạn Phúc chiếm đoạt

Không mù quáng tin vào năng lực siêu nhiên

 Trao đổi với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô về vụ việc trên, luật sư Trần Xuân Tiền (Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, hiện tượng mê tín dị đoan ngày càng có chiều hướng gia tăng trong xã hội, không chỉ tập trung ở vùng sâu, vùng xa nơi người dân còn nhiều hạn chế về học vấn, mà còn ở cả những nơi dân cư có trình độ cao, mức sống khá giả. Chính từ sự nhận thức không đúng đắn của người dân mà hủ tục này đã tạo điều kiện cho các đối tượng xấu có cơ hội hoạt động, gây ra nhiều hệ lụy khôn lường.

Hành vi Triệu Vạn Phúc lừa nạn nhân uống nước lá ngón có dấu hiệu của tội giết người theo quy định tại khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015. Với hành vi này, Phúc sẽ phải đối mặt với mức phạt tù từ 15 đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Việc giết người nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của nạn nhân, trong trường hợp này là vàng, bạc và các tài sản khác nên đối tượng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản theo quy định tại Điều 168 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt tù đến 20 năm hoặc chung thân.

Luật sư Trần Xuân Tiền, Đoàn Luật sư TP Hà Nội

Cũng theo luật sư Trần Xuân Tiền, do tính chất nguy hiểm của việc hành nghề mê tín, dị đoan mà pháp luật đã có chế tài xử phạt hành chính với mức phạt tiền lên đến 20 triệu đồng; Nặng hơn nữa là xử lý hình sự với mức phạt tiền cao nhất lên đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm; Nếu hậu quả gây chết người hình phạt tù cao nhất lên đến 10 năm.

Trên thực tế, nhận thức của người dân về vấn đề này còn rất hạn chế nên việc giải quyết tình trạng mê tín dị đoan vẫn còn nan giải trong công tác quản lý Nhà nước, quản lý xã hội của các cơ quan, ban, ngành chức năng.

Vì vậy, để hạn chế những hậu quả đáng tiếc xảy ra, trước hết, mỗi người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, tỉnh táo với những lời bói toán vô căn cứ của những đối tượng hành nghề mê tín dị đoan. Quan trọng hơn, phải luôn tin tưởng vào bản thân, tự mình vượt qua mọi khó khăn nghịch cảnh chứ không nên mù quáng tin tưởng vào năng lực siêu nhiên của thánh thần để nhờ giúp đỡ. Sự bình an, phúc lộc chỉ đến khi chúng ta luôn sống có đạo đức, nỗ lực và có trách nhiệm với bản thân, cộng đồng.

Các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác quản lý, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm khắc đối với những đối tượng có hành vi vi phạm; Đặc biệt, cần nhanh chóng và thường xuyên thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nâng cao dân trí, đặc biệt là cho những nhóm người có nguy cơ dễ bị lừa đảo, lợi dụng; Hạn chế, đẩy lùi hành vi mê tín dị đoan, làm những điều trái đạo đức và pháp luật.

“Toàn xã hội phải kiên quyết đấu tranh, xử lý và bài trừ mê tín dị đoan để phòng tránh những vụ việc đau xót như vụ án trên. Tín ngưỡng và các bản sắc văn hóa luôn là giá trị mà mỗi dân tộc cần phải lưu giữ và phát huy. Tuy nhiên, chúng ta cần phân biệt rõ ràng giữa tín ngưỡng và mê tín dị đoan để không tạo cơ hội cho các đối tượng xấu lợi dụng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại về tính mạng, tài sản của người dân", luật sư Trần Xuân Tiền kiến nghị.

 Thành Lộc - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/vu-thay-cung-dau-doc-nan-nhan-bang-la-ngon-roi-cuop-tai-san-bai-hoc-lon-cho-nguoi-me-tin-di-doan-180670.html