Có 5 lý do để tôi tin điều đó.
Thứ nhất, Việt Nam không phải tâm dịch nên không có phần “địa lợi” cho loại virut này. Cũng vì thế, khi dịch bùng phát, chúng ta đã có sự chủ động nhất định.
Thứ hai, nhận thức đúng và đầy đủ về sự nguy hiểm của đại dịch, Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam đã chuẩn bị cho mình các phương án và đặc biệt là cách hành xử phù hợp nhất. Đó là cảnh giác cao độ nhưng không hoang mang, hoảng loạn.
Thứ ba, các thầy thuốc Việt Nam đã có bản lĩnh, kinh nghiệm từ 17 năm trước (2003) khi đương đầu với dịch SARS. Lúc đó, sau 45 ngày chúng ta đã khống chế thành công dù phải trả giá đau xót bằng sự hi sinh của 6 nhân viên ngành y nhưng không dân thường nào thiệt mạng.
Bốn là sự bùng nổ của công nghệ thông tin cũng như sự vào cuộc hữu hiệu của truyền thông đại chúng mà qua đó thông tin kịp thời, đầy đủ để người dân hiểu cả mức độ nguy hiểm, sự lây lan cũng như phương cách phòng chống.
Năm, không thể không kể đến vai trò cá nhân của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, người được giao lãnh đạo Bộ Y tế và trực tiếp là Trưởng ban phòng chống dịch Corona cùng với chuyên gia hàng đầu về phòng chống dịch bệnh là Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Long, người vừa được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm trở lại làm Thứ trưởng cùng tập thể y bác sĩ, cán bộ, nhân viên của toàn ngành y tế.
Tóm lại, đối với dịch Corona, chúng ta có đủ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Cụ thể cho đến giờ phút này (5g42 giờ sáng 7.2.2020), theo báo cáo từ Bộ Y tế, chúng ta có 12 ca dương tính với virut Corona trong đó 3 ca đã khỏi bệnh, 7 đang phục hồi tốt, 2 ca vừa phát hiện và may mắn, chưa có ca tử vong nào.
Song, không vì thế mà chúng ta được phép chủ quan bởi “thắng” ở đây phải đồng nghĩa với thiệt hại, thương vong ít nhất.
Người xưa chia ra 4 giai đoạn: Sinh – Lão – Bệnh – Tử. Nếu xét theo vòng luân hồi, Việt Nam ta có 5 yếu tố, thuộc về số SINH nên hi vọng không có điều đáng tiếc nhất xảy ra với bất cứ ai.
Dù còn quá sớm để nói điều gì, song từ tâm khảm, tôi luôn mong mỏi và đặt niềm tin đất nước Việt Nam, Nhân dân Việt Nam sẽ chiến thắng.