Xét xử phúc thẩm vụ án xảy ra ở Đồng Tâm: Đề nghị y án tử hình kẻ chủ mưu
Kinhte&Xahoi
Tại phiên tòa, bị cáo Công đã thành khẩn, nhưng với tính chất tội phạm nghiêm trọng, VKS xét thấy không có căn cứ giảm hình phạt tử hình.
KS đề nghị y án tử hình đối với các bị cáo trong vụ án Đồng Tâm.
Sau 1 ngày xét xử, sáng nay (9/3), VKSND Cấp cao tại Hà Nội, giữ quyền công tố trong phiên xử phúc thẩm vụ án Giết người và Chống người thi hành công vụ, xảy ra tại thôn Hoành xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội đã đưa ra quan điểm luận tội đối với các bị cáo:
Lê Đình Công (SN 1964), Lê Đình Chức (SN 1980), Lê Đình Doanh (SN 1988), Bùi Viết Hiểu (SN 1943), Nguyễn Quốc Tiến (SN 1980) và Bùi Thị Nối (SN 1958).
Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án cùng kết quả thẩm tra tại phiên tòa, VKS đủ cơ sở kết luận: Từ năm 2013, một số đối tượng tại địa bàn xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức đã thành lập “Tổ Đồng thuận” do Lê Đình Kình (SN 1936), Lê Đình Công (SN 1964, là con trai Kình) và Bùi Viết Hiểu (SN 1943) cầm đầu.
Do có ý định chiếm đoạt đất ở cánh đồng Sênh thuộc quản lý của bộ Quốc phòng, các đối tượng này thường xuyên lôi kéo, kích động quần chúng nhân dân khiếu kiện phức tạp về công tác quản lý, sử dụng đất của chính quyền xã Đồng Tâm.
Nghiêm trọng hơn, khi biết thông tin Công an TP Hà Nội phối hợp với Quân chủng Phòng không – Không quân triển khai bảo vệ lực lượng thi công xây dựng tường rào sân bay Miếu Môn trên đất đồng Sênh, Lê Đình Kình cùng Lê Đình Công, Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Văn Tuyền và đồng bọn đã góp tiền mua 10 quả lựu đạn, mua xăng làm 85 chai bom xăng, 10 tuýp sắt có gắn dao bầu và liềm, nhặt gạch đá, làm bùi nhùi, mua pháo… nhằm chống đối lực lượng chức năng. Hậu quả làm 3 chiến sĩ hy sinh khi đang làm nhiệm vụ.
Trong vụ án, kiểm sát viên cho rằng, nhóm bị cáo Lê Đình Công (SN 1964, con ông Kình), Lê Đình Chức (SN 1980, con ông Kình), Bùi Viết Hiểu (SN 1943), Nguyễn Quốc Tiến là những kẻ chủ mưu cầm đầu, vừa chỉ đạo bị cáo khác lại trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội.
Tại phiên tòa, bị cáo Công đã thành khẩn, nhưng với tính chất tội phạm cũng như hậu quả nghiêm trọng xảy ra, Viện kiểm sát xét thấy không có căn cứ giảm nhẹ mức tử hình mà bị cáo đã bị tuyên.
Đối với bị cáo Lê Đình Chức bị xác định khai báo có mức độ, chưa thành khẩn và thậm chí đổ trách nhiệm cho Lê Đình Doanh... nên không có căn cứ giảm nhẹ án tử hình.
Đối với các bị cáo còn lại, VKS cho rằng, bản án sơ thẩm đã thể hiện được tính nghiêm minh; mức án áp dụng đối với các bị cáo là phù hợp với quy định của pháp luật. Tại phiên phúc thẩm, các bị cáo không đưa ra được những tình tiết giảm nhẹ mới nên không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của các bị cáo.
Vì vậy, đại diện VKS đề nghị tòa cấp phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm, bác kháng cáo của 6 bị cáo.
Duy Khương - Pháp luật Plus