Xử lý tháo dỡ triệt để vi phạm hành lang đê Ngũ Huyện Khê trước 30/9

14/09/2021 09:22

Kinhte&Xahoi Tỉnh Bắc Ninh yêu cầu tất cả các cơ sở sản xuất vi phạm hành lang đê phải tháo dỡ toàn bộ công trình vi phạm, xong trước ngày 30/9/2021.

Mới đây, tỉnh Bắc Ninh đã ban hành quyết định “cứng rắn” nhằm xử lý triệt để tình hình vi phạm hành lang đê Ngũ Huyện Khê.

Nhiều năm nay, việc lấn chiếm đất hành lang đê Ngũ Huyện Khê diễn biến hết sức phức tạp, nhiều nhà ở trái phép xây dựng, nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng đất hành lang đê… đặc biệt tại khu vực CCN Phú Lâm, huyện Tiên Du và phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh gây bức xúc trong dư luận nhân dân.

Rác thải, nước thải đen sì ở CCN giấy Phú Lâm. Đến ruồi, nhặng cũng không sống nổi chứng tỏ mức độ độc hại về ô nhiễm môi trường ở đây là vô cùng nguy hiểm. Ảnh Tạp chí Môi trường và Cuộc sống.

Sau 3 tháng triển khai nhiều biện pháp mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực CCN Phú Lâm, huyện Tiên Du và phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh đang dần đi vào nền nếp, có được sự đồng thuận cao của người dân và các cơ sở sản xuất tại 02 khu vực trên.

Để giải quyết bài toán này, Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh yêu cầu, UBND thành phố Bắc Ninh và UBND huyện Tiên Du chủ trì, phối hợp với các Sở: Nông nghiêp và PTNT, Tài nguyên và Môi trường:

Tiến hành cắm mốc hành lang đê cho tất cả các cơ sở sản xuất dọc hai bên hành lang đê Ngũ Huyện Khê, xong trước ngày 20/9/2021. 

Báo cáo danh sách các cơ sở sản xuất trên với Chủ tịch UBND tỉnh, trước ngày 15/9/2021.

Yêu cầu tất cả các cơ sở sản xuất vi phạm hành lang đê phải tháo dỡ toàn bộ công trình vi phạm, xong trước ngày 30/9/2021.

Sau ngày 30/9/2021, cơ sở sản xuất nào không thực hiện tháo dỡ xong toàn bộ công trình vi phạm thì Chủ tịch UBND tỉnh sẽ giao cơ quan có thẩm quyền tiến hành kiểm tra, xử phạt hoặc trình xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật, trong đó có áp dụng biện pháp đình chỉ hoạt động. 

Báo cáo kết quả tháo dỡ của các cơ sở sản xuất vi phạm trên với Chủ tịch UBND tỉnh, xong trước ngày 2/10/2021.

Liên quan đến xử lý ô nhiễm môi trường tại CCN Phú Lâm (Tiên Du) và phường Phong Khê (TP Bắc Ninh), ngày 7/9 hai đơn vị này đã gửi báo cáo về thực trạng, đề xuất chủ trương và một số phương án xử lý ô nhiễm môi trường tại hai điểm nóng kể trên.

Ngay sau đó, Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh tiếp tục giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở: Xây dựng, Công thương, Nông nghiệp và PTNT; Công an tỉnh; UBND thành phố Bắc Ninh, UBND huyện Tiên Du và các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất, chuẩn bị báo cáo chi tiết việc xử lý ô nhiễm môi trường tại các điểm nóng CCN Phú Lâm và phường Phong Khê. Tỉnh Bắc Ninh xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021.

Doanh nghiệp đủ báo cáo đánh giá tác động môi trường mới được phép hoạt động

Giữa tháng 8/2021, một cuộc họp giữa các sở, ngành tại Bắc Ninh đã diễn ra, với sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Quang Khải tại cuộc họp về việc xử lý ô nhiễm môi trường tại cụm công nghiệp (CCN) Phú Lâm, huyện Tiên Du và phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh.

Theo đó, tỉnh Bắc Ninh chỉ cho phép vận hành thử nghiệm hệ thống xử lý nước thải đối với các cơ sở sản xuất đã đầu tư hệ thống xử lý môi trường nằm trong CCN Phú Lâm, CCN Phong Khê I, CCN Phong Khê II; không sử dụng đất lấn chiếm hành lang đê, hành lang giao thông.

Đối với các cơ sở đã có báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc Bản cam kết môi trường được phê duyệt phải bảo đảm yêu cầu có Bản cam kết xây dựng xong công trình xử lý nước thải, đã tháo dỡ nồi hơi cũ, ống khói và đấu nối hơi thương phẩm về cơ sở sản xuất; có đơn xin vận hành thử nghiệm; đối với các cơ sở sản xuất đang thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính, bổ sung biên lại nộp phạt và báo cáo khắc phục sai phạm.

Các cột khói đen sì vô tư xả độc ra môi trường ở làng giấy Phú Lâm, Tiên Du, Bắc Ninh. Ảnh: Nguyễn Chương. Ảnh ghi nhận tháng 4/2021

Các cơ sở chưa có đánh giá tác động môi trường hoặc Bản cam kết môi trường được phê duyệt phải thực hiện xây dựng xong công trình xử lý nước thải, tháo dỡ nồi hơi cũ, ống khói, cam kết đã đấu nối hơi thương phẩm về cơ sở sản xuất và gửi đơn xin vận hành thử nghiệm hệ thống xử lý nước thải về Sở Tài nguyên và Môi trường để trình UBND tỉnh xem xét.

Các cơ sở sản xuất đã có chủ trương vận hành thử nghiệm hoặc đã vận hành thử nghiệm hệ thống xử lý môi trường nhưng chưa đạt yêu cầu về môi trường giao Sở Tài nguyên và Môi trường thông báo cho các cơ sở sản xuất tạm dừng vận hành thử nghiệm; chỉ được vận hành thử nghiệm hệ thống khi có Thông báo đạt yêu cầu của Sở Tài nguyên và Môi trường.

Doanh nghiệp đóng góp và Nhà nước xây dựng hạ tầng CNN Phú Lâm

Tháng 7/2021, tỉnh Bắc Ninh đưa ra nhận xét, hiện hạ tầng kỹ thuật tại CCN Phú Lâm đang xuống cấp nghiêm trọng: cốt đường tại trước cửa các nhà máy khác nhau (có những đoạn chênh nhau từ 0.2-0.5m), hệ thống cống thoát nước bị hư hỏng gần như hoàn toàn…, ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại và tiêu thoát nước tại CCN Phú Lâm. Để khắc phục ngay tình trạng này, Chủ tịch UBND tỉnh có ý kiến như sau:

Xây dựng phương án đầu tư xây dựng hạ tầng CCN Phú Lâm để đảm bảo đồng bộ, đáp ứng yêu cầu về môi trường; nguồn vốn: các doanh nghiệp sản xuất tại CCN Phú Lâm đóng góp và Ngân sách hỗ trợ một phần (nếu có);... 

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.

 Chí Kiên - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/doi-song/xu-ly-thao-do-triet-de-vi-pham-hanh-lang-de-ngu-huyen-khe-truoc-30-9-d166205.html