ADN truy tìm “sát thủ giấu mặt” trong hàng loạt vụ trọng án

24/07/2018 14:34

Kinhte&Xahoi Trong lịch sử hình sự thế giới, luôn tồn tại một “khoảng trống”, nơi dành cho các vụ án phức tạp qua nhiều năm tháng vẫn chưa thể phá án. “Khoảng trống” này theo thời gian đã ít dần đi do có sự trợ giúp đắc lực của công nghệ ADN - một lĩnh vực tân tiến bậc nhất của khoa học hình sự. Công nghệ này đã đóng góp một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc nhận diện tội phạm, thực thi công lý và trả lại công bằng cho nạn nhân.

ADN "vạch mặt" nam DJ cưỡng hiếp, sát hại nữ giáo viên

Ngày 21/12/1992, tại một lớp học của Trường tiểu học Rohrerstown (bang Pennsylvania, Mỹ), dù thời gian bắt đầu tiết dạy đã khá lâu nhưng cô giáo Christy Mirack vẫn chưa xuất hiện. Thông tin này nhanh chóng được báo cáo với hiệu trưởng và ngay lập tức ông phải sắp xếp một giáo viên khác tạm thời đứng lớp. Đây là một điều khá bất thường, bởi tuy là giáo viên trẻ nhưng Mirack luôn khiến ông hài lòng bở sự tận tâm và nguyên tắc của mình, chưa bao giờ cô vắng mặt trong tiết dạy mà không báo trước.

Thế rồi cả ngày hôm đó, chẳng ai có thể liên lạc được với Mirack. Cuối ngày, đích thân thầy hiệu trưởng đã tìm đến tận nhà để hỏi han tình hình. Khi tới nơi, ông phát hiện cửa ngoài nhà Mirack không khóa nhưng lại chẳng thấy ai ra dù đã bấm chuông rất nhiều lần.

Linh tính mách bảo ông đã xảy ra chuyện không hay, vị hiệu trưởng đánh liều bước vào bên trong nhà. Tại đây, ông không khỏi bàng hoàng với cảnh tượng đang diễn ra trước mắt, cô giáo trẻ 25 tuổi nằm gục trên sàn nhà với gương mặt đầy những vết bầm tím và phần dưới cơ thể từ thắt lưng trở xuống bị lột trần.

Nhận được tin báo, lực lượng chức năng ngay lập tức có mặt tại hiện trường điều tra. Theo kết quả khám nghiệm tử thi, Mirack bị tấn công tình dục, đánh dập dã man và bóp cổ cho đến chết. Trong quá trình đó, cô cũng đã chống trả quyết liệt nhưng không thành.

Cái chết thương tâm ấy không chỉ để lại nỗi đau cho người thân, bạn bè, học sinh của cô giáo trẻ mà còn khiến dư luận vô cùng căm phẫn trước hành vi tàn độc của hung thủ.

Dẫu vậy, dù có trong tay mẫu tinh dịch của thủ phạm nhưng cảnh sát cũng không thể xác định danh tính của kẻ thủ ác bởi công nghệ phân tích ADN thời bấy giờ chưa phát triển vượt bậc như hiện nay khiến các nhà điều tra không tìm thấy mẫu ADN trùng khớp trong cơ sở dữ liệu. Chính vì vậy mà vụ án sát hại cô giáo trẻ Mirack bị bỏ ngỏ suốt nhiều năm trời trong khi hung thủ lại nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.

Năm 2016, vụ án của Mirack được chuyển đến Văn phòng công tố thành phố Lancaster, Pennsylvania. Tia hy vọng bắt đầu lóe lên khi Văn phòng công tố ký hợp đồng với Công ty công nghệ ADN Parabon NanoLabs nhằm thử nghiệm phương pháp xét nghiệm di truyền mới trên các mẫu ADN thu thập được từ hiện trường các vụ án.

Trình độ công nghệ tiên tiến cho phép Parabon NanoLabs đối chiếu các mẫu ADN trong cơ sở dữ liệu GEDmatch để xác định khả năng tồn tại quan hệ huyết thống giữa chúng. Từ đó, các nhà phả hệ sẽ xây dựng “cây gia đình” và có thể đưa ra dự đoán về danh tính của kẻ thủ ác.

Vụ sát hại cô giáo Christy Mirack năm xưa được lựa chọn là một trong những vụ án mà cảnh sát ưu tiên điều tra. Cuối cùng sau 26 năm, cảnh sát cũng xác định được danh tính của kẻ thủ ác là Raymond Rowe (49 tuổi) - một DJ tự do hành nghề từ những năm 80, kẻ chỉ sống cách nạn nhân 6km và chưa từng nằm trong diện tình nghi của cảnh sát.Thế nhưng, ông Craig Stedman, công tố viên trưởng Văn phòng công tố, cho biết dù kết quả của Parabon NanoLabs đóng vai trò quan trọng trong việc xác định nghi phạm nhưng cơ quan chức năng cũng phải tìm ra bằng chứng chính xác để có thể chính thức đưa kẻ thủ ác ra trước vành móng ngựa.

Chính vì vậy mà cảnh sát Pennsylvania đã phải bố trí lực lượng để theo dõi nghi phạm Rowe, chủ yếu phục kích tại các quán bar nơi hắn làm việc. Nhờ vậy mà họ không gặp bất kỳ khó khăn nào trong việc thu được các chứng cứ hữu ích như bã kẹo cao su, chai nước mà Rowe từng sử dụng. Kết quả kiểm tra ADN trong một bã kẹo cao su của hắn cho thấy chính Rowe là kẻ đã ra tay sát hại Mirack chứ không ai khác.

