7 chính sách mới nhất có hiệu lực từ 1/10/2018

01/10/2018 11:32

Kinhte&Xahoi Từ 1/10/2018 hàng loạt chính sách mới được ban hành như: Mua thuốc cho con không còn phải khai số CMND; Cấm cán bộ, công chức dùng xe công đi lễ hội...

1. Bổ sung các trường hợp “được” tinh giản biên chế

Từ 15/10, Nghị định số 113/2018/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế sẽ có hiệu lực. Theo nghị định 113/2018, có thêm nhiều trường hợp được cho vào diện bị tinh giảm biên chế.

 

Ảnh minh họa

Cụ thể gồm các trường hợp chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ hoặc không phù hợp với vị trí đảm nhiệm nhưng không có vị trí khác phù hợp và không thể đào tạo lại.

Có 02 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, cán bộ, công chức được phân loại, đánh giá mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực hoặc có 01 năm hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và 01 năm không hoàn thành nhiệm vụ…

Tiếp đến là các trường hợp cán bộ, công chức được cơ quan có thẩm quyền cử tham gia quản lý hoặc đại diện theo ủy quyền với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhưng dôi dư do cơ cấu lại doanh nghiệp đó; người đã là cán bộ, công chức, viên chức được cơ quan có thẩm quyền điều động sang công tác tại các hội được giao biên chế và ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí để trả lương.

2. Được dùng Nhân dân tệ (CMY) thanh toán tại biên giới Việt – Trung

 

Thông tư 19/2018/TT-NHNN, có hiệu lực từ ngày 12/10/2018 quy định đồng tiền thanh toán trong hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ của cư dân biên giới và tại chợ biên giới là VND hoặc CNY; phương thức thanh toán qua chi nhánh ngân hàng hoặc tiền mặt.

Thương nhân Việt Nam được thu VND tiền mặt hoặc CNY tiền mặt từ hoạt động xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới theo quy định của pháp luật về hoạt động thương mại biên giới và nộp vào tài Khoản thanh toán mở tại chi nhánh ngân hàng biên giới.

Thương nhân Trung Quốc có hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc được sử dụng tài khoản thanh toán bằng VND tại chi nhánh ngân hàng biên giới để thực hiện các giao dịch thu, chi theo quy định.

3. Giáo sư phải có ít nhất 3 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế

Đây là điểm mới tại Quyết định 37/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định tiêu chuẩn, thủ tục công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư; thủ tục hủy bỏ công nhận và miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư. Quyết định này có hiệu lực từ 15/10.

Ảnh minh họa

Theo quyết định, để được công nhận chức danh giáo sư, các ứng viên cần đạt các tiêu chuẩn chung theo quy định đồng thời có Đã được bổ nhiệm chức danh phó giáo sư từ đủ 03 năm trở lên.

Các tiêu chuẩn khác gồm là tác giả chính đã công bố được ít nhất 03 bài báo (sau năm 2020 là ít nhất 5 bài) khoa học trên tạp chí quốc tế; chủ trì biên soạn giáo trình đại học phù hợp với chuyên ngành xét công nhận chức danh giáo sư; chủ trì thực hiện ít nhất 02 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ hoặc 01 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đã nghiệm thu kết quả từ đạt yêu cầu trở lên; hướng dẫn chính ít nhất 02 nghiên cứu sinh được cấp bằng tiến sĩ…

4. Đơn giản hóa thủ tục đăng ký doanh nghiệp

Từ 10/10, Nghị định 108/2018/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 78/2015/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp sẽ chính thức có hiệu lực. Theo quy định mới, một số thủ tục đăng ký doanh nghiệp sẽ được loại bỏ.

Đơn cử, doanh nghiệp không bắt buộc phải đóng dấu trong giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp, thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp… Văn bản ủy quyền cho cá nhân thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp không bắt buộc phải công chứng, chứng thực.

Ảnh minh họa

Nghị định 108 cũng bổ sung quy định về đăng ký thành lập doanh nghiệp trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh. Cụ thể, hồ sơ gồm bản chính Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký thuế và các giấy tờ khác tương ứng với từng loại hình doanh nghiệp.

5. Phạt tiền người bán hàng dùng tay trần bốc thức ăn

Từ 20/10, Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về an toàn thực phẩm sẽ có hiệu lực, thay thế cho Nghị định số 178/2013 của Chính phủ. Theo quy định mới, người bán thức ăn đường phố không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, ăn ngay sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng - 01 triệu đồng (trước đây chỉ phạt từ 300.000 đồng - 500.000 đồng).

Phạt 1 - 3 triệu đồng với cửa hàng ăn uống, nhà hàng ăn uống của khách sạn sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn nhưng không đội mũ, đeo khẩu trang; không cắt ngắn móng tay…

Hành vi quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe mà không có khuyến cáo “Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”… cũng bị phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng.

6. Cấm dùng xe công đi lễ hội

Nghị định số 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội sẽ có hiệu lực từ 15/10. Nghị định cho phép các lễ hội có nguồn gốc nước ngoài được phép tổ chức tại Việt Nam nếu đăng ký đầy đủ theo quy định.

Ngoài ra, lễ hội phải được tổ chức trang trọng, thiết thực, hiệu quả; phù hợp với quy mô, nội dung của lễ hội; tổ chức lễ hội truyền thống theo đúng bản chất, ý nghĩa lịch sử văn hóa; giảm tần suất, thời gian tổ chức lễ hội văn hóa.

Ảnh minh họa

Nghị định cũng nghiêm cấm hành vi lợi dụng việc tổ chức lễ hội nhằm mục đích trục lợi cá nhân, phục vụ lợi ích nhóm; ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp kinh phí tổ chức lễ hội.

