Ninh Bình: Cần có những biện pháp đồng bộ để xử lý xe quá tải

22/07/2018 14:51

Kinhte&Xahoi Liên quan đến tình trạng xe quá khổ, quá tải hoành hành ở Gia Viễn, Ninh Bình, ngày 16/7/2018 phóng viên báo đã đến làm việc với lãnh đạo Sở Giao thông vận tải và Thanh tra giao thông tỉnh Ninh Bình.

 Đề cập đến phóng sự ảnh “Gia Viễn - Ninh Bình: Tình trạng xe quá khổ, quá tải vẫn 'nóng'” phản ánh về tình trạng xe cơi nới thành thùng, chở quá tải lưu thông trên Quốc lộ 477, đoạn qua địa bàn huyện Gia Viễn gây ảnh hưởng tới kết cấu hạ tầng đường bộ, ông Lê Trọng Thành - Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) cho rằng bài viết này chỉ thấy bóng dáng của Thanh tra giao thông (TTGT) chứ không thấy bóng dáng của Cảnh sát giao thông (CSGT) và đã gọi điện khiển trách Thanh tra giao thông.

Tuyến đường tránh thị trấn Me đang xuống cấp.

Qua trao đổi với phóng viên, ông Thành đã tiếp thu phản ánh của cơ quan báo chí để rà soát lại và nói sẽ quyết tâm để không xảy ra tình trạng nêu trên. “Bản thân chúng tôi là cơ quan quản lý đường bộ cũng rất xót khi thấy đường xá xuống cấp và mong báo chí, thậm chí cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc để hạn chế tối đa tình trạng xe quá tải lưu thông”, ông Thành chia sẻ và giới thiệu cho phóng viên làm việc với ông Nguyễn Duy Phong - Chánh Thanh tra Sở GTVT.

Rất may là tại trụ sở của Thanh tra Sở GTVT Ninh Bình, phóng viên đã được làm việc với cả ông Nguyễn Duy Phong - Chánh Thanh tra và ông Nguyễn Văn Điều - Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT. Sau khi phóng viên đề làm việc về vấn đề bài báo nêu trên thì TTGT tỉnh Ninh Bình cho biết, việc lập chốt ở trên tuyến 12b (cũ) thì Thanh tra không lập chốt mà chỉ đóng chốt ở các điểm đầu đường ra vào các mỏ đá, nhưng nhiều mỏ đá ở trên đất các tỉnh Hòa Bình, Hà Nam nên cũng khó xử lý.

Như đường 479 đi Hòa Bình thì TTGT mới đóng chốt, như năm 2017 có đợt đóng chốt kiểm tra tới 3 tháng thì tình trạng xe quá tải chạy là không có, còn hôm phóng viên báo nêu về việc xe TTGT ở Gia Viễn thì thực tế là hôm đó, anh em đi kiểm tra phát hiện thấy 1 chiếc xe không có biển số xe nên TTGT mới yêu cầu kiểm tra và chiếc xe đó vừa bị gặp lầy phải kéo nên rơi biển, sau khi kiểm tra, lực lượng TTGT cũng yêu cầu lái xe gắn biển và cho đi chứ không phải như quan sát của phóng viên thấy kiểm tra xong lại cho đi như trong bài báo nêu.

Tuy nhiên phóng viên cũng khẳng định những điều phóng viên báo đã nêu có đầy đủ cơ sở thì ông Điều cho biết, hôm đó chính ông đi và thấy chiếc xe mang BKS 12 (Lạng Sơn) thì thấy anh Thái Quảng - PV báo đến giới thiệu là đang tác nghiệp và cũng chứng kiến là lực lượng TTGT kiểm tra trên thùng xe thì thấy xe chở hàng không quá tải, cả anh Quảng cũng lên thùng xe nhìn, nhưng hôm đó là ông Điều đi thị sát, kiểm tra để lập kế hoạch do trong đó có mỏ than đang chuẩn bị khai thác, nhân dân đã báo là có xe hay chở đêm. Vào lúc đó thì thấy xe không biển số nên đỗ xe để kiểm tra ở ngay cửa nhà ông Vũ - một cán bộ TTGT đi cùng chứ không phải đang lập chốt TTKS.

