Xử lý xe quá tải: Cần sự vào cuộc đồng bộ từ nhiều phía

19/07/2022 19:12

Kinhte&Xahoi Trước tình hình nhiều phương tiện vi phạm quy định chở quá tải trọng, cơi nới thùng xe, làm rơi vãi đất cát, gây ảnh hưởng môi trường, làm hệ thống đường sá, hạ tầng xuống cấp..., Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng phương tiện vi phạm về kích thước thùng hàng và chở quá tải trọng.

Gia tăng các vi phạm về kích thước thùng hàng, quá tải

 Theo thống kê của Cục Cảnh sát Giao thông, trong 6 tháng năm 2022, lực lượng cảnh sát giao thông đã phát hiện, xử lý hơn 21.500 trường hợp vi phạm quá trọng tải; Hơn 850 trường hợp dương tính ma túy, gần 104.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn; Hơn 140.000 trường hợp chạy quá tốc độ quy định…

Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục Cảnh sát Giao thông nhìn nhận: Công tác kiểm soát trọng tải phương tiện, cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa thực sự quan tâm, chưa huy động sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan, ban, ngành địa phương mà coi đó là nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát Giao thông.

Hành vi cơi nới, chở quá tải sẽ bị lực lượng chức năng xử lý nghiêm

Về xử lý xe quá tải, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long nêu thực trạng có nhiều xe tải “hổ vồ” (xe tải howo) nguyên bản, theo tiêu chuẩn năm 2012 được phép nhập về nhưng tiêu chuẩn hiện nay không bảo đảm quy định nên rất khó khăn trong việc xử lý.

Nếu yêu cầu chủ phương tiện cắt thành thùng thì lại không đăng kiểm được vì không đúng quy định, nếu để nguyên thì quá tải. Bên cạnh đó, có tình trạng mượn thành thùng để đăng kiểm; Nhiều địa phương làm lơ để xe quá tải hoạt động.

“Hiện nhiều doanh nghiệp vận tải không hoạt động để chờ xem hết cao điểm, Bộ Công an có tiếp tục thực hiện xử lý quá tải hay không để tiếp tục hoạt động. Tôi khẳng định rằng, không có chuyện hết cao điểm sẽ dừng việc xử lý. Chúng tôi sẽ kiểm tra thường xuyên, liên tục, không để hết cao điểm lại tái diễn", Thứ trưởng Nguyễn Văn Long khẳng định.

Điển hình trong số những vụ việc xe chở quá tải, quá khổ bị lực lượng Cảnh sát Giao thông kiểm tra đó là xe đầu kéo chở gỗ lim quá tải 76% tại Quảng Ngãi.

Cụ thể, khoảng 15h30 ngày 28/6, trên tuyến QL1 đoạn qua xã Tịnh Ấn Đông, TP Quảng Ngãi, tổ công tác thuộc Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh Quảng Ngãi phát hiện xe đầu kéo BKS: 15H-010.97 kéo theo rơmoóc BKS 15R-172.41 đang chở số lượng gỗ nguyên khối lớn, có dấu hiệu quá khổ, quá tải.

Tài xế xe đầu kéo cho biết chiếc xe đầu kéo chở hơn 83 m3 gỗ đang lưu thông từ Hải Phòng vào TP. HCM, khối lượng gỗ trên xe thuộc về một công ty lâm sản có địa chỉ tại Hà Nội. Chiếc xe này đã đi qua hành trình gần 1.000 km, qua cả chục tỉnh thành, dù có dấu hiệu chở quá khổ, quá tải nhưng phương tiện vẫn không bị kiểm tra, xử lý trước khi vào địa phận Quảng Ngãi.

Đến ngày 1/7, đại diện Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết, Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh đã kiểm tra tải trọng và lập biên bản vi phạm hành chính đối với xe chở gỗ 83 m3 gỗ lim (loại lim châu Phi) bị tạm giữ trước đó.

Kết quả cân tải trọng, xe đầu kéo nói trên vượt quá tải trọng 76% so với tải trọng cho phép (tải trọng cho phép của rơmóoc là 57 tấn). Ngoài ra, số gỗ chở trên xe có chiều dài vượt 4 m so với chiều dài cho phép của xe.

Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh Quảng Ngãi đã lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi quá khổ, quá tải đối với xe đầu kéo này. Hồ sơ vụ việc được bàn giao cho Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Quảng Ngãi và lực lượng kiểm lâm để tiếp tục làm rõ, xử lý.

Tăng cường kiểm tra

Theo Bộ Giao thông vận tải, thời gian qua, nhiều cơ quan báo chí phản ánh về hiện tượng xe ô tô tải tự đổ có dấu hiệu chở hàng quá tải tham gia giao thông gây phá hoại kết cấu hạ tầng giao thông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Để xử lý nghiêm các hiện tượng vi phạm quy định về tải trọng phương tiện, ngăn ngừa các phương tiện chở hàng quá tải tham gia giao thông, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng phương tiện vi phạm về kích thước thùng hàng và chở quá tải trọng.

Trong đó, tập trung kiểm tra trên tuyến đường Hồ Chí Minh, tuyến đường qua thành phố Hà Nội và các tỉnh Hà Nam, Hòa Bình, Thanh Hóa. Đặc biệt lưu ý các loại ô tô tải tự đổ được sản xuất, lắp ráp nhập khẩu trước thời điểm Thông tư số 32/2012/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam tổng hợp danh sách, số xe vi phạm gửi Cục Đăng kiểm để cảnh báo và thực hiện hình phạt bổ sung theo quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 123/2021/NĐ-CP.

Cần xử lý nghiêm trường hợp vi phạm về kích thước thùng hàng, quá tải

Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam kiểm tra và xử lý nghiêm các đơn vị đăng kiểm, cá nhân vi phạm quy trình, quy định trong công tác kiểm định xe cơ giới. Báo cáo kết quả xác minh, xử lý về Bộ Giao thông vận tải trước ngày 20/7/2022.

Cục Đăng kiểm Việt Nam chỉ đạo các đơn vị đăng kiểm thực hiện kiểm tra đầy đủ hạng mục, đúng quy trình, quy định đối với xe cơ giới vào kiểm định, đặc biệt là đối với ô tô tải tự đổ, sơ mi rơ moóc tải tự đổ. Đồng thời, các đơn vị tăng cường kiểm tra chuyên ngành, phúc tra kết quả kiểm định đột xuất tại các đơn vị đăng kiểm và xử lý nghiêm (có tăng nặng) các trường hợp đơn vị đăng kiểm, đăng kiểm viên vi phạm quy định.

Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các Sở Giao thông vận tải tăng cường kiểm soát tải trọng xe trên địa bàn địa phương bằng trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động và các thiết bị cân kiểm tra tải trọng xe; Xử lý nghiêm các phương tiện, doanh nghiệp vận tải vi phạm, đặc biệt lưu ý đối với trường hợp ô tô tải tự đổ, sơ mi rơ moóc tải tự đổ; Kiểm tra, xử lý vi phạm về tải trọng phương tiện, kích thước thùng xe ngay tại các đầu nguồn hàng.

Đồng thời, các đơn vị tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về tải trọng xe, thiệt hại do xe quá tải gây ra, các quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với người điều khiển và chủ phương tiện khi vi phạm quy định về tải trọng xe.

 Thanh Hà - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/xu-ly-xe-qua-tai-can-su-vao-cuoc-dong-bo-tu-nhieu-phia-201371.html