Mỗi người uống 470 chai bia một năm, Việt Nam đạt “quán quân” tiêu thụ bia rượu trên thế giới

23/04/2019 09:16

Kinhte&Xahoi Tốc độ tiêu thụ bia rượu của Việt Nam tiếp tục gia tăng trong khi mức sử dụng của thế giới đang giảm xuống. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2016 một người Việt Nam trưởng thành tiêu thụ 8,3 lít cồn (tương đương 470 chai bia)

Ngày 22/4, tại hội thảo "Xây dựng chính sách về phòng, chống tác hại của rượu bia", PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, mức độ tiêu thụ rượu bia ở VN đang gia tăng nhanh chóng. Năm 2015, Việt Nam sản xuất 3,4 tỉ lít bia, 70 triệu lít rượu công nghiệp và khoảng 250 triệu lít rượu thủ công.

TS. Kidong Park, Trưởng Đại diện của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam bày tỏ quan ngại về tình trạng sử dụng bia rượu của người Việt.

Điều tra nguy cơ mắc bệnh lây nhiễm năm 2015 cho thấy, 44% người uống rượu bia ở Việt Nam uống quá độ, đây là hình thức uống rượu nguy hiểm. Một người Việt trưởng thành tiêu thụ 8,3 lít cồn (tương đương 470 chai bia) trong một năm.48% thanh niên từ 14 – 17 tuổi cũng uống rượu bia.

Mỗi người Việt trưởng thành tiêu thụ đến 470 chai bia một năm..

"Điều tra cũng cho thấy 48% người trưởng thành uống rượu bia là nam giới đã lái xe sau khi uống rượu bia, đây là hành vi nguy hiểm", TS Park nói.

Việc sử dụng rượu bia ở Việt Nam  dẫn đến 79.000 ca tử vong năm 2016, hàng trăm nghìn người khác phải nhập viện điều trị liên quan đến rượu bia như đột qụy, suy tim, các bệnh lý tăng huyết áp và phình động mạch chủ, tổn thương gan, xơ gan dẫn đến viêm gan, viêm tuỵ cấp, mãn tính.

Bia rượu cũng gây ra các ảnh hưởng cho đường hầu họng, ung thư thanh quản, thực quản. 

Thứ trưởng Sơn nhấn mạnh, rượu bia là nguyên nhân trực tiếp của hơn 30 loại bệnh không lây nhiễm và là nguyên nhân của gần 200 loại bệnh tật khác nhau và được xếp vào hàng thứ ba trong số các nguyên nhân dẫn đến tử vong sớm và tàn tật trên thế giới.

Bia còn tác động nghiêm trọng đến lĩnh vực kinh tế xã hội như bạo lực gia đình, mất trật tự an toàn xã hội, tội phạm, đói nghèo và gánh nặng về kinh tế đối với cá nhân, gia đình và toàn xã hội do liên quan đến các phí tổn về chăm sóc sức khoẻ, giảm hoặc mất năng suất lao động và giải quyết các hậu quả xã hội khác…

Tuy nhiên, hệ thống pháp luật về phòng chống tác hại của rượu, bia của Việt Nam còn nhiều khoảng trống. Cho đến nay, mới có Nghị định số 105/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý sản xuất, kinh doanh rượu và Quyết định số 244/QĐ-TTg  ngày 12/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020. Song, đây mới là chính sách mang tính định hướng và cần được thể chế hóa thành các quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao.

Bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế)  cho biết, kinh nghiệm tại Thái Lan sau khi có các luật kiểm soát rượu, bia đã góp phần giảm 50% số vụ tai nạn giao thông (75.000 ca), tiết kiệm được hơn 6 tỷ đô la chi phí khắc phục hậu quả.WHO đã tính toán, chi 1 đô la cho kiểm soát rượu bia đem lại cho quốc gia 9,3 đô la

“Các nước đều coi rượu bia không phải hàng hoá thông thường, đều có quy định về giảm tiêu thụ, giảm tính sẵn có, dễ tiếp cận của rượu bia mạnh hơn Việt Nam. Kinh nghiệm các nước cho thấy các quy định nghiêm khắc chỉ có tác động từng bước giảm dần tốc độ gia tăng, duy trì sản lượng rượu bia (do tính gây nghiện, dân số tăng, người uống mới) nhưng đem lại các lợi ích vượt trội cho sức khoẻ người dân, giảm hậu quả, chi phí xã hội, phát triển đất nước bền vững.

Thứ trưởng Sơn cho biết, Bộ Y tế được giao chủ trì xây dựng dự thảo luật, sau nhiều nỗ lực, dự thảo Luật phòng chống tác hại rượu bia đã được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu và hiện đang được tiếp tục hoàn thiện để trình Quốc hội cho ý kiến lần 2 trong kỳ họp lần thứ 7 của Quốc hội dự kiến vào tháng 5/2019. Hiện nay, Bộ Y tế vẫn đang nỗ lực xin ý kiến các đoàn đại biểu quốc hội về dự thảo luật, đặc biệt là các giải pháp để kiểm soát, ngăn ngừa sử dụng rượu bia ở giới trẻ.

Theo Dân trí/Phapluatplus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Phường Đình Bảng “cấp phép”... bằng miệng cho sử dụng “đất vàng” sai mục đích

Khu đất có vị trí đắc địa thuộc phường Đình Bảng, thị xã Từ sơn được UBND phường Đình Bảng “cấp phép”... bằng miệng cho việc xây dựng trái phép, sử dụng sai mục đích gây bức xúc trong nhân dân địa phương. Trong khi đó, ngân sách Nhà nước không thu được một “cắc” từ việc sử dụng đất trên.