Công trình bị tố xây dựng trên đất lưu không, vỉa hè?
Trong đơn gửi tòa soạn, người dân cho biết: Ngôi nhà số 24 Hàng Cót (phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) là ngôi biệt thự cổ hơn 100 tuổi, tầng 1 có mặt tiền sảnh diện tích 10m² mái bằng. Trước đây gia đình anh Vương Văn Quang mua lại của bà Đặng Thị Quỳ thuộc diện hộ độc thân là diện tích không có trong hợp đồng.
Năm 2002, Xí nghiệp Quản lý và phát triển nhà quận Hoàn Kiếm đã khảo sát lập bản đồ địa chính, bản đồ hiện trạng sử dụng đất tại số nhà 24 Hàng Cót, xác định anh Quang đã tự tạo không phép, lấn ra vỉa hè 8,4 m² và chiếm dụng đất lưu không có tường rào của ngôi biệt thự là 8,2 m², tổng cộng đất lấn chiếm theo hồ sơ địa chính là 16,6 m² và đất lấn chiếm hiện tại là 31 m² (có hồ sơ đo đạc kèm theo).
Công trình số 24A Hàng Cót.
Năm 2006, anh Quang đã bán căn nhà trên cho anh Lại Đức Vinh, đến năm 2008 anh Vinh đã phá dỡ hoàn toàn, cho xây mới không phép căn nhà 3 tầng tường kính mái tôn để kinh doanh. Năm 2017, anh Vinh bán căn nhà này cho anh Tuấn, diện tích đất này đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2017.
“Tôi đã gửi đơn khiếu nại đến các cấp chính quyền về ngôi nhà này từ năm 2008 nhưng không được giải quyết. Theo đó, UBND phường Hàng Mã đã bất chấp các quy định này nên đã đề xuất cấp GCNQSDĐ vào năm 2017 và hậu quả từ chỗ chỉ có 10m² không có hợp đồng nay đã lấn chiếm và được phù phép cấp GCNQSDĐ thành 41m², cấp cả vào phần ô văng cửa sổ và lô gia của hộ liền kề. Việc cấp giấy chứng nhận này là không minh bạch, cấp không đúng diện tích, không đủ điều kiện được cấp, không đúng nguồn gốc sử dụng đất, cần phải được thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp, trả lại vỉa hè cho người dân” - Người dân bức xúc.
Có mặt tại công trình được phản ánh, PV ghi nhận một công trình xây dựng 3 tầng được dựng khung sắt kính kiên cố được gắn số nhà 24A Hàng Cót. Công trình hiện đang được sử dụng kinh doanh quán cafe Friday hoạt động cả ngày lẫn đêm. Được biết, ngày 15/8/2018, UBND TP Hà Nội đã có Văn bản số 6349/VP-ĐT về việc xem xét đơn của bà Phạm Thị Vân, số nhà 24 phố Hàng Cót, quận Hoàn Kiếm; nội dung văn bản nêu rõ: UBND TP nhận được đơn của bà Phạm Thị Vân, trú tại số nhà 24 phố Hàng Cót, quận Hoàn Kiếm về việc đề nghị hủy Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất số 01112CS-HK ngày 8/8/2017 do Sở Tài nguyên và Môi trường cấp cho ông Tuấn và bà Kim Anh ở cùng đại chỉ nêu trên.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng, Văn phòng UBND TP chuyển đơn của bà Phạm Thị Vân đến Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét giải quyết, trả lời công dân gửi đơn theo quy định.
Nội dung mà người dân đề nghị hủy GCNQSDĐ đã cấp cho số nhà 24 phố Hàng Cót đang chờ cơ quan chức năng của TP Hà Nội giải quyết. Như vậy, dư luận đặt ra câu hỏi có hay không việc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho công trình lấn chiếm đất không lưu, vỉa hè?
Quán cafe kinh doanh “bóng cười”, hoạt động quá thời gian quy định
Bên cạnh nội dung tố cáo công trình xây dựng số 24A nằm trên đất không lưu, vỉa hè người dân còn bức xúc cho biết hiện tại công trình này đang được sử dụng kinh doanh quán cafe Friday có bán “bóng cười” và hoạt động muộn làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Nhằm xác minh nội dung tố cáo, trong vai một khách hàng PV ghi nhận công trình trên được sử dụng kinh doanh quán cafe trong diện tích cả 3 tầng.
Những quả "bóng cười" đươc sử dụng tại quán cà phê Friday.
