Nợ xấu ngân hàng vẫn tăng dù đã tăng tỷ lệ dự trữ rủi ro tín dụng

17/08/2018 14:09

Kinhte&Xahoi Kết thúc quý II/2018, nhiều ngân hàng đã phải tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng và chấp nhận giảm bớt lợi nhuận của mình. Nhưng nhiều ngân hàng vẫn tăng tỷ lệ nợ xấu so với đầu năm.

Kết thúc quý II/2018, dù nhiều ngân hàng vẫn báo lãi cao ngất ngưởng, thậm chí tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước nhưng không thể phủ nhận việc lợi nhuận đã bị bào mòn một phần cho công cuộc xử lý nợ xấu. Do đó, các ngân hàng này cũng buộc phải tăng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, đây là một trong những phương án mà các ngân hàng lựa chọn để xử lý nợ xấu.

Lợi nhuận thuần trước dự phòng và chi phí trích lập dự phòng ngân hàng nửa đầu năm 2018 (Đvt: Tỷ đồng). Nguồn Vietstock

Một trong những ngân hàng lớn nhất Việt Nam là BIDV (BID) khi lợi nhuận thuần trước dự phòng 6 tháng đầu năm tăng tới 50% và đạt hơn 15,000 tỷ đồng, nhưng chi phí dự phòng chiếm hơn 10,000 tỷ đồng đã "ăn mòn" 67% lợi nhuận. Trong nửa đầu năm, BID dùng hơn 9,900 tỷ đồng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong khi cùng kỳ năm trước chỉ khoảng 2,260 tỷ đồng.

Trong khi đó Vietcombank (VCB) xử lý rủi ro tín dụng từ nguồn dự phòng hơn 1,380 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước không phát sinh khoản này. Dù VCB vẫn báo lãi khủng nhưng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong kỳ cũng tăng 8% lên mức 3,235 tỷ đồng.

Ngân hàng nằm trong nhóm có lợi  nhuận khủng nhất sau Quý II/2018, VPBank (VPB), trong nhóm các ngân hàng TMCP tư nhân, cũng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cao thứ hai trong hệ thống (so với các ngân hàng đã công bố BCTC) với mức trích lập lên tới 5,446 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ và chiếm 55% lợi nhuận thuần. Sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong kỳ của VPB cũng tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước với hơn 4,700 tỷ đồng.

Sacombank (STB) cũng mạnh tay xử lý nợ xấu khi 6 tháng đầu năm 2018 trích lập dự phòng rủi ro đến 514 tỷ đồng, cao gấp 6 lần so với mức 85 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Hay Techcombank (TCB) dùng hơn 1,130 tỷ đồng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng (cao gấp đôi cùng kỳ năm trước).

Chi phí dự phòng rủi ro cho vay sử dụng trong nửa đầu năm 2018 (Đvt: Tỷ đồng). Nguồn Vietstock       

Tuy nhiên, trong số các ngân hàng đã công bố BCTC, diễn biến nợ xấu của nhiều đơn vị vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề.
Tuy nhiên, trong số các ngân hàng đã công bố BCTC, diễn biến nợ xấu của nhiều đơn vị vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề.

Biểu đồ Tỷ lệ nợ xấu so với dư nợ cho vay khách hàng của các ngân hàng (Đvt: Tỷ đồng, %). Nguồn Vietstock

Hai nhà băng VPBank (VPB) và Sacombank (STB) còn tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng hơn 3%. Với VPB, mặc dù nợ xấu vượt ngưỡng 4% và tăng so với hồi đầu năm, nhưng con số này đã giảm so với mức 4.15% hồi 31/03/2018. Tỷ lệ nợ xấu của VPB cao và chủ yếu tập trung ở nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3), chiếm 59% tổng nợ xấu, trong khi nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) chiếm gần 20%. Về phần STB, không thể không công nhận những nỗ lực của Ngân hàng khi đã thu hồi được hơn 3,600 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng trong 6 tháng đầu năm 2018. Kết quả kéo được tỷ lệ nợ xấu xuống còn 3.69% so với mức 4.67% hồi đầu năm.

