Yêu cầu thu hồi hàng tỷ đồng từ xét nghiệm Covid-19 tại Bệnh viện đa khoa Lạng Sơn

07/06/2022 11:30

Kinhte&Xahoi Theo đó, Chánh thanh tra tỉnh Lạng Sơn kiến nghị thu hồi, nộp ngân sách nhà nước số tiền 2.280.538.000 đồng của Bệnh viện đa khoa tỉnh Lạng Sơn.

Mới đây, Thanh tra tỉnh Lạng Sơn đã ban hành kết luận thanh tra số 71/KL-TTr về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong việc nhập khẩu, kinh doanh, mua sắm trang thiết bị vật tư, phương tiện phòng chống dịch, các loại thuốc, hoá chất, test xét nghiệm chẩn đoán kháng nguyên nhanh và xét nghiệm sinh học phân tử RT-PCR xác định Covid-19 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Theo đó từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/12/2021, Sở Y tế và 16 đơn vị công lập đã thực hiện 336 gói thầu mua sắm vật tư, phương tiện phòng, chống dịch, các loại hoá chất, test xét nghiệm chẩn đoán kháng nguyên nhanh và xét nghiệm sinh học phân tử RT-PCR xác định Covid-19 với tổng giá trị trúng thầu là 118.149.60 triệu đổng, tổng giá trị đã thanh toán là 96.391,92 triệu đồng.

Bệnh viện đa khoa tỉnh Lạng Sơn.

Qua thanh tra cũng đã phát hiện nhiều sai phạm liên quan đến tài chính và kiến nghị cần phải thu hồi. Liên quan đến việc thực hiện xét nghiệm sinh học phân tử Realtime-PCR xác định Covid-19 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn, trong giai đoạn từ ngày 1/8/2020 đến ngày 28/6/2021 (thời điểm Bệnh viện tiếp nhận hàng hóa trúng thầu theo Quyết định số 1688/QĐ-SYT ngày 7/6/2021 của Giám đốc Sở Y tế, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu), tổng số tiền Bệnh viện thu được từ dịch vụ xét nghiệm Covid-19 bằng kỹ thuật Realtime PCR tại Bệnh viện là 47.273.767.200 đồng (thực hiện 18.425 mẫu xét nghiệm cho 69.126 ca xét nghiệm).

Sau khi thanh tra đã phát hiện, giai đoạn từ ngày 1/8/2020 đến ngày 28/6/2021, Bệnh viện đã “mượn” hóa chất để thực hiện dịch vụ xét nghiệm. Do Bệnh viện chưa thực hiện mua hóa chất nên không có cơ sở để xác định chi phí trực tiếp tính trong giá dịch vụ kỹ thuật y tế theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 3 Thông tư số 37/2018/TT-BYT ngày 30/11/2018 của Bộ Y tế, quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh chữa bệnh trong một số trường hợp.

Theo kết luận thanh tra, Bệnh viện đã “mượn hóa chất” để xét nghiệm và thực hiện thu theo mức giá của dịch vụ xét nghiệm (734.000đồng/mẫu xét nghiệm) theo Thông tư số 13/2019/TT-BYT ngày 5/7/2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2018/TT-BYT ngày 30/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế; Văn bản số 4068/BYT-KHTC ngày 30/7/2020 của Bộ Y tế về việc thanh toán BHYT chi phí thực hiện xét nghiệm Covid-19 (đổi với đối tượng được Bảo hiểm y tế thanh toán) và Thông tư số 14/2019/TT-BYT ngày 5/7/2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 37/2018/TT-BYT ngày 30/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế; Văn bản số 5834/BYT-KH-TC ngày 27/10/2020 của Bộ Y tế, hướng dẫn tạm thời việc thanh toán chi phí thực hiện xét nghiệm Covid-19 cho người có nhu cầu xuất cảnh (đổi với đối tượng không được Bảo hiểm thanh toán).

Đoàn thanh tra cũng đã phát hiện, trong tổng số tiền 47.273.767.200 đồng thu được từ dịch vụ xét nghiệm nói trên, Bệnh viện đã được Bảo hiểm xã hội tỉnh chi trả 280.538.000 đồng (3.107 lượt xét nghiệm mẫu đơn, đơn giá 734.000 đồng/mẫu xét nghiệm) đối với dịch vụ sử dụng hóa chất không được mua sắm theo quy định của pháp luật về đấu thầu, cần xử lý thu hồi, nộp ngân sách nhà nước số tiền 2.280.538.000 đồng.

