Dịch tả lợn châu Phi lan nhanh, chưa có dấu hiệu dừng lại

13/03/2019 08:27

Kinhte&Xahoi Dịch tả lợn châu Phi (ASF) đang tiếp tục lan rộng ở các địa phương và hiện đã xuất hiện ở 13 tỉnh thành trên cả nước. Bộ NN&PTNT yêu cầu các tỉnh tăng giám sát và xử lý triệt để khi phát hiện ổ dịch, tổ chức lập chốt, kiểm soát việc vận chuyển lợn, hạn chế dịch lây lan

Các địa phương đang khẩn trương triển khai công tác chống dịch

Tập trung xử lý triệt để ngay từ đầu

Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), đến nay, bệnh ASF đã ra 37 huyện của 13 tỉnh, thành: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Điện Biên, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình và Nam Định.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, dịch đang có dấu hiệu lan ra ở các tỉnh. Tuy nhiên, hiện dịch chủ yếu vẫn chưa xảy ra ở các trại tập trung quy mô lớn, mà ở các hộ nuôi nhỏ lẻ, chuồng lợn sát khu ở của người, nhà nọ sát nhà kia, nên khó khống chế.

Do đó, việc cấp bách nhất là tăng giám sát và xử lý triệt để ngay từ đầu. Theo ông Tiến, các hộ chăn nuôi phải lưu ý đi lại, vận chuyển, về chuột bọ, côn trùng, quản lý đàn lợn, giết mổ… cũng phải siết chặt.

Các địa phương lập các chốt và kiểm soát nguồn lợn ra vào 24/24. Các trạm kiểm dịch trên trục đường giao thông từ phía Bắc vào phía Nam tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn, sản phẩm lợn; nếu phát hiện lợn bệnh, nghi bệnh, chết... phải lấy mẫu xét nghiệm bệnh và xử lý theo quy định.

Thứ trưởng Tiến cũng cho biết, các trại lớn họ chưa xảy ra là vì họ giữ được chăn nuôi an toàn sinh học, từ thiết kế chuồng trại, phân khu chăn nuôi, xử lý nước thải, dụng cụ, thức ăn, xe cộ ra vào, trang bị bảo hộ cho người lao động ra sao…đều làm rất chặt chẽ. “Các tập đoàn, Cty lớn, để quản lý trại lợn họ nhốt người tại chỗ, gần như nội bất xuất, ngoại bất nhập, tổ chức phun, rắc vôi bột để sát trùng”- ông Tiến nói.

Liên quan mức hỗ trợ dân có lợn bị tiêu hủy mức tối thiểu 80% theo giá thị trường và lợn nái, lợn đực sinh sản là từ 1,5-1,8 lần theo giá lợn thịt, ông Tiến cho biết, hiện Chính phủ đang hoàn thiện nghị quyết để ban hành tới đây.

“Ở đây, cũng phải nói rõ là mức hỗ trợ tối thiểu 80% theo giá thị trường, chứ không phải khung cứng là 80%. Nguồn này lấy từ quỹ dự phòng của địa phương, do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định”- ông Tiến nói.

TPHCM: Quyết liệt chống dịch

Chiều 12/3, làm việc với UBND TPHCM, lãnh đạo nhiều quận huyện lo ngại các hộ nuôi lợn bằng thức ăn thừa có nguy cơ trở thành ổ dịch nếu vẫn tiếp tục lén lút vận chuyển và không nấu kỹ thức ăn thừa thu gom tại các quán trước khi cho lợn ăn.

Dịch tả lợn châu phi lây lan nhanh vào các tỉnh phía Nam

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm cho biết dịch tả lợn có xu hướng lây lan rất nhanh đến nay cả nước đã có 136 xã có dịch với trên 14.000 con lợn của 724 hộ nuôi bị chết, tiêu hủy. Trong khi đó, TPHCM là địa bàn chăn nuôi lợn với tổng đàn lợn khoảng 274.000 con với gần 4.000 hộ nuôi. Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn hàng ngày của người dân thành phố rất lớn với khoảng 10.000 -11.000 con. 

“TPHCM vận động người chăn nuôi không tham gia vận chuyển, giết mổ lợn không rõ nguồn gốc, phối hợp chặt chẽ với các tỉnh có nguồn hàng về TPHCM. Thú y các tỉnh kiểm soát đầu ra, TPHCM kiểm soát đầu vào để kịp thời phát hiện các dấu hiệu lợn bệnh. Các địa phương tăng cường thông tin tuyên truyền các hộ nuôi lợn lấy nguồn thức ăn từ các quán ăn (khoảng 237 hộ) phải nấu kỹ trước khi cho lợn ăn để phòng chống dịch”, ông Liêm yêu cầu.

Lãnh đạo UBND TPHCM cho biết thành phố sẽ tăng cường truy xuất nguồn gốc lợn tại các chợ đầu mối, tăng cường công tác dịch tễ tại Thủ Đức, Củ Chi, Bình Chánh và các vùng giáp ranh, kiểm tra việc vận chuyển gia súc trên địa bàn, kiểm soát các cửa ngõ.

“Hiện nay có tình trạng lợn vào đường cao tốc đi thẳng vào TPHCM. Tuyệt đối không được chủ quan, không được lơ là. Phải quyết liệt hơn nữa trong phòng chống dịch. Tả Châu Phi cực kỳ nguy hiểm, nếu một cá thể mắc bệnh là chết cả đàn. Tốc độ lây lan rất nhanh.

Trên địa bàn 24 quận huyện không được để xảy ra dịch. Nơi nào, quận huyện nào để xảy ra dịch này, Chủ tịch UBND quận huyện đó sẽ chịu trách hiệm trước UBND TPHCM vì thực hiện không nghiêm túc, không quyết liệt chỉ đạo của trung ương và thành phố”, ông Liêm nêu rõ.

Lãnh đạo UBND TPHCM yêu cầu quận huyện nào chưa kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch thì phải kiện toàn ngay trong tuần này để kịp thời chỉ đạo, điều hành công tác phòng chống dịch.  

Theo Tiền Phong/Phapluatplus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Phường Đình Bảng “cấp phép”... bằng miệng cho sử dụng “đất vàng” sai mục đích

Khu đất có vị trí đắc địa thuộc phường Đình Bảng, thị xã Từ sơn được UBND phường Đình Bảng “cấp phép”... bằng miệng cho việc xây dựng trái phép, sử dụng sai mục đích gây bức xúc trong nhân dân địa phương. Trong khi đó, ngân sách Nhà nước không thu được một “cắc” từ việc sử dụng đất trên.