Bảng tổng hợp dư nợ cho vay khách hàng và nợ xấu (Đvt: Tỷ đồng).

Nhìn chung theo thống kê, tính đến 30/06/2018, có đến 15/18 ngân hàng có nợ xấu tăng so với hồi đầu năm, đáng chú ý trong đó có những nhà băng tăng đến 30% như SHB, VPB, Techcombank (TCB), ACB, Vietbank.

Với SHB, mặc dù tăng trưởng tín dụng không cao nhưng nợ xấu tăng đến 22% so với đầu năm. Trong đó nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) tăng đến 118% và nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tăng 14%, chiếm đến 58% nợ xấu. Do đó, đẩy tỷ lệ nợ xấu của SHB từ 2.33% hồi đầu năm lên mức 2.7%.

Vietbank là ngân hàng có nợ xấu tăng cao nhất đến 41% so với đầu năm, riêng nợ dưới tiêu chuẩn cao gấp 5 lần hồi đầu năm, nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) cũng tăng 30%. So với tăng trưởng tín dụng 10% thì tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của Vietbank cũng bị đẩy lên 1.73% so với mức 1.35% đầu năm.

Mặc dù tăng đến 30% nợ xấu so với hồi đầu năm nhưng đồng thời tăng trưởng tín dụng cũng được đẩy mạnh ở mức 12% nên tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của ACB vẫn được kiểm soát ở mức 0.79%. Đáng chú ý là TCB, chỉ tăng trưởng cho vay khách hàng 6% nhưng nợ xấu tăng đến 31% so với đầu năm. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) chiếm đến 58% nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của TCB cũng tăng từ mức 1.16% hồi đầu năm lên 2%.

Xét về giá trị tuyệt đối, đứng đầu bảng là “ông lớn” BIDV (BID) với trên 13,800 tỷ đồng nợ xấu và đã có giảm nhẹ so với thời điểm đầu năm. Đây cũng là một trong 3 nhà băng có số nợ xấu giảm cùng với STB và EIB.

VietinBank (CTG) “về nhì” với trên 11,000 tỷ đồng nợ xấu, tăng 25% so với đầu năm. Trong đó, nợ nghi ngờ (nhóm 4) giảm 63% nhưng nợ dưới tiêu chuẩn và nợ có khả năng mất vốn cùng tăng đến 59% so với đầu năm. Kéo theo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng của CTG tăng từ 1.14% hồi đầu năm lên mức 1.29%.

Với hơn 6,900 tỷ đồng nợ xấu của “anh cả" Vietcombank (VCB) đã tăng 12.47% so với đầu năm, tuy nhiên dư nợ cho vay khách hàng cũng tăng 11.5%, do đó tỷ lệ nợ xấu của VCB gần như không biến chuyển nhiều so với đầu năm, ở mức 1.15%.

Tuy nhiên, vẫn có số ít ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cải thiện tốt hơn so với đầu năm như BID từ 1.62% giảm xuống còn 1.49%, Eximbank (EIB) từ 2.27% xuống còn 2.2%, VIB từ 2.49% xuống còn 2.33%, HDBank (HDB) giảm từ 1.52% xuống 1.43% , LienVietPostBank (LPB) từ 1.07% giảm xuống 0.98%. Trong bảng xếp hạng, không thể không nhắc đến EIB khi giảm 3.54% nợ xấu so với hồi đầu năm, nhưng đồng thời EIB cũng là ngân hàng duy nhất có xu hướng tín dụng đi lùi. Do đó, tỷ lệ nợ xấu của EIB từ 2.27% hồi đầu năm giảm còn 2.2%.

Theo hoanhap.vn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thảm án 3 người trong một gia đình chết trong đêm ở Tiền Giang

Sau khi nghe tiếng kêu cứu vang lên, hàng xóm xung quanh chạy đến thì 3 nạn nhân trong gia đình đã tử vong, trong đó có một cháu bé chỉ mới 5 tuổi. Nghi can gây ra vụ việc là Nguyễn Đăng Khoa (SN 1987, trú Đồng Tháp, ngụ Tiền Giang) vẫn đang bị công an truy bắt.