Loạt bài về Công ty Anh Tuấn Phát (Nha Trang) - Bài 3: Công ty Anh Tuấn Phát đã làm gì để được ngân hàng ưu ái?

26/09/2018 10:37

Kinhte&Xahoi Công ty Anh Tuấn Phát lộ nhiều dấu hiệu cho thấy có hiện tượng mua bán, sử dụng hoá đơn giả, nâng khống giá trị xe để từ đó, vay vượt giá trị tài sản hàng tỷ đồng của nhiều Ngân hàng tại Nha Trang.

Công ty Anh Tuấn Phát được ngân hàng ưu ái, cho vay vượt mức giá trị tài sản đảm bảo

Theo thông tin đăng ký tại Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hoà, Công ty TNHH vận tải Anh Tuấn Phát (Công ty Anh Tuấn Phát) có trụ sở tại 28 Lê Thánh Tôn, Thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hoà.

Trụ sở Công ty vận tải Anh Tuấn Phát tại Thị trấn Diên Khánh, tỉnh Khánh Hoà.

Đăng ký lần đầu ngày 25/9/2014, thay đổi đăng ký lần thứ 1 ngày 18/7/2016 với số vốn điều lệ 3 tỷ đồng (sau điều chỉnh lên 6 tỷ). Tuy nhiên, chỉ trong năm 2017 và 8 tháng đầu năm 2018, số xe làm thủ tục đăng ký lệ phí trước bạ mới của Công ty Anh Tuấn Phát tại Cục thuế tỉnh Khánh Hoà đã là 23 xe với tổng số tiền lên đến 37 tỷ 720 triệu đồng.

Điều đáng chú ý là hầu hết các xe này đều là tài sản thế chấp tại 7 ngân hàng đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà để vay vốn. Theo nguyên tắc phòng ngừa rủi ro của ngân hàng thì chỉ giải quyết cho khách hàng vay từ 60 đến 70% giá trị tài sản đảm bảo. Điều này cũng có nghĩa là Công ty Anh Tuấn Phát muốn mua thêm một chiếc xe mới thì họ phải có ít nhất 30 đến 40% vốn đối ứng, số còn lại thì vay ngân hàng.

Do đó, để có được 23 chiếc xe mới với tổng số tiền 37 tỷ 720 triệu đồng (theo hồ sơ đăng ký lệ phí trước bạ) thì bắt buộc Công ty này phải có ít nhất 15 tỷ tiền vốn đối ứng. Tuy nhiên, theo nhiều tài liệu phóng viên thu thập được thì Công ty Anh Tuấn Phát có dấu hiệu bất thường khi được các ngân hàng duyệt cho vay vượt mức giá trị tài sản đảm bảo để từ đó, không cần bỏ một xu tiền vốn nào vẫn có thể mua thêm xe mới, thậm chí còn dư để tái đầu tư thêm xe khác.

Ngân hàng Agribank là một trong những ngân hàng mà công ty Anh Tuấn Phát thế chấp xe để vay vốn.

Đơn cử, theo Hợp đồng vay vốn mã số 56204001 của ngân hàng Agribank chi nhánh Khánh Hoà, vào ngày báo cáo tài sản gần nhất 28/4/2018, Công ty Anh Tuấn Phát thế chấp 3 xe ô tô khách 47 chỗ ngồi hiệu 3-2 AUTO UNIVERSE màu trắng có giá trị tài sản lên tới 8 tỷ 850 triệu đồng. Trên cơ sở đó, ngân hàng này đã giải ngân cho Công ty Anh Tuấn Phát số tiền 5 tỷ 750 triệu đồng, tương ứng với 65 % giá trị tài sản đảm bảo. Nhưng qua tài liệu thu thập từ hồ sơ đăng ký lệ phí trước bạ và các nguồn khác cho thấy giá trị gốc của 3 chiếc xe này chỉ là 4 tỷ 710 triệu đồng.

