Xử phạt không phân loại rác: Cần làm rõ lộ trình để quy định đi vào cuộc sống

28/07/2022 10:00

Kinhte&Xahoi Hiện thời gian bắt đầu xử phạt hành vi không phân loại rác tại nguồn đã được đại diện Tổng Cục môi trường xác nhận chưa áp dụng từ ngày 25/8 tới đây nhưng chưa có thời gian chính thức cụ thể. Trong khi Nghị định 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường có hiệu lực từ 25/8/2022 sớm muộn cũng phải thực hiện, nếu không làm rõ lộ trình ngay từ thời điểm này cho người dân cũng như địa phương, rất có thể một chế tài cần thiết và quan trọng để bảo vệ môi trường có nguy cơ “nằm trên giấy”.

Người dân lo lắng, địa phương bối rối về phân loại rác

 Theo Khoản 7 của Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân phải được thực hiện chậm nhất là ngày 31/12/2024. Điều này đồng nghĩa với việc kể từ ngày 25/8/2022 (ngày Nghị định 45/2022 có hiệu lực) cho đến hết ngày 31/12/2024, tuỳ thuộc vào tình hình, đặc điểm của từng tỉnh, thành phố sẽ có lộ trình triển khai phù hợp trong thực hiện và áp dụng chế tài liên quan đến vấn đề phân loại rác tại nguồn.

Theo đó, hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định, không sử dụng bao bì chứa chất thải sinh hoạt có thể bị xử phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.

Việc một bộ phận người dân vẫn giữ thói quen bỏ rác chung khiến cho việc áp dụng chế tài mới cần có thời gian (Ảnh minh họa)

Việc chưa áp dụng ngay chế tài xử đã được đại diện Tổng cục Môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường làm rõ trước sự lo lắng của người dân về việc 1 tháng nữa nếu không phân loại rác tại nguồn sẽ bị xử phạt.

Điều đáng nói, dù chưa xử phạt ngay theo nghị định mới, người dân cũng có những băn khoăn còn địa phương bối rối với cách tuyên truyền về chính sách như hiện nay. Hiện không ít người dân vẫn chưa có thói quen phân loại rác cũng như biết các phân loại rác đúng. Nếu không làm tốt công tác chuẩn bị, cho dù là thời gian áp dụng kéo dài thêm 2 năm, không có lộ trình rõ ràng cũng rất khó đưa chính sách vào cuộc sống.

Theo ghi nhận của phóng viên, sau khi biết thông tin này, nhiều người dân Thủ đô băn khoăn và muốn được phổ biến, hướng dẫn cách phân loại cũng như dùng các loại túi nào để chứa rác phân loại.

Chị Lê Thị Hồng Ánh (sinh sống tại Tứ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội) thắc mắc: “Tôi đồng ý với quy định này và cũng sẵn sàng chịu phạt nhưng rất mong muốn có được những hướng dẫn cụ thể để không vi phạm. Bởi vì, thói quen bỏ chung rác đã tồn tại quá lâu. Chúng tôi muốn bỏ nhưng cũng cần có thời gian và hướng dẫn cách phân loại đúng. Rất mong địa phương tuyên truyền sâu và kỹ hơn chứ không biết mà phạt thì dân chúng tôi sẽ không phục”.

Còn tổ trưởng Tổ dân phố 11 phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Thị Bích Thủy cho rằng, quy định xử phạt nếu không phân loại rác đang khiến người dân còn nhiều lo lắng.

Bà Thủy cho biết, quy định này sớm muộn cũng phải thực hiện nhưng việc bỏ chung các loại rác đã trở thành thói quen, muốn thay đổi cần có sự tuyên truyền, tới từng người dân thông qua các cán bộ cơ sở, tổ trưởng tổ dân phố. Nếu không có hướng dẫn, rất nhiều người sẽ không nhận biết được đâu là rác hữu cơ, rác vô cơ, rác có thể tái chế và từng loại rác thì bỏ vào đâu... dẫn đến quy định sẽ không đi vào cuộc sống.

Trong khi người dân còn nhiều lo lắng, chính quyền các địa phương cũng đang bối rối. Đại diện Hội Phụ nữ xã Kim Sơn (huyện Gia Lâm, Hà Nội) cho biết, trước thời điểm Nghị định có hiệu lực, Hội Phụ nữ đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ người dân đối với việc xử phạt. Ngoài tuyên truyền về chính sách mới, cơ sở chưa được định hướng về phương pháp triển khai, người dân phải làm như thế nào để tránh bị xử phạt... là những khó khăn phát sinh trong thời gian qua. Do đó, đại diện Hội Phụ nữ xã mong muốn các cơ quan cấp trên sớm có hướng dẫn cụ thể nhằm tạo điều kiện thực thi.

