Không được hờ hững với thân phận con người!

08/08/2018 15:25

Kinhte&Xahoi Người được giao trọng trách thực thi công lý, định đoạt thân phận, số phận mỗi con người “vô phúc đáo tụng đình” không được bàng quang, dửng dưng, vô cảm xử sao cũng được!

Công dân Vũ Phan Điền (32 tuổi, ngụ ở Ninh Bình) vừa gửi đơn đến TAND Tối cao và TAND Cấp cao tại Hà Nội đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm bản án của TAND tỉnh Ninh Bình đối với anh về hành vi “tàng trữ trái phép chất ma túy”…

Theo hồ sơ, ngày 6 tháng 12 năm 2012 anh Điền đang đi xe máy tại thị xã Tam Điệp thì bị công an chặn xe kiểm tra, phát hiện trong mặt nạ xe có túi ni lông đựng 8 gói giấy bạc chứa chất ma túy. Điền khai heroin mua của người đàn ông không quen biết để sử dụng. Công an thu giữ và lập biên bản bắt người phạm tội quả tang. Giám định vật chứng (8 gói giấy bạc), kết quả là heroin.

TAND thị xã Tam Điệp xử phạt Điền 33 tháng tù về tội tàng trữ trái phép chất ma túy. Điền kháng cáo kêu oan cho rằng đã bị bức cung ở giai đoạn điều tra. Điền không biết heroin từ đâu mà có. Kết quả xét nghiệm Điền không có sử dụng ma túy… Qua nhiều lần xét xử, 02 lần Tòa tuyên Điền vô tội. TAND tỉnh Ninh Bình từng xin ý kiến chỉ đạo lãnh đạo Tòa án nhân dân Tối cao về việc giải quyết vụ án.

Luật sư Trần Công Ly Tao.

Đầu năm 2018, Điền được Tòa xét xử lần thứ 9. TAND tỉnh Ninh Bình từng tuyên Điền không phạm tội nhưng lần này TAND tỉnh Ninh Bình lại tuyên Điền phạm tội và phạt Điền mức án 23 tháng tù, vừa đúng thời gian Điền bị tạm giam… Nguyên tắc luật định: Hội đồng xét xử (HĐXX) độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Khổ nỗi, mỗi HĐXX lại ban hành bản án trái ngược nhau.

HĐXX A xác định Điền không phạm tội, HĐXX B lại xác định Điền phạm tội! Báo cáo xin ý kiến chỉ đạo lãnh đạo TAND Tối cao để quyết định Điền phạm tội hay không phạm tội cho thấy HĐXX thiếu sự quyết đoán trước khi ban hành phán quyết. Cố Chánh án TAND Tối cao Trịnh Hồng Dương từng phát biểu trước Quốc hội: Về dân sự, luật pháp xử sao cũng được. Hiện nay quan điểm vừa nêu cũng có thể thể hiện tại một số bản án hình sự: Về hình sự, luật pháp xử sao cũng được? Do quy định pháp luật lỏng lẻo, năng lực thẩm phán, hội thẩm nhân dân (HĐXX) có “vấn đề” về kiến thức chuyên môn!

Tự do là tài sản quý nhất của mỗi công dân. Người được giao trọng trách thực thi công lý, định đoạt thân phận, số phận mỗi con người “vô phúc đáo tụng đình” không được bàng quang, dửng dưng, vô cảm xử sao cũng được! Sai lầm khi kết tội người không phạm tội hình phạt cách ly vĩnh viễn ra khỏi đời sống xã hội, điển hình là vụ án ông Bùi Minh Hải ở Đồng Nai, phạt tù chung thân ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang, ông Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận là vết nhơ đối với nền tư pháp nước nhà. Để hạn chế xảy ra oan sai đối với người vô tội thì HĐXX phải là người có năng lực chuyên môn và đức độ.

Ở thế kỷ thứ 19, ông Ripert, nhà luật học lừng danh đã dõng dạc lên tiếng: Thà tha lầm người có tội, không được phạt oan người không có tội. Sinh mạng, tự do, nhân phẩm của con người là tài sản vô giá. Không thể tước đoạt tài sản vô giá ấy nếu không có đủ bằng chứng chứng minh họ phạm tội. Bà Staël, nữ văn hào lỗi lạc bày tỏ nỗi lòng: Ôi tự do, hỡi tự do, nhân danh mi mà người ta phạm biết bao nhiêu tội lỗi!

Trở lại vụ án trên, thẩm phán Nguyễn Thị Thắm (chủ tọa phiên tòa phúc thẩm tuyên Điền có tội): …Vụ án đã được Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xem xét, chánh án TAND Tối cao có văn bản trả lời bị cáo (Điền) không oan. Còn thẩm phán Chu Văn Danh, nguyên Phó Chánh tòa hình sự TAND tỉnh Ninh Bình (chủ tọa phiên tòa tuyên Điền vô tội): …Những sai phạm và căn cứ chứng minh Điền vô tội đã được nêu rõ; một số bút lục bị chỉnh sửa từ “vừa mua ma túy” thành “đã mua ma túy”.

Một khi còn băn khoăn một người có tội hay vô tội, phán quan phải hết sức cẩn trọng đắn đo, suy xét trong suy tư và trầm lắng, lay động niềm tin nội tâm “thiện căn ở tại lòng ta…” trước khi quyết định bản án. Vận dụng nguyên tắc suy đoán vô tội; nguyên tắc gỡ tội tha lầm thì có cơ hội trừng phạt chứ kết tội sai đặt trước sự đã rồi tạo nỗi oan Thị Kính không có cơ hội cải sửa!

Hơn nữa Nhà nước pháp quyền đề cao nguyên tắc xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật: HĐXX độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. TAND tỉnh Ninh Bình cần chứng tỏ bản lĩnh, triệt để tuân theo pháp luật, không chịu lệ thuộc chi phối vào đường hướng xử lý chủ quan của lãnh đạo cấp trên. Dứt khoát không được phá vỡ nguyên tắc “việc xét xử phải độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”!

 

 Theo KD&PL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thanh oai, Hà Nội: Hơn 100 hộ dân xây nhà trên đất nông nghiệp?

Xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp từ lâu đã là một vấn đề nhức nhối và khó giải quyết tại nhiều địa phương trên cả nước. Theo Luật đất đai năm 2013, việc xây dựng nhà ở hoặc các công trình kiên cố trên đất nông nghiệp trái phép sẽ bị xử phạt tùy mức độ và hành vi vi phạm.