Khi nhà báo Hiền Anh hỏi về tình trạng các phương tiện vận tải chở quá khổ, quá tải thường xuyên lưu thông trên tuyến đường này từ lâu rồi thì TTGT có biện pháp nào để kiên quyết xử lý dứt điểm tình trạng này chưa thì được ông Điều cho biết,khi có lực lượng TTGT thì các phương tiện chở hàng quá tải không lưu thông nên rất khó xử lý. Cuối năm 2016, có những đoàn xe chở quặng từ Hòa Bình sang, TTGT đã đặt trạm cân để xử lý, nhưng cứ xử lý 1 đến 2 xe thì hiện tượng các đoàn xe quá khổ, quá tải cũng dừng lại ngay.

Sau khi thực hiện Chỉ thị số 32 của Thủ tướng Chính phủ thì TTGT chỉ kiểm tra tĩnh nên cũng hạn chế trong công tác xử lý các xe vi phạm chở hành quá tải. Việc ngăn chặn tận gốc những xe vi phạm ở Ninh Bình càng khó khi các mỏ đều nằm ở các tỉnh bạn nên khi đặt trạm, các phương tiện vận tải cũng có người theo dõi và báo cho các phương tiện dừng hoặc không đi qua đó, hơn nữa chức năng của TTGT chỉ được dừng những loại xe quá tải cầu đường khi có dấu hiệu vi phạm ở các vị trí đầu nguồn bốc hàng.

Theo Báo cáo số 1607/BC-SGTVT ngày 09/7/2018 của Sở Giao thông vận tải tỉnh Ninh Bình về công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính 6 tháng đầu năm 2018 gửi Sở Tư pháp tổng hợp báo cáo UBND tỉnh thì Sở GTVT thường xuyên chỉ đạo các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc tổ chức nghiên cứu, đề xuất với lãnh đạo sở tham mưu văn bản triển khai các nội dung về xử lý vi phạm hành chính liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành…

Chỉ đạo Thanh tra Sở phối hợp với lực lượng CSGT, chính quyền địa phương và các lực lượng liên quan tập trung kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là những nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn giao thông như: lấn chiếm lòng đường, vỉa hè; Chở hàng quá khổ, quá tải; Vi phạm các quy định về điều kiện kinh doanh và hoạt động kinh doanh vận tải, các quy định về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và hành lang an toàn giao thông đường bộ… bên cạnh đó còn phổ biến, bồi dưỡng, tập huấn, hướng dẫn về kỹ năng, nghiệp vụ trong triển khai thi hành và áp dụng pháp luật xử lý vi phạm hành chính; thường xuyên tuyên truyền, phổ biến pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tới mọi đối tượng liên quan dưới các hình thức.

Hành lang an toàn giao thông cũng bị lấn chiếm xếp hàng hóa.

Công tác kiểm tra, thanh tra việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hàng tháng trong các cuộc họp giao ban của sở, đã triển khai và đánh giá tình hình thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính (số vụ vi phạm, số vụ đã giải quyết, số tiền phạt, nộp phạt, tạm giữ theo thủ tục hành chính…). Thường xuyên kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ xử lý vi phạm hành chính, qua đó, kịp thời phát hiện các sai sót trong quá trình thiết lập hồ sơ vụ việc và nghiêm khắc rút kinh nghiệm.

Các quyết định xử phạt vi phạm hành chính được ban hành đúng đối tượng, nội dung, đúng thẩm quyền và theo quy định của pháp luật, đảm bảo công tác xử lý vi phạm hành chính nghiêm minh, hiệu quả, không để tồn đọng. Tuy nhiên, tình hình vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải rất đa dạng dưới nhiều hình thức khác nhau.

