Xét tuyển ĐH bằng chứng chỉ tiếng Anh quốc tế: Cuộc đua “có điều kiện”?
Kinhte&Xahoi
Năm 2021, nếu đạt chứng chỉ IELTS với điểm số 5.5 trở lên, thí sinh sẽ có cơ hội trúng tuyển vào nhiều trường đại học trên toàn quốc. Tuy nhiên, không phải tất cả phụ huynh đều có đủ tài chính cho con theo học để thi chứng chỉ này. Như vậy có công bằng với tất cả thí sinh?
Ảnh minh họa.
“Ưu thế” chứng chỉ IELTS
Cùng với các phương thức xét tuyển như dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, kết quả học tập (học bạ), kỳ thi đánh giá năng lực… nhiều trường mở rộng ưu tiên xét tuyển, thậm chí là tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ đánh giá năng lực quốc tế như A-Level, SAT… hoặc có chứng chỉ tiếng Anh TOEFL, IELTS…
ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết dự kiến sẽ xét tuyển đối với những thí sinh có điểm chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS từ 5.5 trở lên và có tổng điểm 2 môn thi còn lại trong tổ hợp xét tuyển tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đạt tối thiểu 12 điểm.
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng đưa ra phương án xét tuyển thẳng đối với những thí sinh có chứng chỉ IELTS Academic đạt từ 6.5 trở lên (hoặc tương đương) vào các ngành Ngôn ngữ Anh và Kinh tế quản lý. Ngoài chứng chỉ IELTS, thí sinh cần điểm trung bình chung học tập từng năm học lớp 10, 11, 12 đạt 8.0 trở lên.
Trường ĐH Ngoại thương năm 2021 dự kiến vẫn giữ 5 phương thức tuyển sinh của năm 2020, trong đó có xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả học tập dành cho thí sinh hệ chuyên và hệ không chuyên; xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi THPT.
Năm 2020, để đăng ký vào các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh, thí sinh phải có chứng chỉ IELTS từ 6.5 trở lên hoặc các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế tương đương; cùng các yêu cầu cụ thể khác về điểm trung bình chung học tập.
Trường ĐH Y Hà Nội dự kiến năm 2021 xét kết hợp điểm thi với chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, yêu cầu thí sinh phải có IELTS 6.0 trở lên. Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cho biết sẽ xét tuyển với những thí sinh có điểm trung bình các môn của từng học kỳ lớp 10, 11, 12 đạt từ 7 trở lên và có chứng chỉ IELTS Academic từ 5.5 trở lên.
Học viện Nông nghiệp Việt Nam xét tuyển thẳng với thí sinh có học lực đạt loại khá ít nhất 1 năm tại các trường THPT và có điểm kết quả thi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế trình độ IELTS 4.0 điểm, TOEFL iBT 45 điểm, TOEFL ITP 450 điểm, A2 Key (KET) Cambridge English hoặc có một trong các chứng chỉ tin học quốc tế: IC3, ICDL, MOS.
Trường Đại học Kinh tế quốc dân yêu cầu thí sinh muốn sử dụng phương thức xét tuyển kết hợp cần có chứng chỉ IELTS 5.5; TOEFL ITP 500 trở lên hoặc TOEFL iBT 46 trở lên và đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào dự kiến từ 20 điểm gồm điểm ưu tiên.
Trường Đại học Luật TP.HCM ưu tiên xét tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ Tiếng Anh IELTS đạt điểm từ 5,0 trở lên còn giá trị đến ngày 30.6.2021 và phải có điểm trung bình của 5 học kỳ THPT (trừ học kỳ 2 lớp 12) của 3 môn thuộc tổ hợp đăng ký xét tuyển đạt tổng điểm từ 21 trở lên…
Nên thi ngoại ngữ để xét tuyển?
Có thể nói, việc mở rộng ưu tiên xét tuyển và xét tuyển thẳng với thí sinh có các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như TOEFL, IELTS có thể sẽ thúc đẩy phong trào học tiếng Anh và cũng là xu thế chung của các trường ĐH trên thế giới.
Tuy nhiên, theo thầy Vũ Khắc Ngọc, Hệ thống Giáo dục Học mãi, việc không còn kỳ thi “2 trong 1” mà chỉ là kỳ thi tốt nghiệp THPT, các trường đại học thiếu những căn cứ “tin cậy” tuyển sinh phù hợp nhu cầu đào tạo của trường mình. Do đó, việc sử dụng chứng chỉ tiếng Anh quốc tế hay các chứng chỉ đánh giá năng lực quốc tế là một giải pháp mà các trường sử dụng để bù đắp lỗ hổng này.
Mặt khác, phương thức xét tuyển này liệu có tạo ra sự bất bình đẳng đối với học sinh vùng nông thôn hay vùng sâu vùng xa? Học sinh ở những khu vực này khó có điều kiện về tài chính và môi trường học tập thuận lợi để ôn thi chứng chỉ TOEFL hay IELTS.
Trong khi đó, ở thành phố, nhiều phụ huynh đã cho con tham gia vào cuộc đua luyện thi TOEFL, IELTS từ rất sớm để có chứng chỉ được ưu tiên xét tuyển lớp 10, đại học. Có những học sinh ở các tỉnh gần Hà Nội như Bắc Ninh, Hưng Yên… hàng tuần gia đình vẫn phải thuê taxi cho các em lên các trung tâm tiếng Anh ở Hà Nội ôn thi IELTS và để được học giáo viên bản ngữ. Nhưng không phải gia đình nào cũng có điều kiện như vậy.
Bởi thế, theo thầy Vũ Khắc Ngọc, nếu các trường đại học thực sự quan tâm đến năng lực ngoại ngữ, năng lực tiếng Anh của học sinh thì nên chăng Bộ GD-ĐT hoặc các trường đại học tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Anh chung cho học sinh. Như vậy học sinh sẽ có một thước đo ngoại ngữ bằng một kỳ thi chung, mà không quá tốn kém, đắt đỏ như các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế…
Nguyễn Mỹ - Pháp luật Plus