Cao Bằng: Đất ông cha bị hàng xóm xâm chiếm?

18/07/2018 09:05

Kinhte&Xahoi Tòa soạn nhận được đơn thư của bà Hoàng Thị Duyên phản ánh về việc gia đình bà bị một số người vào đất nhà bà, chặt chuối và doạ nạt, hiện tại bà và gia đình rất hoang mang, lo sợ.

Trong đơn phản ánh đến tòa soạn, bà Hoàng Thị Duyên (HKTT tại tổ dân phố số 9, phường Sông Hiến, thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng) cho biết: “Tôi và gia đình tôi sinh sống yên ổn tại mảnh đất của cha ông và ngôi nhà này nhiều năm nay,  đăng ký hộ khẩu tại đây mấy chục năm rồi, từ hồi về làm dâu. Đây là mảnh đất mà bố mẹ chồng tôi từ Nam Định lên Cao Bằng khai phá năm 1958 ”.  Thế nhưng không hiểu sao từ một quyết định của UBND thành phố Cao Bằng đã khiến cho gia đình bà bị rơi vào hoàn cảnh bị hàng xóm xâm chiếm và tranh chấp từ năm 2004 đến nay.

Căn nhà và mảnh vườn của bà Hoàng Thị Duyên đang bị hàng xóm tranh chấp

Tất cả hồ sơ về nguồn gốc của mảnh đất đã được gia đình bà Duyên kê khai từ năm 1997 là đất khai phá từ năm 1958, được tổ trưởng tổ dân phố, và chính quyền phường Sông Hiến xác nhận, đóng dấu. Từ đó đến nay gia đình bà vẫn đóng thuế nộp ngân sách nhà nước đầy đủ, có biên lai thu tiền, dấu đỏ xác nhận của cơ quan chức năng. Cũng vì không có sự hướng dẫn cụ thể của chính quyền sở tại và thiếu hiểu biết về pháp luật nên gia đình bà cũng chưa làm được sổ đỏ.

"Khi bố chồng tôi còn sống đã nhượng lại cho 3 hộ gia đình một phần của mảnh đất khai phá, chỉ để lại ngôi nhà hiện tại gia đình tôi đang ở, và mảnh đất vườn còn lại khoảng 200m2 . Hiện tại 3 gia đình được bố chồng tôi nhượng lại đất, đã làm sổ đỏ, và sinh sống ổn định. Phần còn lại đất còn lại đang bị vướng vào tranh chấp với hàng xóm.  Ngoài việc các cơ quan chính quyền xác nhận và nghĩa vụ nộp thuế nhà nước, về ngôi nhà bố mẹ chồng đã xây dựng từ những năm 1960, còn có chữ kí của những người già là hàng xóm, sống lâu năm, xác nhận việc gia đình tôi sinh sống trong ngôi nhà trên mảnh đất khai phá năm 1958", bà Duyên cho biết.

Việc chặt chuối, phá hoa màu ngày 20/5 vừa qua, gia đình bà đã trình báo lên các cấp chính quyền, và công an phường Sông Hiến đã có mặt, lập biên bản hiện trường vụ việc. 

Để mở đường dư luận, phóng viên đã có buổi trao đổi với chính quyền phường Sông Hiến. Qua đó bà Tâm - Chủ tịch phường Sông Hiến cho biết, việc bà Duyên ở tổ 9 phường Sông Hiến xảy ra việc bị hàng xóm chặt chuối cũng đã được công an phường lập biên bản tại hiện trường, và đang tiếp tục làm rõ nguyên nhân. Bà Tâm cũng cho biết, bà mới tiếp nhận vị trí đứng đầu chính quyền phường nhiệm kì 2016 – 2021 nên cũng không thể nắm hết được nguồn gốc đất  và sẽ cho chuyên môn kiểm tra lại rồi sẽ trả lời báo sau. Trước mắt phường cũng đã nhận được đơn trình báo của bà Duyên và sẽ có trả lời công dân theo quy định của pháp luật.

Đơn của bà Hoàng Thị Duyên gửi các cơ quan chức năng và báo chí.

Bà Duyên cho biết: "Gia đình tôi không có mâu thuẫn, hận thù với ai cả, việc chặt chuối, phá hoại hoa màu, gây áp lực cho gia đình tôi, rất có thể từ do mâu thuẫn về tranh chấp đất đai với nhà ông Đoàn Cảnh Tướng (hàng xóm bà Duyên - PV) từ năm 2004".

Trao đổi với phóng viên, gia đình bà Duyên cho biết thêm: "Từ năm 2004, gia đình tôi bỗng bị gia đình nhà ông Tướng đến đòi nhà, buộc chúng tôi rời khỏi ngôi nhà mà cả gia đình tôi sống từ năm 1958, chúng tôi hết sức phẫn nộ và không hiểu nguyên do từ đâu. Ngay trong thời gian đó gia đình tôi làm đơn gửi lên các cấp chính quyền, nhưng từ đó đến nay thì không thấy phản hồi của chính quyền, nghĩ rằng sự việc sẽ dừng lại ở đó. Đến năm 2016 chồng tôi qua đời vì căn bệnh ung thư, từ đó đến nay, tôi thường xuyên bị dọa nạt. Đến ngày 20/5/2018, các đối tượng đó xông vào chặt chuối, phá hoại tài sản, doạ nạt khiến cho gia đình tôi hết sức hoang mang".

Để tìm hiểu rõ về vấn đề này, phóng viên có buổi trao đổi với ông Lương Tuấn Hùng - Chủ tịch thành phố Cao Bằng: “Chúng tôi tiếp nhận toàn bộ thông tin mà bên báo cung cấp, xem xét nội dung đơn thư của nhà bà Hoàng Thị  Duyên ở tổ 9, phường Sông Hiến, qua đó từng bước xử lý dứt điểm những khiếu nại của công dân, nếu sai đâu thì sửa đấy”, ông Hùng cho biết.

Thiết nghĩ để giữ vững ổn định an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, không đẩy người dân vào con đường vi phạm pháp luật vì những mâu thuẫn, tranh chấp đất đai, tồn tại đã lâu, chúng tôi đề nghị các cấp chính quyền tỉnh Cao Bằng vào cuộc xem xét, giải quyết, xử lý dứt điểm, tránh tình trạng đơn thư kéo dài vượt cấp. 

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Theo KD&PL


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thanh oai, Hà Nội: Hơn 100 hộ dân xây nhà trên đất nông nghiệp?

Xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp từ lâu đã là một vấn đề nhức nhối và khó giải quyết tại nhiều địa phương trên cả nước. Theo Luật đất đai năm 2013, việc xây dựng nhà ở hoặc các công trình kiên cố trên đất nông nghiệp trái phép sẽ bị xử phạt tùy mức độ và hành vi vi phạm.