Pháp cấm sử dụng điện thoại di động trong trường học

07/09/2018 10:26

Kinhte&Xahoi Từ năm học 2018-2019, Pháp áp dụng lệnh cấm sử dụng điện thoại di động trong tất cả trường học trên cả nước.

Quy định mới vốn là một cam kết tranh cử của Tổng thống Emmanuel Macron, đã được ban hành thành luật từ tháng 7 vừa qua. Theo đó, cấm sử dụng điện thoại di động, đồng hồ thông minh và máy tính bảng tại toàn bộ các trường tiểu học và trung học.

Pháp cấm sử dụng điện thoại di động trong trường học. Ảnh minh họa

Riêng các trường cấp ba (học sinh ở độ tuổi 15-18) có thể áp dụng một phần hoặc toàn bộ lệnh cấm trên, vì lệnh này không mang tính bắt buộc.

Những người đề xuất luật trên cho biết lệnh cấm này sẽ giảm tình trạng mất tập trung trong lớp học, chống bắt nạt và khuyến khích trẻ em hoạt động thể chất tích cực hơn trong giờ giải lao.

Bộ trưởng Giáo dục Pháp Jean-Michel Blanquer hoan nghênh đạo luật trên và gọi đây là "luật của thế kỷ 21", giúp tăng cường kỷ luật đối với 12 triệu học sinh ở Pháp.

Ông Blanquer nhấn mạnh: "Cởi mở với công nghệ của tương lai không có nghĩa chúng ta phải chấp nhận mọi cách sử dụng chúng".

Gần 90% trẻ em từ 12-17 tuổi ở Pháp có điện thoại di động. Những người ủng hộ lệnh cấm trên hy vọng quy định này sẽ giúp ngăn chặn sự lây lan của các nội dung bạo lực và khiêu dâm trong trẻ em.

Tổng thống 40 tuổi của Pháp đã cam kết tiến hành hàng loạt cuộc cải cách và lĩnh vực giáo dục không phải là một ngoại lệ. Bên cạnh lệnh cấm điện thoại di động, ông đã giảm một nửa quy mô của lớp tiểu học xuống còn 12 học sinh/lớp ở những khu vực có nhiều bất lợi, nhằm thu hẹp khoảng cách về kết quả học tập giữa các em có gia đình nghèo khó với các em của các gia đình khá giả hơn. Ngoài ra, một cuộc cải cách hệ thống giáo dục cấp cao hơn, để các trường đại học có thể tiếp cận với những học sinh chất lượng hơn, đã làm bùng lên một làn sóng biểu tình ngồi của sinh viên trong năm nay.

 

Theo Chính Phủ/hoanhap.vn


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tân Triều - Thanh Trì: Nhà xưởng không phép mọc lên “như nấm sau mưa”

Tại xã Tân Triều (Thanh Trì, Hà Nội) hàng loạt nhà xưởng “đua nhau” mọc trên đất nông nghiệp, đất dự án một thời gian dài mà không hề bị xử lý. Dư luận cho rằng, để được xây dựng hoặc tồn tại những nhà xưởng này, các ông chủ phải “làm luật” thì mới có cơ may tồn tại?