Hải Dương: Vợ bên nước ngoài bỗng có tên trong văn bản thỏa thuận chia tài sản chung

06/09/2018 17:16

Kinhte&Xahoi Dù đang ở nước ngoài thế nhưng không hiểu vì sao, người vợ lại có tên và chữ ký vào văn bản thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng. Sự việc xảy ra khiến dư luận địa phương hết sức bức xúc và mong được làm sáng tỏ.

Sự việc bà Hoàng Thị B. (SN 1970), trú tại xã Đồng Lạc, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương trong thời gian đi nước ngoài nhưng lại có tên và chữ ký trong văn bản thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng khiến dư luận địa phương hết sức quan tâm. 

Theo tìm hiểu của PV, sự việc này bắt nguồn từ khi vợ chồng bà ly hôn và phân chia tài sản. Lúc này, bà mới tá hỏa khi trong văn bản thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng lại có tên và chữ ký của bà bởi khi đó bà đang bên Ma Cao, Trung Quốc. 

Được biết, ngày 27/3/2017, UBND thị xã Chí Linh đã có quyết định số 62/QĐ-UBND về việc cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Theo đó, UBND thị xã Chí Linh đã quyết định cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số phát hành CH 631686 mang tên ông Nguyễn văn D. (SN 1963) và bà Hoàng Thị B. (SN 1970) trú tại xã Đồng Lạc, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Diện tích của ông D. và bà B. được sử dụng là 298m2. 

Trong quá trình bà B. đi làm ăn ở bên Ma Cao, Trung Quốc, ông D. ở nhà đã đến Phòng Công chứng số 2 tỉnh Hải Dương (thuộc Sở Tư pháp Hải Dương) để làm văn bản thỏa thuận chia tài sản chung vợ chồng. Điều kỳ lạ ở đây là trong văn bản thỏa thuận này lại có chữ ký và dấu vân tay mang tên bà B. dù lúc đó bà đang ở bên Ma Cao, Trung Quốc. Văn bản thỏa thuận này do công chứng viên Lê Thị Dung ký. 

Phòng Công chứng số 2 tỉnh Hải Dương.

Theo văn bản thỏa thuận chia tài sản chung vợ chồng ngày 3/7/2017 có nội dung: Bà Nguyễn Thị B. đồng ý để cho ông Nguyễn Văn D. được hoàn toàn quản lý, sử dụng và thực hiện tất cả các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật về đất đai đối với toàn bộ quyền sử dụng đất thuộc thửa đất 164, tờ bản đồ số 06, địa chỉ thửa đất: xã Đồng Lạc, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Bên cạnh đó, lời chứng của công chứng viên: Những người lập văn bản đã tự nguyện thỏa thuận giao kết hợp đồng này, tại thời điểm công chứng, các bên giao kết hợp đồng có năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật; mục đích, nội dung của hợp đồng không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội. 

Như vậy, tại thời điểm lập văn bản thỏa thuận chia tài sản chung vợ chồng ngày 3/7/2017, bà B. đang bên nước ngoài và không hề ký hay điểm chỉ vào văn bản này thì ai là người ký? Phải chăng, công chứng viên Lê Thị Dung khi đó không phát hiện ra sự việc này hay có uẩn khúc gì đằng sau?

Sự việc xảy ra, khiến bà B. hết sức bức xúc và cho rằng cần làm rõ để đảm bảo quyền lợi cho mình. Bên cạnh đó, nhiều người dân cho rằng, sự việc này là vi phạm pháp luật, cần phải được làm sáng tỏ. 

Trước sự việc này, PV đã liên hệ với công chứng viên khi đó là bà Lê Thị Dung để tìm hiểu. Trao đổi với PV, bà Dung thừa nhận có sai sót trong sự việc này. 

“Hồ sơ này do mình trực tiếp đi chứng nhận tại phòng công chứng số 2. Cách đây 1 tháng chị B. cũng lên phản ánh về việc chị không ký hợp đồng này ở đây, lúc đó tôi mới biết. Quy trình bình thường các bạn sẽ tiếp nhận hồ sơ, sau đó trình công chứng viên ký. Việc chị Biên phản ánh mình cũng đã trao đổi với chị cùng khắc phục, chứ không ngờ chị lại phản ánh lên báo chí như này”, bà Dung cho hay.

Bà Dung cho biết thêm, đây là sơ suất, bởi khi nhận hồ sơ theo liên thông một cửa, nhân viên nhận hồ sơ có sự giám sát rồi trình công chứng viên ký.
“Do số lượng công chứng viên bên mình ít, mình là phụ trách đôi khi khối lượng công việc nhiều nên mình không kiểm soát hết được nên sự việc như này xảy ra sẽ cho khắc phục lại hiện trạng ban đầu. Bản thân mình cũng gửi đơn sang tòa mong muốn 2 bên hòa giải, nếu không được thì cho mình thụ lý lại hồ sơ để giải quyết”, bà Dung giải thích. 
Trước câu hỏi về việc sẽ khắc phục việc này thế nào, bà Dung cho biết đang tích cực khắc phục sai sót. 
“Luật quy định công chứng viên có quyền hủy kết quả công chứng thì tôi cũng sẽ có phương án xin tòa hủy để thu hồi bìa, khôi phục lại tình trạng ban đầu. Bên mình là cơ quan công chứng nhà nước, không phải tư nhân mà đặt lợi nhuận hay tư lợi tài chính. Không hề có sự thông đồng mà do yếu tố khách quan ko kiểm soát được”, bà Dung thông tin thêm. 
Sự việc này khiến bà B. bức xúc bởi quyền lợi của mình bị xâm hại nên bà mong rằng cơ quan chức năng sớm làm sáng tỏ và giai quyết triệt để sự việc này. 

Theo KD&PL


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tân Triều - Thanh Trì: Nhà xưởng không phép mọc lên “như nấm sau mưa”

Tại xã Tân Triều (Thanh Trì, Hà Nội) hàng loạt nhà xưởng “đua nhau” mọc trên đất nông nghiệp, đất dự án một thời gian dài mà không hề bị xử lý. Dư luận cho rằng, để được xây dựng hoặc tồn tại những nhà xưởng này, các ông chủ phải “làm luật” thì mới có cơ may tồn tại?