Xử lý hơn 1.200 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trong ngày 30 Tết

21/01/2023 19:37

Kinhte&Xahoi Theo đó, lực lượng chức năng đã tước 789 giấy phép lái xe các loại, trong đó vi phạm nồng độ cồn xử lý 1.232 trường hợp vi phạm.

Ảnh minh hoạ. (Nguồn: TTXVN)

Chiều ngày 21/1 (tức 30 Tết), Ủy ban ATGT Quốc gia phát đi thông cáo tình hình trật tự, an toàn giao thông (ATGT) trong ngày. Cụ thể, hôm nay cả nước xảy ra 22 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 13 người, bị thương 15 người. Trong đó, đường bộ xảy ra 20 vụ, đường sắt xảy ra 2 vụ và đường thủy không xảy ra tai nạn.

So với ngày 30 Tết Nguyên đán năm 2019 (thời điểm trước dịch Covid-19), TNGT đã giảm cả 3 tiêu chí, trong đó giảm 15 vụ, giảm 11 người chết, giảm 12 người bị thương.

Về công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, trong ngày 30 Tết, lực lượng CSGT các địa phương đã kiểm tra, phát hiện xử lý 3.399 trường hợp vi phạm; phạt tiền 7 tỷ 699 triệu đồng; tạm giữ 111 xe ô tô, 1.463 xe mô tô và 16 phương tiện khác

Lực lượng chức năng đã tước 789 giấy phép lái xe các loại, trong đó vi phạm nồng độ cồn xử lý 1.232 trường hợp, so với ngày 30 Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 tăng 1.107 trường hợp (tương đương 885,6%), 342 trường hợp vi phạm tốc độ, 12 trường hợp quá tải.

Về tình hình ùn tắc giao thông, Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, trong ngày 30 Tết, tình hình trật tự an toàn giao thông cơ bản được bảo đảm, không xảy ra ùn tắc nghiêm trọng, giao thông đảm bảo thông suốt.

Cũng trong ngày, có 4 cuộc gọi và tin nhắn của người dân phản ánh đến đường dây nóng của Ủy ban ATGT Quốc gia, trong đó có việc tăng giá vé của một số nhà xe... Các cuộc gọi đã được chuyển tới cơ quan chức năng để xác minh và xử lý kịp thời.

Về tình hình trật tự, ATGT qua phương tiện thông tin đại chúng, trong ngày 30 Tết, cả trong nội đô cũng như cửa ngõ đã không còn cảnh ùn tắc như những ngày trước. Các bến xe thưa khách hơn. Nhiều nút giao thông thường xảy ra tình trạng ùn tắc trong năm qua, ngày hôm nay cũng trở nên thông thoáng.

Tại cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình, một trong những tuyến có mật độ phương tiện tham gia giao thông lớn nhất của cả nước nhưng đến ngày 30 Tết, mật độ phương tiện không đông. Tuy nhiên, theo đánh giá của đơn vị quản lý tuyến cao tốc, các phương tiện qua đây đông và đã xuất hiện tình trạng ùn ứ do một số xe không đủ tài khoản trong thẻ ETC dẫn đến một số làn không hoạt động đúng thu phí không dừng.

Tại các bến xe lớn ở Hà Nội như Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm, trong ngày 30 Tết, những chuyến xe vẫn phục vụ nhu cầu đi lại cho người dân về quê ăn Tết. Những chuyến xe cuối cùng tại các bến này sẽ là 18 giờ.

Giao thông ngày 30 Tết tại TP Hồ Chí Minh vắng vẻ, thưa thớt do người lao động đã bắt đầu về quê ăn Tết từ hơn một tuần trước. Các bến xe buýt tại những thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng vẫn hoạt động vào ngày 30 Tết nhưng ít người qua lại.

Xử lý vi phạm nồng độ cồn xuyên Tết

Thượng tá Phạm Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục CSGT, việc xử lý vi phạm nồng độ cồn là một trong các hoạt động trọng tâm của kế hoạch cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông dịp Tết Nguyên đán. Lực lượng CSGT sẽ duy trì, thực hiện việc kiểm tra nồng độ cồn trên các tuyến đường, mọi khung giờ trong dịp Tết

"Cục sẽ cử cán bộ đến các địa phương để nắm bắt, theo dõi công an các địa phương có duy trì việc kiểm tra nồng độ cồn không, hay việc xử lý vi phạm nồng độ cồn có quyết liệt không." - Thượng tá Phạm Quang Huy cho hay.

Trong đợt cao điểm này, lực lượng CSGT kiên quyết xử lý nghiêm, không để xảy ra tình trạng xin xỏ, can thiệp vào quá trình xử lý vi phạm nồng độ cồn. Sau khi xử phạt, lực lượng chức năng sẽ thông báo về chính quyền địa phương, các cơ quan chủ quản xử lý và báo cáo kết quả lại Cục CSGT.

Theo Phó Cục trưởng Cục CSGT, bên cạnh việc tăng cường xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cũng cần sự chung tay của người dân. Đơn cử, mỗi cá nhân có ý thức chấp hành và nhắc nhở người thân mình chấp hành sẽ tạo ra một gia đình văn hoá, nhiều gia đình văn hoá tạo nên xã hội văn minh.

“Ngay trong dịp Tết này, mỗi người không ép bạn bè, người thân mình uống rượu bia là chung tay cùng xã hội đảm bảo an toàn giao thông. Ngăn cản khi thấy người thân mình uống say rồi điều khiển phương tiện cũng là chung tay cùng xã hội.”- Thượng tá Phạm Quang Huy nhấn mạnh. 

 K.L- Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-24h/xu-ly-hon-1200-truong-hop-vi-pham-nong-do-con-trong-ngay-30-tet-d189324.html