Từ đầu tháng 7 đến nay, giá xăng trong nước đã giảm xuống hơn 7.000 đồng/lít, giữ quanh mức 24.500 - 25.600 đồng/lít, tương đương mức giá vào tháng 2/2022. Mặc dù giá xăng đã nhiều lần liên tiếp giảm sâu nhưng giá hàng hóa vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”, trong khi đó các mặt hàng tươi sống như rau củ, thịt cá lại có xu hướng tăng.
Xăng với thịt, cá thì có liên quan gì?
Đó là lý giải của nhiều tiểu thương tại các chợ về việc giá thịt lợn vẫn trên đà tăng. Ghi nhận tại chợ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), giá thịt lợn có xu hướng tăng từ 10.000 - 20.000 đồng/kg (từ 130.000 - 180.000 đồng/kg tuỳ loại thịt). Chị Huyền, chủ quầy thịt cho biết: “Xăng thì giảm đấy nhưng mà giá vận chuyển từ chỗ nuôi về lò mổ rồi cung cấp cho các chị bán lẻ vẫn cao, giá nhập vào giữ nguyên nên giá thịt lợn vẫn phải tăng thôi.”.
Không chỉ riêng chợ Nghĩa Tân, khảo sát của phóng viên tại các chợ như Phùng Khoang (Nam Từ Liêm), chợ Thành Công (Ba Đình,), chợ Đại Từ (Hoàng Mai), giá cả các mặt hàng vẫn giữ mức cao. Theo các tiểu thương, do chi phí vận chuyển vẫn tăng cao, đồng thời nguồn cung bị hạn chế khiến giá thực phẩm, rau xanh không có dấu hiệu “hạ nhiệt” so với thời điểm giá xăng tăng cao.
Nhiều bà nội trợ kêu than vì giờ tiền mua rau sắp bằng tiền mua thịt
Hiện tại, giá thịt lợn tại các chợ truyền thống dao động từ 110.000 - 130.000 đồng/kg tùy phần thịt; thịt gà có giá 110.000 - 150.000 đồng/kg tùy loại; giá các loại cá từ 55.000 - 70.000 đồng/kg. Giá rau xanh có sự biến động nhẹ theo ngày. Rau muống có giá 10.000 đồng/mớ; rau ngót có giá 8.000 đồng/ mớ; mùng tơi có giá 10.000 đồng/ mớ; rau xà lách có giá 60.000 đồng/kg, các loại cà chua, hành, rau gia vị vẫn ở mức 30.000 - 50.000 đồng/kg.
Xách làn đi chợ, chị Phương Anh, nội trợ gia đình tại Thanh Xuân kể lại: “Mình đã giật mình, khi mà hôm qua mình có ý định làm lẩu cá cho 5 người ăn, mà riêng tiền rau đã rơi vào gần 200.000 đồng”.
Đặc biệt, tại một số chợ, giá trứng gà công nghiệp loại 1 có giá từ 44.000 - 50.000 đồng/chục; với trứng gà ta là 58.000 đồng/chục; trứng vịt là 45.000 - 50.000 đồng/chục.
Là chủ của một cửa hàng bánh mì trên địa bàn quận Đống Đa, chị Hạnh “đau đầu” tính toán khi đi mua các nguyên liệu làm nhân bánh mì. Thông thường, trung bình mỗi buổi sáng, chị sẽ nhập 70 chiếc bánh mì nhưng hiện tại chỉ dám lấy 30 đến 50 chiếc. "Bây giờ thịt lợn không giảm; giá rau thì cũng chẳng trông mong gì. Nếu như trước tôi bán ra là 20.000 đồng/bánh mì thì bây giờ phải tăng lên 25.000 đồng/cái mới đầy đặn được", chị Hạnh cho hay.
Cần chia sẻ với người dân
Nhận định về vấn đề này, PGS.TS Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Hội Trí thức nữ Hà Nội, cho hay: “Xăng là nguyên liệu đầu vào của tất cả các ngành. Giai đoạn trước, giá xăng tăng thì các mặt hàng khác cũng tăng là đúng rồi. Hiện giờ, xăng đã giảm khá sâu nhưng các mặt hàng khác vẫn chưa giảm. Đó là vấn đề đặt ra với giá cả thị trường. Trong trường hợp này, tất cả các doanh nghiệp sản xuất ra các mặt hàng cần chia sẻ rủi ro, chia sẻ với người dân.”.
