Y sĩ Phòng khám Thẩm mỹ Becamexc Korea bị phạt vì hành nghề không có chứng chỉ
Kinhte&Xahoi
Sau khi Phòng khám Thẩm mỹ Becamexc Korea bị Sở Y tế TP Hồ Chí Minh xử phạt hành chính và đình chỉ khám, chữa bệnh 18 tháng, nhân viên không có chứng chỉ hành nghề của cơ sở này bị phạt hành chính 35 triệu đồng.
Theo thông tin Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, đơn vị vừa ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 35 triệu đồng đối với Y sĩ Trần Thị Thảo Anh (258 Tô Hiến Thành, Phường 15, Quận 10, TP Hồ Chí Minh) vì khám bệnh, chữa bệnh khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề. Được biết, Y sĩ Trần Thị Thảo Anh làm việc Công ty TNHH Becamexc Korea thuộc Phòng khám Thẩm mỹ Becamexc Korea.
Không có giấy phép Thẩm mỹ viện Quốc tế Becamexc Korea bị xử phạt và đình chỉ hoạt động. Ảnh Thương trường
Trước đó, trong danh sách xử phạt VPHC của bộ phận khám chữa bệnh từ ngày 13/01/2023 đến 17/01/2023 Sở Y tế TP Hồ Chí Minh vừa xử phạt Công ty TNHH Becamexc Korea (Thẩm mỹ viện Quốc tế Becamexc Korea, địa chỉ 258 Tô Hiến Thành, Phường 15, Quận 10, TP Hồ Chí Minh) số tiền 90 triệu đồng vì hành vi: Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Đồng thời, Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng đình chỉ hoạt động trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh của cơ sở trong thời hạn 18 tháng.
Được biết, Công ty TNHH Becamexc Korea, do bà Lưu Thị Tuyến đại diện pháp luật. Ngành nghề đăng ký kinh doanh là: Bán buôn đồ dùng khác cho gia đình; bán buôn máy móc, thiết bị và phụ tùng máy khác; hoạt động của các phòng khám đa khoa, chuyên khoa và nha khoa; dịch vụ tắm hơi, massage và các dịch vụ tăng cường sức khoẻ tương tự (trừ hoạt động thể thao); cắt tóc, làm đầu, gội đầu (trừ hoạt động gây chảy máu)...
Theo Điều 17 Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 thì đối tượng xin cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh gồm 06 đối tượng sau:
1. Bác sỹ, y sỹ
2. Điều dưỡng viên
3. Hộ sinh viên
4. Kỹ thuật viên
5. Lương y
6. Người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền.
Điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề, điều kiện về hiệu lực của chứng chỉ hành nghề và đáp ứng các nguyên tắc đăng ký hành nghề (Mục 1 Chương III Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009).
Tại Điều 6 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 quy định các hành vi bị cấm: Khám bệnh, chữa bệnh không có chứng chỉ hành nghề hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hành nghề, cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động.
Tại điểm a khoản 7 Điều 38 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định: Đối với hành vi khám bệnh, chữa bệnh mà không có chứng chỉ hành nghề sẽ bị phạt từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.
Xuân Thành - Pháp luật Plus