Trong tổng số tiền thu được từ dịch vụ xét nghiệm 47.273.767.200 đồng nói trên, qua thanh tra cho thấy: Ngày 7/8/2020, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Quyêt định 3486/QĐ-BYT, ban hành hướng dẫn tạm thời việc gộp mẫu xét nghiệm Covid-19. Ngày 28/5/2021 Bộ Y tế mới ban hành Văn bản số 4356/BYT-KHTC về việc hướng dẫn mức giá thanh toán chi phí thực hiện xét nghiệm Covid-19, theo đó hướng dẫn tạm thời mức giá dịch vụ xét nghiệm Covid-19 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR đối với trường họp lấy mẫu gộp.

Ảnh minh hoạ.

Qua thanh tra cho thấy, trong thời gian từ tháng 8/2020 đến ngày 28/5/2021 (chưa có hướng dẫn thu giá dịch vụ xét nghiệm Covid-19 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR đối với trường họp lấy mẫu gộp); Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã thực hiện lấy mẫu và thu tiền dịch vụ xét nghiệm theo mức giá xét nghiệm mẫu đơn (734.000 đông/mẫu/người) nhưng khi thực hiện kỹ thuật xét nghiệm lại thực hiện theo hình thức gộp mẫu; tạm tính chênh lệch giữa số tiên Bệnh viện đã thu với số tiền tính theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Văn bản số 4356/BYT-KHTC là 28.665.322.115 đồng; cần xem xét xử lý số tiền chênh lệch giữa số tiền Bệnh viện đã thu tiền dịch vụ theo mức giá xét nghiệm mẫu đơn nhưng thực tế thực hiện xét nghiệm gộp mẫu (sau khi trừ các khoản chi phí hợp lý đế thực hiện lấy mẫu và xét nghiệm).

Mặc dù Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn tạm thời việc gộp mẫu xét nghiệm Covid-19 tại Quyết định 3486/QĐ-BYT ngày 7/8/2020; tuy nhiên Bệnh viện không kịp thời báo cáo, đề xuất với Sở Y tế; Sở Y tế không kịp thời “chủ trì, thong nhất với Sở Tài chính báo cảo ủy ban nhân dân cấp tỉnh để trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định giá dịch vụ và thời điểm thực hiện đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương" theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 8 Thông tư số 37/2018/TT- BYT ngày 30/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế; trách nhiệm thuộc về Sở Y tế, cần được được kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của bộ phận, cá nhân có liên quan; tùy theo tính chất, mức độ để xử lý theo quy định.

Trước những sai phạm trên, Chánh Thanh tra tỉnh Lạng Sơn đã kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn và các cơ quan có liên quan xác định chính xác số tiền Bệnh viện đã thu theo mức giá xét nghiệm mẫu đơn nhưng thực tế thực hiện xét nghiệm gộp mẫu và đề xuất quản lý, sử dụng số tiền chênh lệch trên.

Ngoài ra, liên quan đến việc “vay, mượn” hóa chất và sử dụng nhưng chưa thực hiện mua sắm để trả tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, qua thanh tra cho thấy:

Đến thời điểm thanh tra Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn còn “vay” 3.072 test; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh còn “mượn” là 9.504 test từ Công ty TNHH thiết bị y tế và khoa học Tâm Việt.

Đến ngày 31/12/2021, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã “mượn” nhưng chưa “trả”: 68.150 test Bộ Lilif Covid-19; 63.544 test Kit tách chiết tự động và 4.500 test Kit tách DNA/RNA từ Công ty TNHH Thiết bị B.D.E.

Chánh Thanh tra tỉnh kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và các cơ quan có liên quan tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh chỉ đạo xử lý đối với việc vay, mượn hóa chất để thực hiện xét nghiệm nhưng chưa hoàn thành các thủ tục mua sắm để trả lại doanh nghiệp theo chỉ đạo của Bộ Y tế.

Thanh tra tỉnh Lạng Sơn đã yêu cầu Giám đốc các đơn vị y tế công lập tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm, chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong việc tổ chức thực hiện trình tự, thủ tục mua sắm, quản lý, sử dụng hoá chất, test xét nghiệm chẩn đoán kháng nguyên. Nhanh xác định Covid-19 tại đơn vị tuỳ theo tính chất, mức độ để xử lý theo quy định.

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.

 Đoàn Chinh - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/y-te/yeu-cau-thu-hoi-hang-ty-dong-tu-xet-nghiem-covid-19-tai-benh-vien-da-khoa-lang-son-d183253.html