Việc giá xăng dầu giảm mạnh nhưng giá một số hàng hóa và dịch vụ thiết yếu tăng cao đã đẩy lạm phát tháng 7 lên 3,59%. Theo số liệu được Tổng cục Thống kê công bố, CPI tháng 7 đã tăng 3,14% so với cùng kỳ năm trước, bình quân 7 tháng tăng 2,54% so với cùng kỳ; tín dụng tăng 16,6% so với cùng kỳ.
Tiểu thương bán thịt cho biết giá bán lẻ thịt vẫn chưa thể giảm
Theo nhận định của cơ quan quản lý, từ nay đến cuối năm sẽ còn nhiều áp lực đặt lên mặt bằng giá cả, nhất là giá các mặt hàng năng lượng, lương thực, nguyên vật liệu cho sản xuất.
Thực tế, chuyện xăng tăng khiến giá cả tăng, còn khi xăng giảm mà giá cả hàng hoá khác không giảm, âu cũng là điều dễ hiểu. Một phần bởi tâm lý của người tiêu dùng đã chấp nhận mặt bằng giá mới và hoàn toàn phụ thuộc vào các tiểu thương.
Ngoài ra, một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến việc điều chỉnh giá cả các mặt hàng hiện nay là thắc mắc về việc liệu giá xăng giảm có mang tính bền vững, ổn định hay không, hay chỉ giảm một thời gian ngắn rồi lại tiếp tục tăng. Do vậy, phần lớn người bán và kể cả doanh nghiệp đều tỏ ra chần chừ trong việc điều chỉnh sản phẩm, hàng hóa.
Mặc dù rất thông cảm với doanh nghiệp, tiểu thương khi hàng loạt nguyên vật liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất, kinh doanh từ năng lượng, nhiên liệu đến hóa chất, phân bón, thức ăn chăn nuôi đều có sự gia tăng về giá. Song giới phân tích khẳng định, rất nhiều loại hàng hóa, dịch vụ đã tạo lập một mặt bằng giá mới cao hơn nhiều so với đà tăng của giá xăng dầu là khó có thể chấp nhận được.
Đã đến lúc phải bình ổn giá
Dưới góc nhìn của Nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII, PGS. TS Bùi Thị An cho rằng: “Thủ tướng đã có công điện rồi, Bộ tài chính cũng cần vào cuộc xem vấn đề là gì để đưa ra cách giải quyết hiệu quả. Vì vậy, để giải quyết được gốc rễ vấn đề, tất cả các ngành, cùng các doanh nghiệp đều phải chia sẻ cả lợi ích và những rủi ro theo nguyên tắc lợi ích cùng hưởng, rủi ro cùng chia sẻ, cũng như giải quyết hài hòa lợi ích giữa nhà nước với doanh nghiệp.”.
Hiện nay, những biện pháp bảo vệ cho người tiêu dùng là vô cùng cần thiết, nhằm hạn chế những thiệt thòi về giá, làm sao để giảm tải các khâu trung gian làm tăng giá bán. Không dễ để có thể điều chỉnh giá cả trong một sớm một chiều, bởi thực tế khi giá đầu vào tăng, các doanh nghiệp cũng phải điều chỉnh và phải mất một khoảng thời gian nhất định giá mới ra đến thị trường. Nhiều khả năng, giá xăng dầu phải giảm 1 - 2 tháng, khi đó mới tác động đến giá hàng hóa bán ra trên thị trường.
Do đó, cơ quan quản lý Nhà nước phải can thiệp ngay từ đầu. Công tác kiểm soát giá các loại hàng hóa cần được chú trọng, đặc biệt là những hàng hóa thực hiện bình ổn giá, bao gồm giá xăng dầu, vật tư xây dựng, cước phí vận tải, nguyên liệu đầu vào của nông nghiệp, giá một số thiết bị vật tư, y tế, giáo dục…
Đình Trung - TTTĐ