WHO: COVID-19 mới chỉ là nguy cơ, chưa phải đại dịch
Kinhte&Xahoi
WHO đã ban bố những lo ngại Covid-19 sẽ diễn biến thành đại dịch toàn cầu khi con số người mắc và tử vong ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Ý, Iran đang tăng nhanh, tuy nhiên vẫn bảo lưu quan điểm mới chỉ là "nguy cơ đại dịch".
Hôm qua (25/2), trong cuộc họp báo tại Geneva, Thụy Sỹ, phát ngôn viên của WHO Christian Lindmeier nói rằng các quan chức của WHO đang họp tại Rome để thảo luận các biện pháp dập dịch "mạnh tay" ở Ý.
Theo ông Lindmeier, nhiều quốc gia đã sẵn sàng kịch bản công bố COVID-19 là "đại dịch", nhưng hiện tại WHO vẫn chưa có kế hoạch cho một "thông báo lớn" nào tương tự như việc công bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu vào ngày 30-1 vừa qua.
Trước đó, trong họp báo ngày 24-2, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus bày tỏ lo ngại về tình trạng bùng phát dịch tại các quốc gia và vùng lãnh thổ khác, đặc biệt là Hàn Quốc, Nhật Bản, Ý và Iran, theo tờ The Guardian.
Diễn biến tại Hàn Quốc, chỉ trong vòng một tuần qua, số ca nhiễm COVID-19 ở nước này đã tăng vọt từ 15 trường hợp lên 977 trường hợp với 10 người tử vong; tại Ý, số người nhiễm cũng tăng vọt từ ba ca lên 270 ca trong vòng chưa đầy một tuần... viễn cảnh COVID-19 tiến triển thành đại dịch toàn cầu trong tương lai là hoàn toàn có khả năng.
Tuy lo ngại, nhưng phát ngôn chính thức, Tổng giám đốc WHO vẫn nhấn mạnh "vẫn còn quá sớm" để công bố COVID-19 là đại dịch, cho rằng nếu làm điều đó ngay lúc này có thể gây hoang mang và tạo ra suy nghĩ rằng dịch bệnh không thể bị khống chế hay đánh bại.
“Thông điệp quan trọng là phải khuyến khích, mang lại hy vọng và niềm tin cho tất cả quốc gia rằng virus này hoàn toàn có thể ngăn chặn được. Thực tế đã có nhiều quốc gia làm được điều đó. Liệu virus này có thể gây ra đại dịch hay không? Tất nhiên là có nhưng chúng ta đã ở giai đoạn đó chưa? Theo đánh giá của chúng tôi thì chưa” - ông Tedros giải thích.
Dù vậy, ông Tedros vẫn kêu gọi thế giới cần tập trung ngăn chặn dịch, đồng thời làm mọi việc có thể để sẵn sàng cho nguy cơ một đại dịch.
Giám đốc điều hành Chương trình khẩn cấp của WHO Mike Ryan cũng bình luận: “Hãy xem những gì xảy ra ở TQ, chúng tôi nhận thấy các ca nhiễm mới giảm mạnh, điều đó đi ngược lại với logic của một đại dịch. Trong khi đó, số ca nhiễm đang tăng mạnh ở các nước như Hàn Quốc, do vậy tình hình vẫn đang cân bằng”.
Mặt khác, ông Ryan lưu ý: “Chúng ta đang ở giai đoạn sẵn sàng cho một đại dịch tiềm tàng”. Ông cho rằng các nước cần sẵn sàng các nguồn lực để đối phó với dịch COVID-19 có thể trở thành đại dịch.
Trái với quan điểm của WHO, nhiều chuyên gia vẫn nhận định tình hình hiện nay đã cấu thành đủ điều kiện gọi COVID-19 là đại dịch toàn cầu.
TS Bharat Pankhania thuộc ĐH Y Exeter (Anh) nói: “Hiện giờ chúng tôi coi đây đã là đại dịch, vấn đề chỉ là cách gọi. Khái niệm đại dịch để chỉ một dịch bệnh lây lan hàng loạt sang nhiều nước khác nhau. Từ TQ, giờ thử đếm xem đã bao nhiêu nước có dịch rồi. Việc WHO có quyết định thừa nhận điều này không chỉ là vấn đề thời gian”.
Một chuyên gia tại ĐH East Anglia (Anh) cũng cảnh báo thời gian để kiểm soát dịch có thể đang cạn dần,, sự gia tăng mạnh mẽ số ca nhiễm tại Hàn Quốc là chưa từng có tiền lệ kể từ khi dịch bệnh xảy ra, trong khi tình hình tại Ý là nỗi lo lớn của cả châu Âu.
Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại ĐH Hong Kong Dirk Pfeiffer cũng cho rằng tình hình mới đòi hỏi chính phủ các nước phải thay đổi tư duy phòng, chống dịch từ khống chế, cách ly virus sang giảm thiểu rủi ro. Ông chỉ ra thế giới không còn một nguồn lây nhiễm tập trung là TQ nữa, mà hiện giờ hầu như nước nào cũng có nguy cơ trở thành nguồn lây lan mới.