Grab lần đầu tiên tiết lộ số tiền đầu tư và 'chiến lược lỗ' tại Việt Nam

11/03/2019 09:21

Kinhte&Xahoi Trong một tài liệu mới đây gửi lên Thủ tướng Chính phủ, Grab cho biết đã đầu tư hơn 100 triệu USD (tương đương 2.300 tỷ đồng) vào Việt Nam

Lần đầu tiên sau 6 năm hoạt động tại Việt Nam, hãng xe Grab đã tiết lộ con số đầu tư. Trước đây, hãng này chưa một lần công bố doanh thu lợi nhuận cũng như khoản vốn đã đầu tư bao nhiêu. Theo đó, 2.300 tỷ đồng (100 triệu USD) là khoản vốn Công ty TNHH Grab đã tiết lộ trong lá thư này. Trong khi, khoản lỗ của Grab được đưa ra tại phiên tòa xử của vụ kiện giữa Grab và Vinasun là 1.700 tỷ đồng (tính từ 2014-2017).

Đã đầu tư hơn 100 triệu USD

Trong báo cáo gửi Bộ Tài chính, Grab cho biết công ty lỗ 938 tỷ đồng trong 2014-2016. Tuy nhiên, vì sau đó, công ty vẫn tiếp tục mở rộng kinh doanh, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan thuế điều tra con số lỗ trên. Sau khi có kết quả, cơ quan thuế đã phạt truy thu thuế Grab 3 tỉ đồng và giảm lỗ 56,6 tỷ đồng.

Liệu Grab đã có lợi nhuận sau 6 năm hoạt động tại Việt Nam? Theo chia sẻ của chuyên gia Đỗ Hòa, thị trường taxi công nghệ hiện nay chính là cuộc đua đốt tiền. Đối thủ của Grab là Go-Viet vào Việt Nam năm 2018 nhưng cũng không công bố con số cụ thể số tiền đầu tư. Theo con số Công ty Go-Jek (công ty mẹ của Go-Viet), đối tác này nhắm đến thị trường Đông Nam Á như, Thái Lan, Việt Nam, Philippines và Malaysia, với khoản ngân sách 11.500 tỷ đồng (500 triệu USD). Go-Jek kỳ vọng sẽ chiếm được 35% thị phần tại thị trường Việt Nam.
Chiếm lĩnh thị trường thanh toán hàng hoá, dịch vụ trong bán lẻ chỉ mới là bước đầu, điều mà Grab hướng tới là “đồng tiền Grab” trong các ví điện tử Grab (GrabPay, Moca…) sẽ được lưu hành thông dụng tại thị trường Việt Nam.

Từng thừa nhận với Viện kiểm sát tại Phiên toà Vinasun kiện Grab đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng hồi tháng 10 năm ngoái, ông Lim Yen Hock – Giám đốc Grab Việt Nam đã “bật mí” rằng, công ty mẹ đã lên chiến lược lỗ tại thị trường Việt Nam ngay từ trước khi xâm nhập. Grab cũng chưa biết thời điểm nào sẽ có lãi. Vậy mục tiêu của Grab là gì? Thị trường vận tải taxi phải chăng chỉ là bước đệm để Grab tiến tới mục tiêu tổng thể?

Vẫn theo lý giải của ông Lim Yen Hock, phần lớn chi phí của Grab là để thưởng cho các tài xế. Thưởng cho tài xế thực chất là một hình thức trợ giá cho các chuyến đi giá rẻ của Grab và là nguồn thu nhập chính của các tài xế Grab. Nếu không có thưởng, các tài xế Grab sẽ không thể thực hiện các chuyến đi với giá cước thấp như hiện giờ.

Lỗ có “tổ chức”

Nhờ các chuyến xe khuyến mại và giá cước rẻ, Grab đã nhanh chóng mở rộng thị phần, thu hút lượng lớn người dùng tải ứng dụng Grab.Theo bà Tan Hooi Ling – đồng sáng lập Grab tiết lộ với báo chí, hiện nay cứ 10 người dân Việt Nam thì có 2 người dùng dịch vụ của Grab. Đến năm 2020, tỷ lệ này sẽ tăng lên 50%.

Grab Việt Nam được thành lập năm 2014 theo luật doanh nghiệp Việt Nam với số vốn 20 tỷ đồng. Từ khi bắt đầu kinh doanh tới nay, Grab liên tục báo lỗ. Năm 2014, doanh thu 1,5 tỷ đồng, lỗ 51,7 tỷ đồng. Năm 2015, doanh thu 33,7 tỷ đồng, lỗ 441,8 tỷ đồng. Năm 2016, doanh thu 193 tỷ đồng, lỗ 444,7 tỷ đồng. Năm 2017, doanh thu 758 tỷ đồng, lỗ 788 tỷ đồng.

Nhưng giá trị lớn nhất mà Grab có được – bên cạnh khoản lỗ lớn do các chương trình khuyến mãi chuyến đi với giá thấp không tưởng – chính là hàng chục triệu thuê bao di động tải phần mềm ứng dụng Grab, các thông tin hành trình, thói quen tiêu dùng, lịch trình hằng ngày và các dữ liệu riêng tư khác của người dùng.

Nguồn thông tin sẵn có sẽ là tài nguyên quý giá cho Grab trong việc nắm bắt nhu cầu và lên kế hoạch tiếp cận người tiêu dùng. Cụ thể, ban đầu Grab sẽ cung cấp các dịch vụ giá rẻ (được trợ giá) để thu hút nhiều người cài đặt ứng dụng; sau đó là triển khai ứng dụng thanh toán GrabPay để hình thành thói quen sử dụng ví điện tử một cách rộng rãi; tiếp đến là tăng cường các tính năng thanh toán của GrabPay không chỉ thanh toán cước phí vận chuyển, mà còn mở rộng sang thanh toán tại cửa hàng bán lẻ… Và cuối cùng là nhắm đến lĩnh vực vay và cho vay ngang hàng đối với cá nhân, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.

Với việc không tiếc tiền đổ vào các chương trình khuyến mại trên siêu ứng dụng, Grab chắc chắn sẽ thu hút được lượng lớn người tiêu dùng và các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia hệ sinh thái của hãng, từ lĩnh vực thanh toán di động, đến cho vay ngang hàng và các lĩnh vực tài chính công nghệ khác.

Theo Hoanhap

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Phường Đình Bảng “cấp phép”... bằng miệng cho sử dụng “đất vàng” sai mục đích

Khu đất có vị trí đắc địa thuộc phường Đình Bảng, thị xã Từ sơn được UBND phường Đình Bảng “cấp phép”... bằng miệng cho việc xây dựng trái phép, sử dụng sai mục đích gây bức xúc trong nhân dân địa phương. Trong khi đó, ngân sách Nhà nước không thu được một “cắc” từ việc sử dụng đất trên.