800 tỷ đồng sửa Quốc lộ 5 vướng ở đâu?

26/07/2019 09:12

Kinhte&Xahoi Sau những vụ tai nạn liên tiếp mới đây xảy ra ở Quốc lộ 5 (QL 5), đoạn qua tỉnh Hải Dương, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cho biết sẽ dùng 800 tỷ để nâng cấp, cải tạo tuyến đường này. Tuy nhiên, để có nguồn tiền này, Bộ GTVT phải thuyết phục được bên thứ ba là Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB).

QL 5 xuống cấp nghiêm trọng.

Sau 3 vụ tai nạn liên tiếp làm 7 người chết ở Hải Dương, mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) – đơn vị khai thác QL 5 khảo sát mặt đường địa bàn Kim Thành, sử dụng nguồn tiền 800 tỷ đồng duy tu bảo trì QL 5.


Ông Thể gợi ý, số tiền này sẽ được đầu tư vào việc khắc phục đoạn đường lồi lõm, trang bị thiết bị phản quang, gờ giảm tốc trên đường đi bộ cắt ngang quốc lộ. Ngoài ra, nghiên cứu việc làm đường gom cho xe thô sơ ở những vị trí có mặt bằng; xây một số cầu vượt tại những điểm đông dân cư hai bên đường; đóng lại một số nút giao thông gần nhau.

Theo khảo sát, QL 5 đoạn qua tỉnh Hải Dương có đông dân cư sinh sống dọc hai bên đường, trong khi lượng xe di chuyển, nhất là xe ô tô siêu trường, siêu trọng là rất lớn. Hiện mặt đường QL 5 đoạn qua Hải Dương cũng đang xuống cấp nghiêm trọng dù cách đây khoảng 4 năm đã được đầu tư 800 tỷ đồng sửa chữa.

Theo quan sát, mặt đường có nhiều đoạn lồi lõm; xuất hiện nhiều vệt lún sâu cộng với việc người dân qua đường thường xuyên đã dẫn tới những tai nạn thương tâm. 

Trao đổi với PLVN, một lãnh đạo VIDIFI cho biết, việc QL5 xuống cấp đã được VIDIFI khảo sát, lập dự án sửa chữa từ lâu, tuy nhiên nguồn tiền để tu sửa chưa được duyệt. VIDIFI dự kiến trích từ nguồn thu phí khoảng 800 tỷ đồng để sửa chữa, cải tạo mặt đường.

Tuy nhiên, VIDIFI đang nợ ngân hàng VDB để thực hiện dự án trước đây nên việc trích 800 tỷ để đầu tư sửa chữa phải được sự đồng ý của ngân hàng này. Với lý do bên VIDIFI thu phí chưa đủ trả lãi hàng ngày cho VDB nên việc xin 800 tỷ đồng để sửa chữa QL 5 chưa được VDB  đồng ý.

“VIDIFI vẫn đang chờ sự đồng ý của VDB mới có vốn để sửa chữa”, Phó Tổng Giám đốc VIDIFI nói và cho biết, khoản 800 tỷ đồng mà Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói chính là khoản này.
 
PLVN đã liên lạc với đại diện VDB tìm hiểu thông tin, ông Phạm Văn Bốn, Trưởng ban thư ký Hội đồng quản trị VDB, người phát ngôn của ngân hàng này cho biết đã tiếp nhận thông tin của PLVN và sẽ trả lời trong thời gian sớm nhất.

 Tổng cục Đường bộ yêu cầu VIDIFI xử lý cấp bách một số việc

Ngày 24/7, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (TCĐBVN) đã ký công văn gửi Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính (VIDIFI) thực hiện xử lý cấp bách một số việc.

Trước mắt, TCĐBVN yêu cầu VIDIFI bổ sung sơn vạch đi bộ qua đường và vạch dừng; sơn vạch mắt võng cho làn trong (làn xe máy); sơn vạch gờ giảm tốc trên QL5 theo 2 chiều đi về nút; Lắp đặt đinh phản quang ở vạch biên sát dải phân cách giữa khu vực đầu đảo và đinh giữa làn xe thô sơ và xe cơ giới, trong phạm vi khoảng 200m về mỗi phía; Đồng thời cắm các cụm biển báo hạn chế tốc độ (60 Km/h) và hết hạn chế tốc độ (gồm biển ở lề đường và ở dải phân cách giữa), liên tục cho cả 2 nút giao Km63+020 và Km63+530, biển đặt trước nút giao đầu theo chiều đi 200m và hết hạn chế sau nút giao; Sửa chữa lại bó vỉa đảo và rào tôn sóng bị hư hỏng. Thời gian thực hiện các công việc này xong trước 30/7/2019.

TCĐBVN cũng yêu cầu VIDIFI lập hồ sơ thiết kế Cầu vượt dân sinh (cho người đi bộ, xe máy, xe thô sơ) vượt qua QL 5 và đường sắt tại Km63+530; Tổ chức lại giao thông 2 nút giao trước và sau vị trí ngã tư (tại Km63+020; Km64+620) theo hướng lắp đèn tín hiệu giao thông; TCĐBVN yêu cầu VIDIFI trình phương án trước ngày 10/8/2019 để triển khai các bước tiếp theo.

Trong văn bản này, TCĐBVN cũng cho biết, nguồn kinh phí thực hiện được trích từ nguồn thu phí và được bổ sung vào phương án tài chính của Hợp đồng BOT dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Pháp luật ở xa?

Vụ Asanzo bị phản ánh bán hàng Trung Quốc, dán nhãn Việt Nam rõ ràng là một hành vi lừa dối người mua, phá hoại chủ trương đúng đắn "người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", vô hiệu hóa sự khuyến khích sản xuất trong nước có vẻ như đã "chìm xuồng" mà không rõ lý do gì.

Nguồn: Pháp luật Plus