Địa ốc Vạn Phúc bị tố 'lật kèo', chèn ép khách hàng?

07/08/2018 09:29

Kinhte&Xahoi Ông Dưỡng cho rằng, Công ty Vạn Phúc đã cố tình hủy hợp đồng, chèn ép hoạt động kinh doanh của ông trong Khu đô thị Vạn Phúc.

Theo phản ánh của ông Nguyễn Mạnh Dưỡng (58 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM), ngày 26/6/2017, ông cùng chị Đinh Thị Hiền (34 tuổi, ngụ Đồng Nai) ký hợp đồng thuê nhà số 90/2017/HĐKT/VP-NMD với Công ty Cổ phần đầu tư địa ốc Vạn Phúc (thành viên của Tập đoàn Đại Phúc). Theo đó, Công ty Vạn Phúc đồng ý cho ông Dưỡng và bà Hiền thuê toàn bộ căn nhà và không gian phía trước căn nhà tại các lô N33, N34, N35, N36, N37, N38 với tổng diện tích 915 m2 tại Khu đô thị Vạn Phúc 1 (quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức).

Khu đô thị Vạn Phúc, nơi xảy ra sự việc.

Theo hợp đồng, thời hạn thuê là 5 năm, mục đích sử dụng là “Cửa hàng thực phẩm tiện lợi Vạn Phúc giờ hoạt động 24/24”. Ông Dưỡng cho biết, sau khi ký hợp đồng họ đã dồn hết tâm huyết, công sức và tiền bạc để nâng cấp sửa chữa, lắp đặt các thiết bị. “Tuy nhiên, đúng 28 ngày sau khi cửa hàng tiện lợi đi vào hoạt động thì Công ty Vạn Phúc có thư mời chúng tôi đến làm việc và nói rằng, có một bên thứ 3 muốn vào kinh doanh và sẽ hỗ trợ tiền di dời cho chúng tôi”, ông Dưỡng cho biết.

Theo bên thuê nhà, ngay tại cuộc họp hôm đó, họ muốn được tiếp tục ở lại kinh doanh hết 5 năm như trong hợp đồng và không đồng ý nhượng lại cho bên nào khác. Tuy nhiên, thời gian sau đó, Công ty Vạn Phúc đã đưa ra rất nhiều hình thức áp đặt như tự ý mời văn phòng Thừa phát lại quận Thủ Đức vào cửa hàng chụp ảnh, lập vi bằng vì cho rằng bên thuê nhà đã sử dụng mặt bằng sai mục đích.

“Chúng tôi khẳng định đã kinh doanh đúng mô hình hoạt động cửa hàng tiện lợi vì đã được cơ quan nhà nước cấp giấy phép kinh doanh có ghi rõ các ngành nghề kinh doanh như: ăn uống, cà phê, nước giải khát, mua bán bánh kẹo, đường, dầu ăn, rau củ quả, thịt, cá, đồ tươi sống”, ông Dưỡng nói.

Bên thuê nhà cho biết, Công ty Vạn Phúc tiếp tục mời Thanh tra xây dựng đến đo đạc và yêu cầu tháo dỡ căn nhà đang thuê. Đến ngày 15/11/2017, phía Vạn Phúc tiếp tục gửi công văn cho ông Dưỡng về việc chấm dứt hợp đồng vì cho rằng bên thuê nhà đã vi phạm hợp đồng khi kinh doanh cả đồ uống và cơm trưa văn phòng.

“Từ đó đến nay, Công ty Vạn Phúc tiếp tục dùng nhiều biện pháp để chấm dứt hợp đồng trái pháp luật như dọa cắt điện, cắt nước, thu hồi cây xanh và các biện pháp khác để thu hồi nhà đã cho thuê. Đồng thời Công ty Vạn Phúc ngang nhiên công bố không chịu trách nhiệm với bất kỳ tổn thất, thiệt hại đến tài sản nào xảy ra với chúng tôi và vu khống chúng tôi đang chiếm đoạt tài sản. Ngày 21/12/2017, họ còn cho người cùng xe cần cẩu "tấn công" vào khuôn viên nhằm cản trở hoạt động kinh doanh”, ông Dưỡng bức xúc.

Ngày 27/12/2017, phía Vạn Phúc tiếp tục gửi cho ông Dưỡng thư mời đến làm việc để giải quyết chấm dứt hợp đồng, nhưng công ty chỉ đồng ý bồi thường tiền đặt cọc thuê nhà chứ không đề cập đến những thiệt hại khác của bên thuê.

Ngày 15/4/2018, bất ngờ địa ốc Vạn Phúc đặt trước cửa hàng tiện lợi Vạn Phúc 2 container loại 40 feet, ông Dưỡng cho rằng công ty cố tình để cản trở hoạt động kinh doanh của cửa hàng. Sau đó, xuất hiện nhiều người lạ mặt, quấy rối cửa hàng tiện lợi và nơi cư trú của ông Dưỡng trong Khu đô thị Vạn Phúc.

Hiện tại, ông Dưỡng đã làm đơn khởi kiện đến TAND quận Bình Thạnh. Theo đó, nguyên đơn yêu cầu Công ty Vạn Phúc tiếp tục để họ kinh doanh hết 5 năm theo hợp đồng thuê nhà đã ký kết, nếu tiếp tục không thực hiện hợp đồng thì phải đền bù các khoản thiệt hại, bao gồm cả thu nhập dự kiến từ hoạt động kinh doanh trong 5 năm theo hợp đồng.

Làm việc với PV về những nội dung ông Dưỡng "tố" Công ty Cổ phần đầu tư địa ốc Vạn Phúc “lật kèo”, chèn ép khách hàng, đại diện doanh nghiệp này đã phản bác tất cả. Chúng tôi sẽ thông tin cụ thể trong bài viết tiếp theo.

Theo KD&PL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thanh oai, Hà Nội: Hơn 100 hộ dân xây nhà trên đất nông nghiệp?

Xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp từ lâu đã là một vấn đề nhức nhối và khó giải quyết tại nhiều địa phương trên cả nước. Theo Luật đất đai năm 2013, việc xây dựng nhà ở hoặc các công trình kiên cố trên đất nông nghiệp trái phép sẽ bị xử phạt tùy mức độ và hành vi vi phạm.