Hà Nội hỗ trợ tối đa giúp người dân vùng ngập ổn định cuộc sống

26/07/2018 16:25

Kinhte&Xahoi Các cấp chính quyền Thủ đô đang nỗ lực hỗ trợ người dân vùng ngập ổn định cuộc sống.

Trải qua những trận mưa lớn liên tiếp cộng với nước ở đầu nguồn dồn về, một số khu vực tại Hà Nội đang phải đối mặt với ngập úng, ảnh hưởng tới việc đi lại, sinh hoạt của nhân dân. 

Người dân xóm Bến Vôi, thôn Cấn Hạ, xã Cấn Hữu được di chuyển bằng cano trong khi chờ nước rút. (Ảnh Mạnh Khánh/TTXVN)

Hỗ trợ tối đa cho vùng ngập

Quốc Oai là địa phương nằm ở vùng phân lũ sông Tích. Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới, mưa lớn kéo dài nhiều ngày kết hợp nước từ thượng nguồn đổ về, nước sông Tích dâng cao trên mức báo động 3 là +8,2m đã gây ra ngập úng, làm thiệt hại về hoa màu, tài sản, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống một số hộ dân vùng ven sông.

Theo ông Nguyễn Văn Canh, Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Quốc Oai, toàn huyện có 608 hộ bị ngập, trong đó 266 hộ bị ngập sâu, chia cắt, cô lập. Đến nay, nước đã rút được khoảng 50mm, tuy nhiên các hộ dân ở đây vẫn đang bị cô lập.

Để đảm bảo sinh hoạt cho bà con, những ngày qua, Ủy ban Nhân dân huyện đã chỉ đạo cơ quan chức năng, các ban, ngành đoàn thể tập trung tiếp tế nhu yếu phẩm cần thiết như mì tôm, nước uống, thuốc trị bệnh ngoài da, tiêu chảy…Trung tâm Y tế huyện Quốc Oai bố trí lực lượng ứng trực khám, phát thuốc miễn phí cho người dân.

Tại khu vực này, điện, nước sạch vẫn được đảm bảo ngay cả ở khu vực trũng nhất.

Ban Chỉ huy Quân sự huyện Quốc Oai bố trí một ca nô chạy liên tục từ 5-20 giờ hàng ngày, phục vụ việc đi lại của người dân từ vùng ngập đến chỗ cao ráo. Cùng với đó, người dân cũng trang bị thuyền, túc trực ở vị trí ngập nặng để chủ động đi lại.

Chiều 25/7, người dân xóm Bến Vôi, thôn Cấn Hạ, xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai) phấn khởi đến địa điểm tiếp tế nhận mì ăn liền do các nhà hảo tâm địa phương hỗ trợ.

Con đường độc đạo dẫn vào xóm Bến Vôi bị nhấn chìm bởi nước, người dân phải chèo thuyền hoặc đi bằng canô miễn phí do Ban Chỉ huy Quân sự huyện Quốc Oai bố trí. Việc đi lại khó khăn là vậy nhưng người dân nơi đây vẫn rất lạc quan, một số gia đình còn tận dụng cơ hội giăng lưới bắt cá.

Ông Nguyễn Văn Hùng, xóm Bến Vôi, thôn Cấn Hạ, xã Cấn Hữu cho biết, mọi sinh hoạt trong gia đình tôi không bị xáo trộn nhiều, ngoại trừ việc đi lại khó khăn.

Theo Bí thư Chi bộ, trưởng thôn Cấn Hạ Bùi Đào Hoàng, nhờ rút kinh nghiệm từ các năm trước, bà con trong thôn chủ động xây nhà tầng, tôn nền cao nên hầu như không xảy ra tình trạng nước tràn vào nhà.

Ngay từ những ngày đầu xảy ra tình trạng ngập lụt, xã và huyện đã bố trí lực lượng ứng trực, thăm hỏi, động viên kịp thời bà con.