Thời điểm PV có mặt là 23h đêm ngày 11/12 mặc dù đã khá muộn nhưng trong quán vẫn có nhiều khách hàng, thậm chí có cả khách hàng nước ngoài. Trong không gian quán vài chục m2 với nền nhạc sôi động là những nhóm bạn trẻ đang cười đùa với trái “bóng cười” trên tay. Theo một nam nhân viên quán cho biết, “bóng cười” được bán luôn lại quán với giá 99 nghìn đồng/ 1 quả to, khách có nhu cầu sử dụng nhân viên sẽ lên bơm trực tiếp và đem xuống.
Theo quan sát của PV, những bình khí N20 để bơm vào bóng cười được đặt ngay khu vực cửa nhà vệ sinh tầng 3, lúc nào cũng có 2-3 nhân viên túc trực liên tục bơm khí N20 vào bóng cho khách.
Khá băn khoăn vì việc thời điểm này đã quá giờ cho phép nhưng quán cafe này vẫn hoạt động thì bất ngờ một nam nhân viên đến xin phép kéo rèm khu vực PV đang ngồi. Khi thắc mắc thì nam nhân viên này hồn nhiên trả lời: “Bên em chưa xin được giấy phép hoạt động muộn nên phải kéo rèm vào để tránh công an”. Bên cạnh đó, một nam nhân viên khác cho biết, quán mở cửa đến khi nào hết khách, kể cả đến sáng nhưng thường là khoảng 2-3h đêm.
Điều đáng nói, theo quan sát của PV thì cách quán cafe Friday này chỉ vài trăm mét chính là trụ sở của Công an phường Hàng Mã, nhưng không hiểu lý do gì lực lượng công an phường Hàng Mã lại không nắm được việc quán cafe này ngang nhiên hoạt động quá giờ quy định và bán “bóng cười”.
Được biết, khí cười thường được sử dụng hạn hữu trong y tế như một chất gây tê, giảm đau. Sử dụng khí cười với tần suất lớn sẽ ảnh hưởng rất lớn tới cơ thể, nhất là hệ thần kinh. Nếu hít nhiều sẽ gây ra nôn ói, rối loạn chuyển hóa cơ thể, thậm chí tạo cảm giác hưng phấn ảo, rất giống với cảm giác phê ma túy, sử dụng nhiều có thể sẽ gây nghiện.
Ngay cả khi sử dụng ở nồng độ thấp, khí gây cười cũng sẽ ảnh hưởng đến nhận thức, làm giảm tầm nhìn và thính giác. Việc hít khí cười trong thời gian ngắn với liều lượng lớn có thể khiến người sử dụng bị co giật, run rẩy... Nếu những người mắc bệnh về tim mạch hay hen suyễn và một số bệnh liên quan tới đường hô hấp mà hít phải N2O lâu sẽ rất nguy hiểm vì nó có thể dẫn tới ngừng thở.
Trước những hậu quả “bóng cười” gây ra, UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch huy động các cấp, ban ngành và nhân dân cùng tham gia, phối hợp trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân để nhận biết tính chất nguy hại của các chất gây nghiện, ủng hộ lực lượng chức năng phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến bóng cười, cỏ Mỹ, ma túy "tem giấy"... Vận động người dân không tham gia tàng trữ, vận chuyển, buôn bán, kinh doanh, tổ chức sử dụng các chất kích thích.
UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị chức năng phải phối hợp chặt chẽ trong công tác kiểm tra, kiếm soát thị trường nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi nhập lậu, sản xuất, kinh doanh, buôn bán, tổ chức sử dụng bóng cười, shisha, cỏ Mỹ, "tem giấy" trên địa bàn thành phố, nhằm lập lại kỷ cương trật tự xã hội, bảo đảm cuộc sống bình yên của người dân.
Theo Nghị định số 26 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2008NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất, khí N20 thuộc danh mục hóa chất nguy hiểm mà tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, cất giữ, bảo quản, sử dụng hóa chất phải xây dựng biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất.
Tại Điều 5 Chương 2 của Nghị định 163/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực hóa chất quy định, hành vi vi phạm quy định về an toàn trong sản xuất, kinh doanh và cất giữ hóa chất nguy hiểm bị phạt tiền từ 1 - 10 triệu đồng, tùy theo tính chất vi phạm; thẩm quyền xử phạt do UBND quận, phường thực hiện, tùy theo mức độ vi phạm.
|
Theo KD&PL