Tại sao Công ty Anh Tuấn Phát được ngân hàng ưu ái?

Ngoài việc được các ngân hàng duyệt cho vay vượt mức giá trị tài sản đảm bảo, Công ty Anh Tuấn Phát còn có hiện tượng mua bán, sử dụng hoá đơn giả, nâng khống giá trị xe để từ đó, vay vượt giá trị tài sản hàng tỷ đồng của nhiều Ngân hàng tại Nha Trang.

Làm việc với Trạm Đăng kiểm 7901S Khánh Hoà. Trao đổi cùng phóng viên, các cán bộ của Trạm đăng kiểm đã cung cấp thêm những tài liệu về tình trạng kỹ thuật của từng chiếc xe.

Tài liệu về tình trạng kỹ thuật của từng chiếc xe của công ty Anh Tuấn Phát.

Một chi tiết đáng lưu ý trong Thông tin quản lý của Đăng kiểm là hầu hết các xe khách 47 chỗ Hàn Quốc hiệu Huyndai Universe của Anh Tuấn Phát đều có số động cơ bắt đầu bằng nhóm ký tự WP10 … Một Đăng kiểm viên cho biết, nhóm ký tự này thể hiện nguồn gốc xuất xứ của động cơ xe là hãng WEICHAI, Trung Quốc.

Vị cán bộ này cho hay, số khung và số động cơ xe tương tự như số chứng minh thư nhân dân của người dân. Hiện nay Đăng kiểm Việt Nam đã số hoá toàn bộ dữ liệu xe đăng ký mới, đăng kiểm trên toàn quốc nên cho dù sau này chiếc xe có đổi chủ hay gian dối “chồng xác” thì danh tính của chủ xe ban đầu cũng như toàn bộ hồ sơ kỹ thuật của xe cũng sẽ nhanh chóng được xác minh chính xác.

Cũng theo các cán bộ đăng kiểm, việc thay đổi động cơ xe từ Hàn Quốc sang Trung Quốc về nguyên tắc vẫn có thể đăng kiểm mới từ đầu nếu nhà sản xuất thông tin trung thực, nó chỉ có thể ảnh hưởng đến giá trị của xe. Theo đó, tuỳ từng thời điểm, mức chênh lệch giá thành giữa máy Hàn Quốc, Nhật Bản và máy Trung Quốc khoảng trên 600 triệu đồng.

Mang theo sự thắc mắc về giá trị thật các xe ô tô của Công ty Anh Tuấn Phát, PV đã có buổi làm việc với Chi cục thuế huyện Diên Khánh. Trong năm 2017 và 8 tháng đầu năm 2018, Công ty Anh Tuấn Phát đã làm 23 hồ sơ đăng ký lệ phí trước bạ cho các xe mới với tổng số tiền phải thu là 869 triệu đồng, Công ty đã hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ về thuế với nhà nước. Sự thật đã được phơi bày một phần khi tại cơ quan thuế, giá trị thực các xe khách 47 chỗ của Hàn Quốc hiệu Huyndai Universe, máy Trung Quốc do Công ty Anh Tuấn Phát khai nhận, nộp thuế chỉ là 1 tỷ 570 triệu đồng/ xe. Tuy nhiên, khi đến ngân hàng, toàn bộ số hồ sơ này đã bị “làm xiếc”, trở thành những xe xịn, chất lương cao hồn Trương Ba Weichai, da hàng thịt Huyndai.

PV làm việc với Chi cục thuế huyện Diên Khánh.