Cũng cùng nỗi băn khoăn này, chia sẻ với báo chí, Chủ tịch UBND xã La Phù, huyện Hoài Đức Nguyễn Hữu Khoa cũng bày tỏ việc người dân bắt buộc phải phân loại rác từ hộ gia đình nếu không muốn bị xử phạt hiện còn gặp nhiều khó khăn, về cả kinh phí bổ sung công cụ thu gom, trang thiết bị giám sát. Ông Nguyễn Hữu Khoa cho biết, đặc thù ở xã La Phù gồm nhiều cơ sở kinh doanh, sản xuất nên công tác bảo vệ môi trường được chú trọng xuyên suốt nhiều năm. Tuy nhiên, yêu cầu kiểm soát quy trình phân loại rác thải từ hộ gia đình vẫn khiến địa phương gặp bối rối. Ví dụ như thùng rác sẽ được đặt ở đâu, giờ thu gom như thế nào hay hành vi như thế nào sẽ bị xử phạt. Tất cả những điều này cần phải làm rõ thì khi thực hiện mới đảm bảo.

Cần có lộ trình tuyên truyền sâu rộng

 Cần phải tuyên truyền ngay từ bây giờ với lộ trình cụ thể rõ ràng đến từng người dân là giải pháp mà cả chuyên gia pháp lý cũng như đại diện các công ty môi trường đưa ra.

Đại diện một công ty môi trường tại Hà Nội cho biết, quy định hộ gia đình không phân loại rác thải sẽ bị xử phạt là cần thiết để bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, cần phải tuyên truyền sâu rộng để người dân nắm rõ và xem rác thải như nguồn tài nguyên, sau đó mới tiến hành phạt tiền. Theo đại diện công ty này, phân loại giúp cho công nhân thu gom dễ dàng hơn, mang lại giá trị kinh tế vì nhiều loại rác có khả năng tái chế cao, làm phân bón, điện rác... Thực tế hiện nay, một số khu đô thị trên địa bàn TP Hà Nội khi thu gom đã phân loại, tuy nhiên khâu xử lý cuối cùng thì vẫn chôn lấp lẫn lộn, rác vô cơ, hữu cơ, tái chế đều như nhau

Các chuyên gia pháp lý thì cho rằng, việc xử phạt hành vi không phân loại rác thải sinh hoạt đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện từ lâu. Tuy nhiên, tại nước ta thì việc này vẫn là rất mới so với thói quen của người dân. Chính vì vậy, cần phải được tuyên truyền sâu rộng trước sau đó mới tiến hành xử phạt.

"Còn khi đã tuyên truyền sâu rộng rồi mà cá nhân hoặc gia đình vẫn vi phạm thì các cơ quan quản lý cần phải xử lý nghiêm, tránh để các quy định xử phạt "trên giấy" như các quy định xử phát về tiểu bậy, hút thuốc lá nơi công cộng và để công bằng cho tất cả người dân cũng như đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật”, đại diện công ty luật Newsky chia sẻ.

Để nghị định 45 đi vào cuộc sống rất cần sự tuyên truyền rộng rãi ngay từ bây giờ

Theo chia sẻ của đại diện Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội, việc nghị định đưa ra xử phạt cũng như các nghị định trước đây đưa ra các mức xử phạt và hình thức xử phạt mới về chất thải rắn sinh hoạt. Tuy nhiên, hiện nay, để người dân nhận biết phân loại rác như thế nào, chúng ta cần một lộ trình, một kế hoạch và cũng phải phân định rõ phân định chất thải này thành những loại chất thải như thế nào và có công nghệ để xử lý chất thải sau phân loại hay không?

Rõ ràng cả người dân và chính quyền cơ sở đều ủng hộ việc phân loại rác thải sinh hoạt đầu nguồn và chấp nhận xử phạt nếu như không thực hiện đúng. Tuy nhiên, cần phải tuyên truyền và hướng dẫn cụ thể cách làm hoặc triển khai một số mô hình thí điểm tốt để người dân biết, cùng nhau thực hiện. Đặc biệt, đã đến lúc cần trang bị các loại thùng chứa rác hợp chuẩn sau phân loại tại các khu dân cư, với ít nhất 3 thùng chứa loại lớn với 3 màu khác nhau để phân biệt rác sinh hoạt, rác nguy hại, rác tái chế. Thay đổi dần thói quen của người dân đến khi chế tài chính thức được áp dụng sẽ vừa được lòng dân, công nhân vệ sinh bớt vất vả, môi trường cũng dần trong lành hơn.

Dẫu biết rằng, quy định nào cũng tốt nhưng để thực thi được nó trên thực tế rất cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng…

 Ánh Dương - Hoàng Yến - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/xu-phat-khong-phan-loai-rac-can-lam-ro-lo-trinh-de-quy-dinh-di-vao-cuoc-song-201995.html