Xử phạt Công ty Điện lực JAKS Hải Dương vì chiếm đất nông nghiệp
Kinhte&Xahoi
Theo đó, UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Điện lực JAKS Hải Dương về hành vi chiếm đất nông nghiệp là đất rừng phòng hộ.
Chiếm đất nông nghiệp
Ngày 5/4/2023, UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành quyết định số 579/QĐ-XPHC, quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty TNHH Điện lực JAKS Hải Dương (Có tên quốc tế là JAKS HAIDUONG POWER COMPANY LIMITED). Công ty có địa chỉ tại thôn Thái Mông, xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Người đại diện theo pháp luật là ông ANG LAM POAH, quốc tịch Malaysia.
Theo đó, UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty TNHH Điện lực JAKS Hải Dương số tiền là 210 triệu đồng. Bởi hành vi chiếm đất nông nghiệp là đất rừng phòng hộ (đã được quy hoạch bãi thải xỉ của dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Hải Dương, đã nộp tiền khôi phục trồng rừng) tại khu vực nông thôn, cụ thể:
Từ ngày 30/3/2019, Công ty TNHH Điện lực JAKS Hải Dương đã quản lý, sử dụng 157.305m2 đất rừng phòng hộ nằm trên địa bàn 02 xã Lê Ninh và Quang Thành, thị xã Kinh Môn (nằm trong quy hoạch bãi thải xỉ của dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Hải Dương) nhưng chưa hoàn thiện thủ tục thuê đất theo quy định.
Dự án nhiệt điện BOT Hải Dương. Ảnh Tạp chí Kinh tế Môi trường
UBND tỉnh Hải Dương buộc Công ty TNHH Điện lực JAKS Hải Dương thực hiện tiếp thủ tục thuê đất theo quy định.
Cùng với đó, UBND tỉnh Hải Dương cũng đã buộc Công ty TNHH Điện lực JAKS Hải Dương nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi chiếm đất, cụ thể nộp 1.866.276.578,52 đồng vào tài khoản tạm giữ của Sở Tài nguyên và Môi trường.
Thời hạn thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả 10 ngày, kể từ ngày nhận được Quyết định này.
Hàng loạt sai phạm về môi trường
Trước đó, như Pháp luật Plus đã phản ánh tại thời điểm tháng 9/2021, trong quá trình triển khai dự án xây dựng Nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương ngoài những vi phạm liên quan đến đất đai thì dự án này cũng "dính" tới loạt vi phạm liên quan đến môi trường, như:
Nước thải sinh hoạt và nước thải nhiễm dầu sau xử lý chưa đạt Quy chuẩn môi trường cho phép. Hiện Công ty đang cải tạo lại 2 hệ thống này.
Công trường Nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương đã có 688 lao động nước ngoài đang làm việc. Ảnh báo Hải Dương.
Phapluatplus.vn sẽ tiếp tục thông tin
Thanh Bình - Pháp luật Plus