Xây dựng các cụm công nghiệp sẽ góp phần thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Trong ảnh: Cụm công nghiệp Lai Xá, xã Kim Chung (huyện Hoài Đức). Ảnh: Nguyễn Quang
Vẫn còn khó khăn, trở ngại
Dự án Cụm công nghiệp Song Phượng (xã Song Phượng, huyện Đan Phượng) được thành phố yêu cầu khởi công trong năm 2022. Theo Chủ tịch UBND xã Song Phượng Bùi Anh Tùng, dự án có tổng diện tích thu hồi gần 69.000m2 đất, trong đó có gần 60.000m2 là đất 112 hộ dân đang sử dụng. Đến nay, UBND huyện Đan Phượng đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng của 54 hộ, cá nhân với diện tích gần 28.000m2. Chủ đầu tư dự án đã chi trả cho 39 hộ (diện tích gần 20.000m2). "Ở dự án này còn khoảng 20 hộ gặp vướng mắc trong thu hồi đất do chủ sử dụng đất đã mất, sai thông tin về diện tích hoặc chưa phối hợp kê khai kiểm đếm", ông Bùi Anh Tùng nói.
Tương tự, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Đan Phượng Lê Văn Mạnh cho biết, dự án Cụm công nghiệp Hồng Hà (xã Hồng Hà) có diện tích đất thu hồi 60.000m2. Đến nay, huyện đã ra thông báo thu hồi đất của 131/150 hộ, còn 19 hộ chưa ra thông báo do chủ hộ mất, chuyển nhượng đất không có giấy tờ, sai lệch diện tích… Trong 131 hộ ra thông báo chỉ có 72 hộ đã kê khai, kiểm đếm, số hộ còn lại chưa chấp hành; trong đó, một số hộ yêu cầu mức chi trả bồi thường cao hơn giá Nhà nước quy định.
Còn tại huyện Gia Lâm, Trưởng phòng Kinh tế huyện Nguyễn Tiến Hoàng thông tin, trên địa bàn huyện có dự án Cụm công nghiệp Phú Thị giai đoạn 2 (32,47ha) có hơn 10ha đất lúa, theo quy định cần có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất. UBND huyện Gia Lâm đã có 2 văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội nhưng đến nay chưa có kết quả.
Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, năm 2021, thành phố giao kế hoạch khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật 43 cụm công nghiệp, tuy nhiên mới có Cụm công nghiệp làng nghề Đại Thắng và Cụm công nghiệp làng nghề Phú Túc (huyện Phú Xuyên) được khởi công, còn lại hầu hết đều chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng. Nguyên nhân chính là theo quy định, có trên 10ha đất lúa phải trình Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương chuyển đổi, trong khi đó đến nay mới có 2/20 cụm có văn bản chấp thuận chủ trương. Mặt khác, khó khăn trong việc quy chủ, xác minh nguồn gốc đất, một số hộ xây dựng công trình trên đất nông nghiệp chưa được xử lý… cũng ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án.
Thi công xây dựng Cụm công nghiệp làng nghề Đại Thắng (huyện Phú Xuyên). Ảnh: Công Tâm
Nhanh chóng hoàn thiện thủ tục
Ngày 16-3-2022, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 85/KH-UBND về quản lý, đầu tư phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2022. Mục tiêu đặt ra là tạo bứt phá mạnh mẽ trong phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố, từ đó hoàn thành các chỉ tiêu trong Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025".
Cùng với đó, ngày 17-3-2022, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục ban hành Kế hoạch số 89/KH-UBND về khắc phục những hạn chế, khuyết điểm về đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp còn chậm tiến độ trên địa bàn. Theo kế hoạch này, thành phố yêu cầu nhanh chóng hoàn thiện thủ tục, điều kiện để phấn đấu khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật 41 cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập giai đoạn 2019-2020 trong năm 2022. Một số cụm công nghiệp có tính đặc thù, còn khó khăn, vướng mắc có thể được xem xét xác định thời gian khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật phù hợp với điều kiện thực tế. Đặc biệt, yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành và chủ tịch UBND huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, đôn đốc, chịu trách nhiệm toàn diện trước thành phố về triển khai kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ được giao; thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc, rút ngắn tối thiểu 50% thời gian thực hiện các thủ tục hành chính…
Thực hiện kế hoạch của thành phố, Sở Công Thương Hà Nội đang triển khai các giải pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến độ khởi công các dự án. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng nhất là Sở sẽ phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện hồ sơ để UBND thành phố trình Thủ tướng Chính phủ xin chuyển đổi đất lúa; cùng với đó là hoàn thiện ngay việc cấp giấy phép xây dựng với các cụm công nghiệp đủ điều kiện… Theo chỉ đạo của thành phố, Sở sẽ đôn đốc các chủ đầu tư, địa phương xin điều chỉnh, gia hạn tiến độ thực hiện dự án đối với các cụm công nghiệp đã hết hạn; lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án; báo cáo đánh giá tác động môi trường…
Từ góc độ địa phương, Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm Nguyễn Tiến Hoàng cho hay, huyện phấn đấu giải quyết nhanh nhất các vấn đề về đất đai, giải phóng mặt bằng trong thẩm quyền. Với dự án Cụm công nghiệp Phú Thị giai đoạn 2, chủ đầu tư cam kết sau khi hoàn tất các thủ tục liên quan, sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng để có thể khởi công vào tháng 9-2022.
Thanh Hải - Ánh Dương - Hà Nội mới