 

 Hung thủ Raymond Rowe sa lưới sau 26 năm.

Giây phút cảnh sát đọc lệnh bắt giữ với Rowe, trên gương mặt hắn lộ rõ sự bất ngờ vì không thể tin rằng tội ác của mình có ngày được làm rõ. 

 


Tại đồn cảnh sát, Rowe khai nhận hai người cùng chơi chung với nhau trong một nhóm bạn. Vào buổi tối xảy ra vụ án, Rowe tới gặp  Mirack có chút việc riêng. Tại đây, nhận thấy cố giáo trẻ sống một mình, cơn thú tính nổi lên, Rowe đã cưỡng hiếp và ra tay sát hại khi nạn nhân vùng vẫy kêu cứu.

ADN trên giấy ăn giúp cảnh sát phá “vụ án không lời giải” trong 32 năm

Ngày 26/3/1986, cô bé 12 tuổi Michella Welch biến mất trong khi chơi với hai chị em tại công viên ở Tacoma, miền Tây Bắc nước Mỹ. Chó nghiệp vụ tối hôm đó tìm thấy thi thể cô bé trong một khe núi, nhưng cuộc điều tra lâm vào bế tắc và không phát hiện thủ phạm.
Năm 2006, nhờ tiến bộ trong lĩnh vực nghiên cứu mã di truyền của con người, cảnh sát đã tái tạo dấu vết ADN của nghi phạm từ các vật phẩm thu thập tại hiện trường.

12 năm sau, nhờ việc sử dụng thử nghiệm ADN để suy ra mối quan hệ giữa các cá nhân và các cơ sở dữ liệu được nhiều người dùng để tìm họ hàng, cảnh sát đã phát hiện hai đối tượng khả nghi là hai anh em nhà Hartman và theo dõi họ.

Hung thủ Gary Hartman gây án năm 1986 nhưng phải đến năm 2016 mới bị bắt nhờ tiến bộ của kỹ thuật ADN.

Gary Hartman, 66 tuổi, gần đây đi ăn tại một nhà hàng và không biết rằng điều tra viên đang ngồi ở bàn bên cạnh. Khi Hartman rời đi, điều tra viên thu thập giấy ăn mà ông ta đã sử dụng và gửi nó đến phòng thí nghiệm để phân tích. Họ phát hiện ra DNA của Hartman trùng khớp với dấu hiệu phát hiện trên thi thể của Michella Welch. Hartman bị bắt vì tội hãm hiếp và giết người.

Sau hơn 30 năm, hung thủ mới “lộ diện” do sự tiến bộ của khoa học hình sự

Cô bé Holly Marie Andrews 16 tuổi sống cùng bố, sau khi bố mẹ ly dị. Ngày 26/12/1976, Holly tới thăm mẹ ở Littleton, bang Colorado, Mỹ một lát rồi sang nhà bạn. Lần cuối cùng người ta nhìn thấy cô là ở trên xe một người lạ mặt, đỗ gần nhà.

Trưa ngày hôm sau, thi thể bán khỏa thân của Holly được tìm thấy trên một sườn núi ở khu trượt tuyết gần nhà. Cô bị cưỡng hiếp trước khi bị đâm một nhát vào ngực và 6 nhát sau lưng. 

Vụ giết người tàn bạo gây rúng động dư luận lúc bấy giờ và khiến cảnh sát đau đầu suốt nhiều thập kỷ vì không thể tìm ra thủ phạm. Mẫu tinh dịch trên người Holly được bảo quản đông lạnh làm bằng chứng. Hơn 30 năm sau, sự tiến bộ của khoa học công nghệ đã giúp tìm ra hung thủ sát hại cô. 

Sau khi công nghệ lưu giữ dấu vân tay trong các vụ án hình sự ra đời, ADN thu trong vụ án của Holly cũng được thêm vào kho dữ liệu Mỹ. 

Lee Harnish bị bắt năm 2008 vì sát hại Holly. 

Và tới năm 2005, khi Ricky Lee Harnish, 51 tuổi, bị kết án vì tội buôn bán và tàng trữ ma túy. ADN của Harnish được đưa vào kho dữ liệu và cảnh sát phát hiện nó trùng khớp với ADN có trên người Holly "từ vài thập niên trước". Tháng 2/2008, Harnish bị bắt vì sát hại Holly. Năm 2009, hắn bị kết án tù 24 năm vì tấn công tình dục và sát hại thiếu nữ 16 tuổi, 

"32 năm trước tôi đã làm điều không thể tưởng tượng nổi", Harnish khai trước phiên tòa. Hắn thừa nhận tội hiếp dâm nhưng không nhận tội giết người có chủ đích. 

Trên đây là một vài vụ trọng án tiêu biểu cho thấy AND đóng vai trò hết sức quan trọng trong cuộc điều tra chống tội phạm. Công nghệ ADN được coi như là “chiếc chìa khóa” để mở ra các bí ẩn giúp các nhà điều tra tìm ra nhiều “góc khuất” trong án hình sự. Ngoài ra, công nghệ này còn có thể giúp xác định mối quan hệ huyết thống cha con, họ hàng; xác định tung tích nạn nhân trong các vụ thảm họa, xác định hài cốt, thẻ ADN cá nhân.


Theo KD&PL




CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM