Vụ vải thiều năm 2021 tại Bắc Giang đạt doanh thu hơn 6.800 tỷ đồng

09/07/2021 08:42

Kinhte&Xahoi Mùa vải thiều năm 2021 của tỉnh Bắc Giang diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, thách thức lớn chưa từng có khi thủ phủ của trái vải thiều trở thành tâm dịch Covid-19 lớn nhất cả nước. Mặc dù vậy, tính đến ngày 8/7, Bắc Giang đã kết thúc mùa vải thiều năm 2021 với thắng lợi kép, cả về sản lượng, chất lượng.

Sản lượng cao nhất, chất lượng tốt

 Năm 2021, tổng diện tích trồng vải an toàn toàn tỉnh Bắc Giang tiếp tục duy trì 28.100ha. Trong đó, vải chín sớm là 6.050ha, vải thiều chính vụ diện tích 22.050ha; vải sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn VietGAP là 15.200 ha, hướng tới đạt 100% diện tích tại 5 huyện sản xuất vải trọng điểm để phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Đáng chú ý, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã hình thành và duy trì được hàng trăm mã số vùng trồng đối với vải thiều xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, EU…

Ngày 8/7, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương thông tin, năm 2021, vải thiều Bắc Giang được đánh giá có chất lượng tốt nhất và có sản lượng lớn nhất trong những năm gần đây.

 Bắc Giang có một mùa vải thiều thắng lợi trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Ảnh: Ngọc Hưng

Cụ thể, tổng sản lượng vải thiều tiêu thụ toàn tỉnh đạt 215.852 tấn, tăng trên 50.000 tấn (30,82%) so với năm 2020. Trong đó, vải chín sớm tiêu thụ đạt 58.805 tấn, tăng 11.130 tấn so với năm 2020; vải chính vụ tiêu thụ đạt 157.047 tấn, tăng 39.722 tấn so với năm 2020.

Thị trường nội địa được quan tâm, mở rộng với tổng sản lượng tiêu thụ đạt 126.552 tấn, chiếm khoảng 58,6% tổng sản lượng tiêu thụ. Vải thiều Bắc Giang được tiêu thụ khắp cả nước, những địa phương tiêu thụ với số lượng lớn như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và các tỉnh lân cận phía Bắc, các tỉnh miền Trung,

Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam.

Vải thiều có mặt tại hầu hết các siêu thị (Big C, Mega Market, Saigon Co.opmart, Happro, Aeon, Lotte, Vinmart…), trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối, chợ truyền thống thông qua thương nhân, DN, tập đoàn bán lẻ...

Đặc biệt, năm 2021 vải thiều Bắc Giang đã được bán trực tuyến trên nền tảng online (Facebook, Zalo, YouTube…), hạ tầng internet trên các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn trong nước và quốc tế (Voso, Sendo, Tiki, Shopee, Lazada, postmark, Alibba…) với số lượng lớn nhất từ trước tới nay, sản lượng tiêu thụ đạt khoảng trên 6.000 tấn.

 Vải thiều Bắc Giang lên sàn thương mại điện tử Voso.

Thị trường xuất khẩu được ổn định, quả vải đã khẳng định được thương hiệu, định vị giá trị tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với tổng sản lượng xuất khẩu đạt 89.300 tấn (chiếm 41,4% tổng sản lượng tiêu thụ). Vải thiều được xuất khẩu chủ yếu sang thị trường truyền thống Trung Quốc và các quốc gia, khu vực như: EU, Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước Đông Nam Á, khu vực Trung Đông…

Mặc dù trước những diễn biến bất lợi do dịch Covid-19 gây ra, giá vải thiều vẫn luôn được duy trì ổn định từ đầu đến cuối vụ, tương đương, thậm chí có thời điểm cao hơn những năm không có dịch. Tổng doanh thu từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ ước đạt 6.821 tỷ đồng, tương đương với doanh thu năm 2020 là 6.830 tỷ đồng.

Vải thiều có giá bán bình quân của cả vụ ước đạt 19.800 đồng/kg. Giá bán vải thiều xuất khẩu ổn định ở mức cao, dao động từ 30.000 - 55.000 đồng /kg; giá bán tại một số thị trường nước ngoài như tại Nhật Bản, EU (Pháp, Đức, Hà Lan…) rất cao, khoảng từ 350.000 - 450.000 đồng/kg và tiêu thụ thuận lợi.

Chất lượng sản phẩm là yếu tố sống còn

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị về bài học thành công của địa phương trong việc tiêu thụ vải thiều giữa bối cảnh dịch Covid-19, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang Trần Quang Tấn cho biết, trước hết tỉnh đã nhanh chóng khoanh vùng kịp thời, xây dựng kế hoạch sản xuất vải thiều an toàn, không Covid-19. Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Giang cũng chỉ đạo xây dựng kế hoạch tiêu thụ vải thiều từ sớm với 3 kịch bản.

Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cho cho biết thêm, kinh nghiệm của địa phương là chủ động, quyết liệt, sáng tạo và có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác hỗ trợ sản xuất, xúc tiến tiêu thụ nông sản nói chung và vải thiều nói riêng.

Đồng thời phải đặc biệt quan tâm, coi trọng chất lượng, phẩm cấp của sản phẩm, coi đây là yếu tố sống còn của sản phẩm. Sản xuất sản phẩm an toàn, phù hợp với các phân khúc thị trường, đặc biệt hướng đến thị trường khó tính để khẳng định thương hiệu, gia tăng giá trị, sức cạnh tranh.

 Sơ chế vải thiều trước khi xuất khẩu. Ảnh: Nguyễn Miền

Tăng cường phát triển mô hình hợp tác, nhân rộng mô hình nhóm hộ liên kết sản xuất và liên kết chuỗi giá trị. Chú trọng hỗ trợ, nâng cao trình độ cho DN về khả năng tiếp cận, đàm phán, hợp tác… trên trường quốc tế, đảm bảo có đủ năng lực tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đi cùng với quá trình sản xuất thì cần làm tốt công tác dự báo thị trường; điều hành linh hoạt trong từng giai đoạn cụ thể để phân khúc thị trường một cách hợp lý. Song song với đó, mở rộng thị trường, đa dạng hóa các kênh phân phối, tạo thị trường vững chắc cho sản phẩm vải thiều, chú trọng đến thị trường nội địa với gần 100 triệu dân.

“Qua kinh nghiệm của việc tiêu thụ vải thiều vừa qua cho thấy, nếu thị trường trong nước mà được khai thác tốt có ý nghĩa rất quan trọng. Năm 2021 trong bối cảnh rất khó khăn của dịch Covid 19 nhưng Bắc Giang đã tiêu thụ được trên 60% sản lượng vải thiều ở thị trường trong nước” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn nhận định.

Ngoài ra, chuẩn bị tốt các điều kiện hậu cần, logistics, kho bãi, điện, nước, ngân hàng... phục vụ trong quá trình tiêu thụ. Đồng thời, tích cực hỗ trợ thủ tục hành chính, hướng dẫn lập hồ sơ an toàn Covid-19 cho các phương tiện vận chuyển vải và nông sản đi tiêu thụ.

Theo đó, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, thương nhân Trung Quốc không kịp hoàn tất các thủ tục đủ điều kiện nhập cảnh vào Việt Nam. Tỉnh Bắc Giang đã hỗ trợ và luôn tạo điều kiện tốt nhất thông qua nhiều hình thức để thương nhân Trung Quốc kết nối các đơn vị công ty, HTX và doanh nhân trong nước tiến hành nhập khẩu vải thiều sang thị trường Trung Quốc được thuận lợi.

Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang đã thành lập 2 tổ hỗ trợ xuất khẩu vải thiều tại các cửa khẩu Kim Thành, tỉnh Lào Cai và cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn để kịp thời giải quyết những vấn đề khó khăn, thủ tục hỗ trợ hoạt động xuất khẩu cho các doanh nghiệp, thương nhân.

“Do vậy, các xe hàng xuất khẩu vải thiều của Bắc Giang luôn được tạo điều kiện thông quan nhanh chóng qua luồng xanh - ưu tiên tại các cửa khẩu” - lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cho biết.

Năm 2022, tỉnh Bắc Giang đặt mục tiêu tiếp tục duy trì ổn định tổng diện tích trồng vải thiều toàn tỉnh khoảng 28.100ha; mở rộng diện tích theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; mở rộng diện tích mã số vùng trồng cho các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc...; ở những diện tích đã được cấp mã vùng, tiếp tục nghiên cứu nhân rộng mô hình sản xuất vải hữu cơ… 

 

 Thiên Tú - Theo KTĐT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://kinhtedothi.vn/bac-giang-vu-vai-thieu-nam-2021-dat-doanh-thu-hon-6800-ty-dong-426473.html