Nhà thờ Đức Bà: Dấu ấn di sản gần 9 thế kỷ giữa “trái tim” Paris

16/04/2019 15:20

Kinhte&Xahoi Nhà thờ Đức Bà Paris đã trải qua lịch sử gần 900 năm với nhiều thăng trầm và cho đến nay vẫn là một công trình biểu tượng của Pháp.

Nhà thờ Đức Bà: Dấu ấn di sản gần 9 thế kỷ giữa “trái tim” Paris

Nhà thờ Đức Bà Paris cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. (Ảnh: Getty)
Vào ngày 15/4, Nhà thờ Đức Bà Paris (Notre Dame de Paris) ở trung tâm thủ đô Paris, Pháp đã bị cháy. Hiện chưa có thống kê cụ thể về thiệt hại của công trình này, song tháp chuông và một phần mái vòm của nhà thờ đã bị tàn phá sau vụ hỏa hoạn.

Là công trình nổi bật về tầm vóc và kiến trúc Gothic của Pháp, Nhà thờ Thiên Chúa từ thế kỷ 12 này đã trở thành một trong những biểu tượng lâu đời và được tôn kính nhất của Paris. Nhà thờ Đức Bà Paris đã tồn tại hơn 850 năm, trải qua nhiều lần bị tàn phá và được trùng tu.

Công trình 200 năm
Các binh sĩ Mỹ bên trong Nhà thờ Đức Bà Paris trong lễ tưởng niệm Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt vào ngày 16/4/1945. (Ảnh: AP)
Nhà thờ Đức Bà Paris được xây dựng dưới thời vua Louis VII, nằm phía đông cuối đảo Île de la Cité, một hòn đảo nằm trên sông Seine gần trung tâm lịch sử của Paris.

Nhà vua Louis VII muốn xây dựng Nhà thờ Đức Bà Paris trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, trí tuệ và văn hóa không chỉ của riêng nước Pháp mà trên toàn thế giới. Nhà thờ cũng là một phần trong dự án quy hoạch đô thị tại Pháp lúc bấy giờ.

Vào năm 1160, Giám mục Maurice de Sully đã đề xuất xây dựng một nhà thờ để tôn kính Đức Mẹ. Mãi tới năm 1163, viên đá đầu tiên đã được đặt trước sự chứng kiến của Giáo hoàng Alexander III.

Trong vòng 100 năm tiếp theo, Nhà thờ Đức Bà Paris tiếp tục được mở rộng mặt tiền, nhà nguyện và cổng vòm. Khuôn viên bên trong nhà thờ có chiều dài và rộng khoảng 128m và 40m với mái vòm cao khoảng 42m.

Nhà thờ Đức Bà Paris được xem là hình mẫu của kiến trúc Gothic Pháp, một phong cách nổi bật vào thế kỷ 12. Những kiến trúc của nhà thờ phải mất 2 thế kỷ mới hoàn thiện, gắn liền với tên tuổi của nhiều kiến trúc sư nổi tiếng.

Kiến trúc độc đáo
Cửa kính nhiều màu sắc của Nhà thờ Đức Bà Paris. (Ảnh: Getty)

Nhà thờ Đức Bà Paris nổi tiếng với tháp chuông. Tháp chuông biểu tượng trung tâm bị đổ trong vụ cháy hôm qua từng bị tháo dỡ vào thế kỷ 13 trước khi được xây dựng lại vào thế kỷ 19.

Ngoài ra, một điểm nhấn ấn tượng khác của Nhà thờ Đức Bà Paris là các cửa sổ hoa hồng được làm từ kính với màu sắc rực rỡ. Một số cửa sổ được lắp lại vào thế kỷ 19 và du khách đến đây vẫn luôn ấn tượng mái trần cao với những tấm kính và cửa sổ “vạn hoa”.
Kiến trúc bên trong nhà thờ. (Ảnh: AFP)
Hai tòa tháp ở mặt phía tây của Nhà thờ Đức Bà Paris có chiều cao 69m và được xây dựng vào đầu thế kỷ 13. Du khách có thể leo lên tháp phía bắc thông qua cầu thang gồm 387 bậc. Trong khi đó, tháp phía nam là nơi đặt 10 chuông của nhà thờ.

