Xét nghiệm diện rộng “vét sạch” F0, Hà Nội cần có lộ trình cẩn trọng

12/08/2021 17:34

Kinhte&Xahoi Thành phố đã lên kế hoạch xét nghiệm tổng lực 3,3 triệu mẫu. Với số lượng xét nghiệm “khủng”, Hà Nội cần chủ động có các phương án tránh tình trạng dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Lộ trình khi xét nghiệm tổng lực diện rộng

 Kế hoạch thực hiện xét nghiệm trên diện rộng bảo đảm an toàn ở mức tối đa, kết hợp với các hoạt động xét nghiệm theo truy vết, đánh giá nguy cơ lây nhiễm để trong thời gian ngắn nhất bóc tách triệt để F0, kiểm soát không để dịch bệnh lây lan, bùng phát. Thành phố phân chia đối tượng xét nghiệm theo các nhóm nguy cơ.

“Nhóm đỏ”: Các khu vực trong các xã, phường nguy cơ rất cao và nguy cơ cao. Các đối tượng nguy cơ cao căn cứ theo yếu tố dịch tễ, các đối tượng di chuyển nhiều, tiếp xúc nhiều như chuỗi cung ứng, chợ, lực lượng tham gia phòng, chống dịch, công nhân, bảo vệ các tòa nhà... và các khu vực nguy cơ cao khác. Đối tượng nguy cơ cao khác theo chỉ định chuyên môn về dịch tễ.

“Nhóm da cam”: Các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ quan, đơn vị, chợ, siêu thị, bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh... và các khu vực nằm trong vùng nguy cơ. Các đối tượng và các khu vực nguy cơ khác theo chỉ định chuyên môn về dịch tễ.

“Nhóm xanh”: Các đối tượng ít di chuyển tại khu vực không có dịch trong vùng xanh.

Thành phố ưu tiên sử dụng phương pháp RT-PCR. Tuy nhiên, việc triển khai xét nghiệm diện rộng cần có lộ trình thận trọng.

Triển khai xét nghiệm diện rộng tại khu vực ngõ Văn Chương, quận Đống Đa, Hà Nội

Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc CDC Hà Nội cho biết, trước mắt, từ ngày 10 đến 17/8, thành phố triển khai lấy khoảng 300.000 mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 tại 30 quận, huyện, thị xã, trong đó có 186.000 mẫu tại khu vực nguy cơ, 114.000 mẫu là đối tượng nguy cơ.

Sau đợt cao điểm này, căn cứ diễn biến dịch bệnh, Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo đánh giá nguy cơ để tiếp tục triển khai xét nghiệm theo chỉ đạo của UBND thành phố.

Trước đó, ngày 10/8, đã có tổng số 71.385 mẫu được lấy tại 20 quận, huyện nêu trên, trong đó có 46.152 mẫu được lấy tại các khu vực nguy cơ cao và 25.233 mẫu là đối tượng nguy cơ cao. Kết quả, có 4.222 mẫu thuộc các khu vực nguy cơ cao âm tính, số còn lại đang chờ kết quả.

Ngoài ra, có 416 mẫu là các đối tượng nguy cơ cao có kết quả âm tính, 1 mẫu tại quận Hoàng Mai có kết quả dương tính, số còn lại đang chờ kết quả.

Tính đến 18h ngày 11/8, thành phố đã lấy được 177.924 mẫu (đạt 59% tiến độ đề ra), qua đó đã phát hiện 8 mẫu dương tính với SARS-CoV-2.

Lên phương án điều trị trong tình huống có 40.000 người bệnh Covid-19

 Phương pháp chống dịch năm 2020 đã mang lại kết quả tốt, tuy nhiên biến thể Covid-19 trong năm 2020 ở quy mô nhỏ, khả năng lây lan thấp. Còn trong năm 2021, biến thể virus không ngừng phát triển, khả năng lây lan cao. Việc phong tỏa truy vết, xét nghiệm, điều trị... khi con số lây nhiễm là rất lớn thì việc truy vết tìm ra F0, F1, F2... rất gian nan và tốn kém.

Dịch lan rộng, nếu ý thức người dân còn kém thì sẽ xảy ra tình trạng vẫn xuất hiện những F0, F1 đi lại ngoài đường. Bệnh viện quá tải, lực lượng y tế gồng mình chống dịch, các nơi cách ly đã kín chỗ.

Từ bài học của TP HCM, trong khi số bệnh nhân mới mắc Covid-19 vẫn duy trì ở mức cao, hệ thống bệnh viện trong các tầng điều trị rơi vào quá tải nghiêm trọng, nhiều cơ sở không còn chỗ để tiếp nhận bệnh nhân.

Người bệnh không nhận được sự hỗ trợ, hướng dẫn y tế kịp thời là thực tế khá phổ biến tại TP HCM và nhiều tỉnh thành phía nam khi bệnh viện mở ra đến đâu quá tải đến đó.

Do đó, song song với việc mở rộng xét nghiệm diện rộng, Hà Nội cần chuẩn bị phương án mở rộng các khu cách ly và bệnh viện điều trị để chuẩn bị cho những kịch bản xấu.

