Chân dung ông Phạm Nhật Vũ vừa bị bắt để điều tra tội đưa hối lộ

15/04/2019 14:39

Kinhte&Xahoi Ông Phạm Nhật Vũ không chỉ là Chủ tịch Công ty Cổ phần Nghe Nhìn Toàn cầu – AVG mà còn là cư sĩ và tham gia vào Ban Thông tin và Truyền thông của Trung ương Giáo hội

Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03, Bộ Công an) ra quyết định khởi tố bị can, tạm giam ông Phạm Nhật Vũ (47 tuổi, Chủ tịch Công ty Cổ phần Nghe Nhìn Toàn cầu – AVG) để điều tra tội Đưa hối lộ, theo khoản 4 điều 364 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Ông Phạm Nhật Vũ. Ảnh: Bộ Công an

Việc ra quyết định tố tụng với ông Vũ nằm trong diễn biến điều tra mở rộng vụ án "Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Tổng Công ty viễn thông MobiFone và các đơn vị có liên quan.

Cùng ngày, Cơ quan Cảnh sát điều tra bổ sung quyết định khởi tố bị can với hai cựu bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn cùng ông Cao Duy Hải (cựu tổng giám đốc MobiFone), Lê Nam Trà (cựu chủ tịch Hội đồng thành viên, cựu tổng giám đốc MobiFone) về tội Nhận hối lộ, theo điều 354 Bộ luật hình sự năm 2015.

Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ là ai?

Ông Phạm Nhật Vũ sinh năm 1972, quê tại Hải Phòng. Ông Phạm Nhật Vũ, từng sống, kinh doanh tại Đông Âu cùng anh trai là Phạm Nhật Vượng trước khi trở về Việt Nam. Từ đầu những năm 2000, ông Vũ về Việt Nam và bắt đầu kinh doanh bất động sản với một số dự án tại Nha Trang, Khánh Hoà.

Tuy nhiên, sự nghiệp sau này của ông Phạm Nhật Vũ lại chuyển hướng và gắn liền với vào khoáng sản và truyền thông.

Năm 2004, ông Phạm Nhật Vũ bắt đầu tuyển dụng một nhóm nhân sự và nghiên cứu về truyền hình trả tiền. 4 năm sau, Công ty Cổ phần Nghe Nhìn Toàn cầu – AVG chính thức ra đời.

2 năm sau, ngày 11.11.2010, Truyền hình An Viên mới bắt đầu phát sóng thử nghiệm và 1 năm sau đó khai thác thương mại.

Với vốn điều lệ 1.800 tỷ đồng và sự đầu tư bài bản của ông Phạm Nhật Vũ, AVG đã có bước phát triển khá để đến hôm nay trở thành đơn vị nắm giữ số lượng giấy phép nhiều nhất trong số các doanh nghiệp truyền hình trả tiền được cấp phép. Công ty này hiện được phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trên hệ thống số mặt đất DVB-T2, số vệ tinh DVB-S2 và truyền hình Internet.

Tuy nhiên, cái đích xa nhất mà ông Phạm Nhật Vũ nhắm tới là đến năm 2020, AVG lọt vào top 3 những doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực truyền hình trả tiền ở Việt Nam.

Ông Phạm Nhật Vũ từng chia sẻ, đầu tư vào lĩnh vực này cần rất nhiều tiền. Dự tính riêng số vốn bỏ ra đầu tư cho 25 trạm phát sóng chính và 10 trạm kích hoạt phụ đã không dưới 25 triệu USD. Sau 6 năm nghiên cứu về thương mại truyền hình, người đứng đầu nhóm các nhà đầu tư cũng đã xác định mức lỗ trong 5 năm đầu sẽ lên 2.500 - 3.000 tỷ đồng/năm. Và để thành công, An Viên phải phủ sóng cho khoảng 85 - 90% dân số cả nước.

Tập đoàn An Viên Group của ông Vũ còn có khá nhiều công ty con, trong đó có Công ty Cổ phần Nghe Nhìn Toàn cầu, Công ty Cổ phần Truyền thông và Viễn thông An Viên, Công ty cổ phần An Minh, Công ty Cổ phần Truyền thông Tri thức…

Không chỉ đầu tư vào lĩnh vực truyền hình, ông Phạm Nhật Vũ còn là doanh nhân Việt Nam đầu tiên đầu tư vào ngành công nghiệp thịt bò tại phía Bắc Australia.

Ngoài ra, với vai trò là Chủ tịch An Viên Group, ông Vũ cùng các nhà đầu tư An Viên cũng đã đầu tư vào một số trang mạng khác và kinh doanh nội dung số nhưng không mấy thành công.

Trong giới tăng lữ, ông Vũ còn được biết đến với vai trò là Cư sĩ Từ Vân - Phạm Nhật Vũ, Phó Ban Truyền thông Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, Phó TBT Tạp chí Nghiên cứu Phật học. Nhiều năm nay, ông là người âm thầm đầu tư xây và sửa nhiều ngôi chùa trên nhiều địa phương trong cả nước.