Để phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm hành chính, ngoài việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, Sở Giao thông vận tải đã áp dụng nhiều biện pháp khác như: Công bố, phổ biến số điện thoại đường dây nóng qua các kênh thông tin; Khi phát hiện các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm như: Đón trả khách không đúng nơi quy định; Dừng, đỗ sai quy định; Chở hàng quá tải trọng; Tự ý thay đổi kích thước thành thùng xe; Chạy sai lịch trình, hành trình, vi phạm về kết cấu hạ tầng giao thông…, Thanh tra Sở giao thông đã kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hành chính, đảm bảo pháp luật được thực thi hiệu quả.

Đến nay, công tác xử lý vi phạm hành chính cơ bản dần đi vào nề nếp, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực giao thông vận tải trên địa bàn. Kết quả từ ngày 01/01/2018 đến 30/6/2018, Thanh tra sở GTVT Ninh Bình đã phát hiện, lập biên bản và ra quyết định xử phạt với 257 trường hợp với tổng số tiền nộp Kho bạc Nhà nước là: 710.500.000 đồng; Tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn đối với 33 trường hợp.

Cũng theo báo cáo thì những khó khăn vướng mắc chủ yếu trong thực tiễn thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính còn nhiều như: Trình độ không đồng đều, số lượng thanh tra viên, công chức thanh tra có quyền lập biên bản vi phạm hành chính còn ít; Một số cán bộ chưa được đào tạo, tập huấn nghiệp vụ về xử lý vi phạm hành chính; Kinh phí phục vụ công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành còn hạn hẹp (việc tuyên truyền chủ yếu qua đăng tải trên trang web của sở; Kết hợp tuyên truyền trong một số hội nghị phổ biến văn bản pháp luật hoặc tuyên truyền trực tiếp qua công tác thanh tra, kiểm tra).

Việc bồi dưỡng tập huấn nghiệp vụ trong xử lý vi phạm hành chính chưa thường xuyên; Trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho hoạt động thanh tra, kiểm tra hiện nay tuy từng bước được bổ sung nhưng vẫn còn thiếu so với yêu cầu của công việc; Việc tổ chức thi hành quyết định xử phạt gặp nhiều khó khăn do thẩm quyền lực lượng thanh tra còn hạn chế; Việc thực hiện các quy định về các biện pháp tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính còn một số bất cập nên chưa buộc đối tượng vi phạm phải chấp hành quyết định xử phạt. Ý thức chấp hành các quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính của một số chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện chưa cao, nên vẫn còn xảy ra tình trạng chống người thi hành công vụ.

Theo quan sát của phóng viên nhiều ngày trên các tuyến đường thuộc địa phận tỉnh Ninh Bình, cả khu vực đường tránh thành phố Ninh Bình, đường ra cảng Ninh Phúc và đường từ Nho Quan ra Gián Khẩu thì tình trạng xe quá khổ, quá tải vẫn thường xuyên lưu thông hàng đêm.

Thiết nghĩ: Các cơ quan chức năng như CSGT, TTGT cần có những biện pháp hữu hiệu để xử lý triệt để tình trạng trên, có như vậy mới giữ được những con đường chứ nếu như tình trạng hiện nay thì chẳng mấy mà những con đường mới đi vào hoạt động sẽ hỏng hết như tình trạng đường tránh thị trấn Gia Viễn.

Theo thông tin riêng của phóng viên, sau khi phóng sự ảnh “Gia Viễn - Ninh Bình: Tình trạng xe quá khổ, quá tải vẫn “nóng” thì Phòng CSGT Công an tỉnh Ninh Bình cũng đã có kế hoạch TTKS tuyến đường này, bắt đầu vào khoảng ngày 22, 23/7/2018.

 

 Theo KD&PL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thanh oai, Hà Nội: Hơn 100 hộ dân xây nhà trên đất nông nghiệp?

Xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp từ lâu đã là một vấn đề nhức nhối và khó giải quyết tại nhiều địa phương trên cả nước. Theo Luật đất đai năm 2013, việc xây dựng nhà ở hoặc các công trình kiên cố trên đất nông nghiệp trái phép sẽ bị xử phạt tùy mức độ và hành vi vi phạm.