Lập chốt ở các khu vực phong toả

Ngày 6/8, Hà Nội vừa đưa vào vận hành một bệnh viện - trung tâm thu dung tại Đền Lừ (quận Hoàng Mai) với quy mô 1.000 giường để điều trị cho những người mắc Covid-19 thể nhẹ và sẽ được bổ sung khoảng 5.000 giường nữa.

Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch với quy mô 500 giường đang được khẩn trương xây dựng tại ngõ 587 Tam Trinh, phường Yên Sở, quận Hoàng Mai.

Ngày 8/8, Chủ tịch UBND thành phố, Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 của Hà Nội, đồng chí Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Phương án số 182/PA-UBND đáp ứng 8.000 giường để điều trị cho bệnh nhân Covid-19 ở mức độ vừa, nặng và nguy kịch trong tình huống có 40.000 người bệnh Covid-19 tại thành phố.

Phương án này là nhằm để các bệnh viện có đủ điều kiện sẵn sàng thu dung, điều trị cho người bệnh; Đồng thời sử dụng nguồn lực hợp lý, an toàn, tiết kiệm và hiệu quả trong công tác thu dung, điều trị Covid-19 trên địa bàn thành phố.

Phương án thực hiện theo 3 giai đoạn. Giai đoạn đáp ứng 2.000 giường bệnh điều trị người bệnh Covid-19 mức độ vừa, nặng và nguy kịch (tình huống có 10.000 ca mắc Covid-19 trên địa bàn thành phố).

Giai đoạn đáp ứng 4.000 giường bệnh điều trị người mắc Covid-19 mức độ vừa, nặng và nguy kịch (tình huống có 20.000 ca mắc Covid-19 trên địa bàn thành phố).

Giai đoạn đáp ứng 8.000 giường bệnh điều trị người Covid-19 mức độ vừa, nặng và nguy kịch (tình huống có 40.000 ca mắc Covid-19 trên địa bàn thành phố).

Nguyên tắc phân luồng người bệnh theo mức độ bệnh là dựa theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định số 3416/QĐ-BYT ngày 14/7/2021 về việc hướng dẫn, chẩn đoán và điều trị Covid-19.

Theo đó, 80% bệnh nhân không có triệu chứng, khoảng 20% bệnh nhân mức độ vừa, nặng và nguy kịch, 5% bệnh nhân cần điều trị hồi sức tích cực. Do vậy, với trường hợp có 40.000 người bệnh mắc Covid-19 sẽ có 8.000 người bệnh có triệu chứng mức độ vừa và nặng (6.000 bệnh nhân mức độ vừa, 2.000 bệnh nhân mức độ nặng và nguy kịch)…

Thiết lập các khu vực vùng xanh tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam, để có thể hoàn toàn kiểm soát được dịch bệnh trong đợt giãn cách thứ 2, Hà Nội cần thực hiện tốt một số biện pháp chính.

Thứ nhất, Hà Nội phải thực hiện giãn cách thật nghiêm ngặt. Đây là điều quan trọng số một để "cách ly" người nhiễm vi rút với người bình thường do vẫn còn ca bệnh lẩn khuất trong cộng đồng. Việc xét nghiệm diện rộng dù được triển khai cũng khó có thể "bóc" hết F0, vì có thể người dân âm tính ở thời điểm xét nghiệm nhưng sau đó lại dương tính.

Dù đánh giá kế hoạch xét nghiệm trên diện rộng của thành phố là hoàn toàn hợp lý, nhưng PGS.TS Trần Đắc Phu cũng đưa ra một số lưu ý, đó là việc xét nghiệm trên diện rộng này không thể phát hiện được hết các trường hợp F0 lẩn khuất trong cộng đồng. Bởi vì không có loại xét nghiệm nào có thể đạt được mức độ chính xác 100% và cũng chưa xét nghiệm được hết 100% dân số của Hà Nội.

Thứ hai, Hà Nội có thể xét nghiệm diện rộng để phát hiện và tổ chức khoanh vùng, cách ly, dập dịch. Việc xét nghiệm được thực hiện trên diện rộng nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm tại các vùng nguy cơ, vùng được chỉ định, các đối tượng nguy cơ, khu công nghiệp, chuỗi cung ứng… không xét nghiệm tràn lan.

"Đặc biệt, việc xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR mẫu gộp là hợp lý nhất, không nên sử dụng test kháng nguyên nhanh vì số mắc trong cộng đồng của Hà Nội đang rất thấp", PGCS. TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Thứ ba, Hà Nội cần tạo được nhiều vùng xanh an toàn (vùng không có dịch). Từ các ngõ, xóm an toàn, đường phố an toàn rồi tiến tới quận, huyện an toàn, thủ đô an toàn. Nếu như cứ giãn cách mà chủ quan, không tạo được vùng xanh an toàn thì dịch rất dễ bùng lên.

Phương Thu - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/xet-nghiem-dien-rong-vet-sach-f0-ha-noi-can-co-lo-trinh-can-trong-173423.html