Điều chính quyền thôn quan tâm nhất hiện nay là vấn đề an toàn trong sử dụng điện và phòng chống đuối nước cho trẻ nhỏ. Vì thế, các ban, ngành đoàn thể của thôn thường xuyên nhắc nhở, tuyên truyền bà con không sử dụng điện để đánh cá tránh nguy cơ bị điện giật, quan tâm chăm sóc, giám sát trẻ nhỏ nhằm ngăn chặn tai nạn sông nước.

Phát huy tinh thần "4 tại chỗ"

Ngay từ tháng 5/2018, Ủy ban Nhân dân huyện Quốc Oai đã phê duyệt phương án cứu trợ và đảm bảo đời sống nhân dân trong huyện; trong đó, phân tích, dự báo tình hình thời tiết và đề ra giải pháp với tình huống xảy ra tại các địa phương do thiên tai, bão lũ.

Phát miễn phí mì ăn liền, nước uống cho người dân bị ngập thuộc xóm Bến Vôi, thôn Cấn Hạ, xã Cấn Hữu. (Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN)

Ngoài việc vận động nhân dân chủ động ứng phó, dự trữ lương thực, Ủy ban Nhân dân huyện yêu cầu Ủy ban Nhân dân các xã, thị trấn thực hiện phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ), xây dựng phương án, kế hoạch sơ tán, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân…

Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Quốc Oai cũng đôn đốc các tiểu ban, cán bộ, công chức xã, thị trấn kiểm tra, rà soát, chuẩn bị sẵn đồ dùng, nhu yếu phẩm cần thiết ứng phó với tình huống xảy ra, thực hiện trực 24/24 giờ tại cơ quan.

Bên cạnh đó, đề nghị Ủy ban Nhân dân huyện hỗ trợ mỗi gia đình bị ngập một bình nước uống và một thùng mì ăn liền (tổng số đề nghị hỗ trợ cho 3 xã Phú Cát, Liệp Tuyết và Cấn Hữu là 266 hộ).

Hiện nay, khu vực Hà Nội đang phải hứng chịu những trận mưa vừa và mưa to trên diện rộng. Trong tình huống xấu hơn, huyện Quốc Oai đã có kế hoạch sẽ sơ tán người dân đến vùng cao, an toàn; thực hiện hỗ trợ khẩn cấp mì ăn liền, cháo ăn liền, lương khô, nước uống, nến thắp sáng trong thời gian tối thiểu 5 ngày để đảm bảo người dân vùng sơ tán không bị đói, rét.

Cụ thể, nếu xảy ra ngập cục bộ vùng ven sông Tích, huyện sẽ hỗ trợ 5 gói mì ăn liền/ngày/khẩu, 2 lít nước uống/ngày/khẩu, 1 đèn pin/hộ, 2 cây nến/đêm/hộ, 50kg phèn chua, 80kg diệt khuẩn cloramin và 2 xuồng máy cho mỗi thôn, xã.

Những ngày qua, lãnh đạo thành phố Hà Nội cùng nhiều nhà hảo tâm đã tới thăm hỏi, động viên, chia sẻ, tặng quà người dân vùng ngập.

Chiều 24/7, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn đã tới các hộ gia đình vùng bị ngập, thăm hỏi, đồng thời động viên bà con cố gắng vượt qua khó khăn trước mắt.

“Thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ để người dân sớm vượt qua đợt mưa ngập này, ổn định cuộc sống,” Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn nhấn mạnh.

 

 Theo KD&PL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thanh oai, Hà Nội: Hơn 100 hộ dân xây nhà trên đất nông nghiệp?

Xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp từ lâu đã là một vấn đề nhức nhối và khó giải quyết tại nhiều địa phương trên cả nước. Theo Luật đất đai năm 2013, việc xây dựng nhà ở hoặc các công trình kiên cố trên đất nông nghiệp trái phép sẽ bị xử phạt tùy mức độ và hành vi vi phạm.