Những thương vụ nổi đình nổi đám của ông Phạm Nhật Vũ

Nhắc đến ông Phạm Nhật Vũ, sự kiện khiến ông Vũ được công chúng biết đến nhiều hơn đó chính là việc mua độc quyền bản quyền truyền hình giải bóng đá V-League 20 năm. Tuy nhiên, sau đó, ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) đăng đàn phản đối, thành lập công ty VPF với mục tiêu giành lại giải này từ VFF (Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, đơn vị ký độc quyền với AVG- Truyền hình An Viên).
Đặc biệt, từ đầu năm 2018, cái tên Phạm Nhật Vũ lại "nổi đình nổi đám" với việc hủy bỏ thương vụ 8.900 tỷ đồng giữa AVG với MobiFone.

Cụ thể, năm 2016, MobiFone công bố thông tin đã hoàn tất đàm phán mua 95% cố phần AVG. Tổng giá trị thương vụ là 8.889 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau 2 năm, ngày 12.3.2018, hợp đồng mua cổ phần giữa MobiFone với AVG đã được hai bên thống nhất hủy bỏ dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông.

Phía AVG do ông Phạm Nhật Vũ là Chủ tịch HĐQT nhận lại cổ phần công ty và hoàn trả các khoản tiền đã nhận từ MobiFone, trong khi phía Mobifone làm các thủ tục huỷ bỏ Hợp đồng.

Theo kết luận thanh tra, MobiFone đã để xảy ra nhiều khuyết điểm, vi phạm trong việc đề xuất đầu tư, đánh giá thực trạng tài chính, kinh doanh của AVG; lựa chọn các đơn vị tư vấn thẩm định giá; trình Bộ Thông tin và truyền thông phê duyệt dự án đầu tư…

Khi báo cáo đề xuất đầu tư chuyển nhượng cổ phần AVG và lập dự án đầu tư trình Bộ Thông tin và truyền thông phê duyệt, MobiFone đã báo cáo không trung thực, không đầy đủ, đánh giá không đúng thực trạng tài chính rất xấu của AVG, thậm chí còn đánh giá khả quan về tình hình tài chính, kinh doanh của AVG.

Khi lựa chọn phương án đầu tư, MobiFone không khảo sát, không lựa chọn đơn vị chuyên kinh doanh dịch vụ truyền hình để tư vấn phương án kinh doanh, không xây dựng phương án đầu tư mới để có căn cứ so sánh.

MobiFone đã lập và trình Bộ Thông tin và truyền thông phê duyệt dự án khi không loại trừ 2 khoản đầu tư ngoài ngành của AVG, thể hiện sự thiếu trách nhiệm và cố ý làm trái quy định.

Những vi phạm, làm trái quy định, thiếu trách nhiệm của MobiFone đã gây nguy cơ hiện hữu thiệt hại nghiêm trọng vốn nhà nước tại MobiFone khoảng hơn 7.000 tỷ đồng, làm sụt giảm lớn hiệu quả kinh doanh ngay từ năm 2016 và các năm tiếp theo.

Khi ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, hoạt động kinh doanh của AVG vẫn "rất khó khăn", chứ không "khả quan" như MobiFone báo cáo. Tổng tài sản AVG là hơn 3.260 tỷ đồng, trong đó, nợ phải trả là hơn 1.266 tỷ đồng và giá trị còn lại của tài sản cố định chỉ hơn 208 tỷ đồng.

Từ khi thành lập đến thời điểm thẩm định giá liên tục lỗ, số lỗ luỹ kế đến 31.3.2015 xấp xỉ 1.633 tỷ đồng (bằng 45% vốn điều lệ). AVG của ông Phạm Nhật Vượng sử dụng vốn cho kinh doanh dịch vụ truyền hình chủ yếu là vốn vay và vốn chiếm dụng.

Từ trái qua: ông Phạm Đình Trọng, ông Trương Minh Tuấn, ông Nguyễn Bắc Son, ông Lê Nam Trà, ông Cao Duy Hải - Ảnh: TT

Liên quan vụ án, hiện nhà chức trách đã khởi tố hơn 10 cán bộ trong đó có hai cựu Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn; ông Cao Duy Hải (cựu tổng giám đốc MobiFone), bà Phạm Thị Phương Anh (cựu phó tổng giám đốc), Lê Nam Trà (cựu chủ tịch Hội đồng thành viên, cựu tổng giám đốc MobiFone) và Phạm Đình Trọng (48 tuổi, cựu vụ trưởng Quản lý Doanh nghiệp, Bộ Thông tin Truyền thông).

Theo Dân Việt/GĐ&PL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Phường Đình Bảng “cấp phép”... bằng miệng cho sử dụng “đất vàng” sai mục đích

Khu đất có vị trí đắc địa thuộc phường Đình Bảng, thị xã Từ sơn được UBND phường Đình Bảng “cấp phép”... bằng miệng cho việc xây dựng trái phép, sử dụng sai mục đích gây bức xúc trong nhân dân địa phương. Trong khi đó, ngân sách Nhà nước không thu được một “cắc” từ việc sử dụng đất trên.