Tiếp đến, tổ chức lễ hội phải hạn chế sử dụng ngân sách nhà nước; phải đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực trong việc tổ chức lễ hội; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Với cán bộ, công chức, viên chức, nghị định nghiêm cấm không đi lễ hội trong giờ hành chính; không dùng xe công và các phương tiện công tham gia lễ hội trừ trường hợp thuộc thành phần tham gia tổ chức lễ hội hoặc được giao thực thi nhiệm vụ.

7. Giảm kỷ niệm ngày truyền thống để tiết kiệm

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 111/2018 quy định về ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày hưởng ứng của các bộ, ngành, địa phương. Theo nghị định, các đơn vị chỉ được tổ chức lễ kỷ niệm vào năm tròn (số cuối cùng của năm là số 0).

Trường hợp bộ, ngành, cấp tỉnh đồng thời có ngày thành lập, ngày tái lập, ngày truyền thống thì chỉ được lựa chọn một trong các ngày trên để tổ chức kỷ niệm. Không tặng quà và tổ chức chiêu đãi trong các hoạt động kỷ niệm.

Người đứng đầu bộ, ngành, cấp tỉnh có trách nhiệm thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức lễ kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống theo kế hoạch đã được phê duyệt và chịu trách nhiệm về việc tổ chức lễ kỷ niệm sao cho bảo đảm trang trọng, thiết thực, hiệu quả và tiết kiệm.

Một số chính sách có hiệu lực từ tháng 10/2018 khác như:

- Một số trường hợp xuất khẩu gạo không cần giấy phép

Theo Nghị định 107/2018/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 1-10-2018), các thương nhân chỉ xuất khẩu gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng thì không cần đáp ứng các điều kiện kinh doanh; được xuất khẩu các loại gạo này không cần có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh; đồng thời cũng không phải thực hiện dự trữ lưu thông.

Khi thực hiện thủ tục hải quan xuất khẩu, thương nhân thuộc đối tượng này chỉ cần xuất trình cho cơ quan Hải quan một trong các tài liệu sau: bản chính (hoặc bản sao có chứng thực) văn bản xác nhận, chứng nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc Chứng thư giám định gạo xuất khẩu do tổ chức giám định cấp về việc sản phẩm gạo xuất khẩu phù hợp với các tiêu chí, phương pháp xác định.

Điều chỉnh thủ tục cấp giấy xác nhận về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu

Thông tư 03/2018/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường có hiệu lực từ ngày 1-10-2018 đã sửa đổi nhiều quy định về thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ theo hướng đơn giản hóa thủ tục cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện về BVMT trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Không chỉ lược bỏ thành phần hồ sơ; giảm số lượng tài liệu trong thành phần hồ sơ; Thông tư còn cho phép thực hiện việc nộp hồ sơ qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Trường hợp hệ thống xử lý chuyên ngành chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện thủ tục hành chính thông qua Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN thì tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính.

Thời hạn của giấy xác nhận từ 2 năm lên 3 năm, kể từ ngày cấp.

- Tiêu chuẩn giáo viên giảng dạy tại trung tâm ngoại ngữ

Thông tư 21/2018/TT-BGDĐT về Quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm ngoại ngữ, tin học, có hiệu lực từ ngày 10-10-2018, thay thế Thông tư 03/2011/TT-BGDĐT.

Theo đó, giáo viên là người Việt Nam giảng dạy tại các trung tâm ngoại ngữ phải đáp ứng một trong các tiêu chuẩn sau: có bằng cao đẳng sư phạm ngoại ngữ trở lên; có bằng cao đẳng ngoại ngữ trở lên và chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.

Giáo viên là người nước ngoài đủ điều kiện dạy ngoại ngữ khi đạt một trong các tiêu chuẩn: có bằng cao đẳng sư phạm ngoại ngữ trở lên; có bằng cao đẳng ngoại ngữ trở lên và chứng chỉ đào tạo dạy ngoại ngữ phù hợp; có bằng cao đẳng trở lên, chứng chỉ năng lực ngoại ngữ từ bậc 5 trở lên theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương và chứng chỉ đào tạo dạy ngoại ngữ phù hợp.

- Điều chỉnh thẩm quyền kiểm tra thức ăn chăn nuôi, thủy sản trước thông quan

Quyết định 3346/QĐ-BNN-TCCB có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-10-2018 quy định thẩm quyền kiểm tra chuyên ngành đối với một số sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu trước thông quan thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Theo đó, thức ăn chăn nuôi, thủy sản có nguồn gốc thực vật được kiểm dịch, đồng thời kiểm tra bởi Cục Bảo vệ thực vật; thức ăn chăn nuôi, thủy sản có nguồn gốc động vật được kiểm dịch đồng thời kiểm tra bởi Cục Thú y. Kén tằm, côn trùng được kiểm dịch bởi Cục Bảo vệ thực vật.

 

Theo Phapluatplus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Phường Mễ Trì (Nam Từ Liêm): Trật tự đô thị bị "băm nát", trách nhiệm của chính quyền ở đâu?

Thời gian qua, toà soạn liên tục nhận được nhiều phản ánh của độc giả về tình trạng vi phạm trật tự xây dựng tràn lan trên địa bàn phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm. Cụ thể, nhiều công trình mọc lên một cách "lạc lõng" với cảnh quan chung xung quanh khi thêm tầng, cơi nới thêm diện tích ... nhưng vẫn mặc nhiên tồn tại mà không hề có sự can thiệp từ phía chính quyền.