Trong số các chuông của Nhà thờ Đức Bà Paris, nổi tiếng nhất là chuông Emmanuel. Chuông này rung lên vào hầu hết các sự kiện quan trọng trong lịch sử Pháp, bao gồm lễ đăng quang của nhà vua, các chuyến thăm của giáo hoàng và đánh dấu kết thúc hai cuộc chiến tranh thế giới.

Chuông Emmanuel từng rung lên để tưởng niệm vụ tấn công khủng bố vào hai tòa tháp đôi ở New York, Mỹ vào ngày 11/9/2001. Ngoài ra, lễ cầu nguyện cho tang lễ của các cựu Tổng thống Pháp Charles de Gaulle và Francois Mitterrand cũng được tổ chức Nhà thờ Đức Bà Paris.

Lịch sử thăng trầm
Xe bị đốt bên ngoài Nhà thờ Đức Bà Paris trong cuộc xung đột tại Pháp năm 1944. (Ảnh: AFP)
Nhà thờ Đức Bà Paris từng nhiều lần bị tàn phá, đặc biệt trong thời kỳ Cách mạng Pháp khi 28 bức tượng của các vị vua bị phá hủy. Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, các cửa sổ kính tuyệt đẹp của nhà thờ đã được di dời vì lo sợ bị quân Đức ném bom và phá hủy.

Thế kỷ 19 đã mang đến sự thay đổi cho nhà thờ, bao gồm giai đoạn trùng tu theo lệnh của nhà vua Louis Philippe. Thời điểm này, đại văn hào Victor Hugo đã cho ra đời tác phẩm “Thằng gù Nhà thờ Đức Bà” nổi tiếng, đưa tên tuổi nhà thờ đến với độc giả trên toàn thế giới.

Nhà thờ Đức Bà Paris là nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử. Vào năm 1431, Vua Henry VI của Anh đã lên ngôi trở thành vua của Pháp. Nhà thờ cũng chứng kiến đám cưới giữa vua James V của Scotland với công chúa Madeleine của Pháp vào năm 1537. Vào năm 1804, đây cũng là nơi phong vương hoàng đế Napoleon Bonaparte.

Biểu tượng của Paris
Bên ngoài Nhà thờ Đức Bà Paris. (Ảnh: EPA)
Đối với nhiều người Paris, Nhà thờ Đức Bà là “trái tim” của thủ đô nước Pháp, biểu tượng về giá trị lịch sử, tôn giáo, văn hóa, kiến trúc. Đây là nơi ghi dấu ấn lịch sử Pháp và là niềm tự hào của Pháp với du khách quốc tế.

Ước tính khoảng 13 triệu khách tới thăm Nhà thờ Đức bà Paris mỗi năm, tương đương trung bình hàng chục nghìn lượt khách mỗi ngày. Số khách đến tham quan Nhà thờ Đức Bà Paris đông hơn cả hai công trình nổi tiếng khác của Pháp là bảo tàng Louvre và tháp Eiffel.
Phần tháp và mái vòm của Nhà thờ Đức Bà Paris bị cháy hôm 15/4. (Ảnh: Reuters)

Nhà thờ Đức Bà Paris đối mặt với yêu cầu cấp bách về việc trùng tu trong nhiều năm gần đây. Trải qua gần 9 thế kỷ chống chọi với mọi thách thức của thời tiết, nhà thờ bị xuống cấp nghiêm trọng, đòi hỏi quá trình trùng tu tốn kém và kéo dài nhiều năm.

Quỹ Những người bạn của Nhà thờ Đức Bà Paris ước tính cần khoảng 40 triệu USD cho các hoạt động sửa chữa khẩn cấp và hy vọng có thể gây quỹ hơn 110 triệu USD trong vòng 10 năm tới để quá trình trùng tu hoàn tất.

Theo Dân trí/Phapluatplus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Phường Đình Bảng “cấp phép”... bằng miệng cho sử dụng “đất vàng” sai mục đích

Khu đất có vị trí đắc địa thuộc phường Đình Bảng, thị xã Từ sơn được UBND phường Đình Bảng “cấp phép”... bằng miệng cho việc xây dựng trái phép, sử dụng sai mục đích gây bức xúc trong nhân dân địa phương. Trong khi đó, ngân sách Nhà nước không thu được một “cắc” từ việc sử dụng đất trên.