Yên Bái tăng cường xử lý vi phạm giao thông qua hình ảnh, video do người dân cung cấp
Kinhte&Xahoi
Qui định cho phép lực lượng CSGT được dựa vào thông tin, hình ảnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội làm căn cứ xác minh, xử phạt các hành vi vi phạm có hiệu lực góp phần nâng cao ý thức khi tham gia giao thông của người dân và hỗ trợ rất nhiều cho lực lượng chức năng trong công tác bảo đảm an toàn giao thông.
Hình ảnh một nữ sinh trên địa bàn huyện Yên Bình đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, buông 2 tay để lên đầu
Sau gần 1 tháng Thông tư số 65 của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông (CSGT) có hiệu lực, lực lượng CSGT Công an tỉnh Yên Bái đã tiếp nhận, xử lý nhiều hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) qua hình ảnh, video do người dân cung cấp. Qua đó, góp phần răn đe, ngăn chặn các hành vi vi phạm và nâng cao nhận thức cho người tham gia giao thông.
Trao đổi về vấn đề này, Thượng tá Nguyễn Quang Hưng - Phó trưởng Phòng CSGT, Công an tỉnh Yên Bái cho biết: "Khi người dân cung cấp hình ảnh, video về các hành vi vi phạm TTATGT đường bộ ở tuyến đường nào thì sẽ được chuyển về các đội phụ trách tuyến đường đó xử lý. Cách làm này sẽ giúp việc xử lý vi phạm nhanh chóng, dễ dàng hơn đồng thời có tác dụng rất lớn hỗ trợ lực lượng CSGT trên địa bàn bao quát tình hình đảm bảo TTATGT khi không có mặt tại địa bàn, tuyến đường được giao phụ trách”.
Qua tìm hiểu, quy định CSGT được dựa vào thông tin, hình ảnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội làm căn cứ xác minh, xử phạt các hành vi vi phạm TTATGT đường bộ đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của đông đảo người dân.
Được biết, trong trường hợp sau khi xác minh phương tiện vi phạm, phát thư mời nhưng người điều khiển các phương tiện như: ô tô, rơ-moóc, sơ mi rơ-moóc… không đóng phạt thì lực lượng chức năng sẽ gửi thông báo cho cơ quan đăng kiểm khi đến hạn sẽ không cấp giấy chứng nhận kiểm định và tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Còn đối với phương tiện xe 2 bánh, lực lượng CSGT sẽ dựa vào hình ảnh để nhận dạng người, phương tiện nghi vấn và mời đến trụ sở làm việc. Tại đây, cơ quan công an sẽ lập biên bản và ra quyết định xử phạt hành chính.
Thời gian tới, ngoài việc sử dụng thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được trang bị để ghi lại hình ảnh vi phạm TTATGT làm căn cứ xác minh, xử phạt nguội, lực lượng CSGT sẽ tiếp tục tiếp nhận, xác minh thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm TTATGT đường bộ do tổ chức, cá nhân cung cấp hoặc đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội; kết quả thu được từ các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ do tổ chức được giao quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cung cấp để tiến hành lập hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật.
Hiện nay, hệ thống camera an ninh chưa phủ sóng toàn bộ các tuyến đường và không phải lúc nào lực lượng CSGT cũng bố trí khắp nơi. Quy định mới này cũng là cách kêu gọi người dân cùng tham gia công tác bảo đảm an ninh TTATGT trên địa bàn./.
Vũ Tiến - Pháp luật Plus