Làm việc cùng lãnh đạo ngân hàng Agribank chi nhánh Khánh Hoà, PV đã được tiếp cận một phần hồ sơ tín dụng, thế chấp, giải ngân của Công ty Anh Tuấn Phát. Với một vài hoá đơn thể hiện sự mua đi bán lại giữa vài Công ty và một Hợp đồng kinh tế giữa bên mua là Công ty Anh Tuấn Phát và bên bán là một Công ty thương mại K.T có trụ sở tại Hoàn Kiếm, Hà Nội, giá trị của những chiếc xe hồn Trương Ba Weichai, da hàng thịt Huyndai này đã bị đẩy lên gấp hai lần, có giá trị lên tới 2 tỷ 950 triệu đồng/ xe. Ngân hàng Agribank chi nhánh Khánh Hoà đã chấp thuận con số “ảo” này, nhanh chóng duyệt hồ sơ, ký các Hợp đồng tín dụng, Hợp đồng thế chấp và giải ngân cho Công ty Anh Tuấn Phát với số tiền 5 tỷ 750 triệu đồng, bằng 65% giá trị tài sản đảm bảo. Số tiền mà Ngân hàng Agribank hào phóng chi cho Công ty Anh Tuấn Phát này gần đủ để mua đứt 4 chiếc xe mới tương tự do Công ty cổ phần cơ khí ô tô 3-2 lắp ráp, bán rộng rãi trên thị trường.

PV làm việc với ngân hàng Agribank chi nhanh Khánh Hoà.

Bên cạnh hành vi nâng khống giá trị tài sản đảm bảo để vay vượt mức tiền từ Ngân hàng, chúng tôi còn ngỡ ngàng phát hiện một hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng khác của Công ty Anh Tuấn Phát. So sánh hồ sơ thu thập được tại Chi cục thuế huyện Diên Khánh và hồ sơ tại ngân hàng Agribank chi nhánh Khánh Hoà, phóng viên đã phát hiện 2 tờ hoá đơn cùng ngày phát hành, cùng số hoá đơn, cùng một nội dung mua bán một chiếc xe (cùng số khung, số động cơ) nhưng thể hiện hai số tiền khác nhau, chênh lệch hơn 600 triệu đồng(?). 

Bên cạnh đó, trong hai hồ sơ thế chấp của hai chiếc xe khác, phóng viên cũng phát hiện 4 tờ hoá đơn cùng ngày phát hành, cùng một nội dung mua bán hai chiếc xe (trùng số khung, số động cơ) nhưng khác số hoá đơn, và cũng thể hiện hai số tiền khác nhau, chênh lệch hơn 600 triệu đồng. Đáng chú ý, hầu hết các tờ hoá đơn này có cùng một đơn vị phát hành, một Công ty có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh, và nó hiện diện trên hầu hết các hồ sơ mua bán xe, thế chấp,vay vốn của Công ty Anh Tuấn Phát.

Chỉ một hồ sơ vay vốn tại một ngân hàng, Công ty Anh Tuấn Phát đã được ngân hàng ưu ái, cho vay vượt mức giá trị tài sản đảm bảo để từ đó, không cần bỏ một xu tiền vốn nào vẫn có thể mua thêm xe mới, thậm chí còn dư để tái đầu tư thêm xe khác, vậy còn hàng chục chiếc xe khác tại các ngân hàng khác liệu có tương tự? Bên cạnh đó, việc Ngân hàng Agribank chi nhánh tỉnh Khánh Hoà cho Công ty Anh Tuấn Phát vay số tiền vượt quá so với giá trị của xe, liệu có cố ý làm trái các quy định?

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.


Theo Đình Dũng - Minh Tú/KD&PL 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Phường Mễ Trì (Nam Từ Liêm): Trật tự đô thị bị "băm nát", trách nhiệm của chính quyền ở đâu?

Thời gian qua, toà soạn liên tục nhận được nhiều phản ánh của độc giả về tình trạng vi phạm trật tự xây dựng tràn lan trên địa bàn phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm. Cụ thể, nhiều công trình mọc lên một cách "lạc lõng" với cảnh quan chung xung quanh khi thêm tầng, cơi nới thêm diện tích ... nhưng vẫn mặc nhiên tồn tại mà không hề có sự can thiệp từ phía chính quyền.