Khảo sát tại địa bàn xã Dương Tơ, chúng ta dễ dàng nhận ra rất nhiều công trình cấp 4 đã được người dân xây dựng hẳn trong đất của các doanh nghiệp đang thực hiện dự án, thậm chí là xây dựng công trình kiên cố bằng bê tông cốt thép và đổ nhiều mâm nhưng không thấy chính quyền lập biên bản, đình chỉ thi công hay buộc tháo dỡ công trình sai phạm mà vẫn cứ cho tồn tại.
Đơn cử là trường hợp tại dự án khu du lịch sinh thái của Công ty Quý Hải, dự án được phê duyệt chi tiết xây dựng 1/500 nhưng trong lúc đang chờ áp giá bồi thường thì hàng chục hộ dân vẫn ngang nhiên sang nhượng đất, cho xây dựng công trình kiên cố để kinh doanh, cho thuê bất chấp doanh nghiệp phản ứng vì công trình xây dựng không phép. Trong khi đó, các công trình này nằm cặp lộ giao thông huyết mạch, chỉ cách UBND xã Dương Tơ chừng vài cây số nhưng chẳng cán bộ nào quan tâm dù doanh nghiệp nhiều lần gửi đơn kiến nghị.
Theo tìm hiểu của phóng viên, vào năm 2008 Công ty Quý Hải được tỉnh Kiên Giang phê duyệt quy hoạch xây dựng khu du lịch sinh thái, một mặt giáp biển, mặt còn lại giáp trục đường giao thông An Thới - Cửa Lấp đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng. Sau đó tỉnh Kiên Giang quy hoạch “nắn” lại tuyến đường này lệch khỏi phần tiếp giáp dự án, tạo nên khoảng hở 8.800m2 nên ra quyết định giao phần đất này cho dự án.
Sau đó, UBND tỉnh cũng đã có quyết định về việc điều chỉnh khung giá đất để UBND huyện Phú Quốc lập hồ sơ, thủ tục chi trả tiền bồi thường cho dân. Tuy vậy, nhiều hộ dân không được cấp phép nhưng vẫn cho xây dựng nhà kiên cố.
Công trình đã và đang xây dựng trái phép trên đất quy hoạch.
Điển hình là trường hợp hộ ông Nguyễn Bá Hiền, mặc dùng đã nhận tạm ứng tiền bồi thường của Công ty Quý Hải nhưng sau đó lại cho cất nhà không phép trên phần đất chờ bồi thường. Chưa hết, mặc dù ông Hiền đã thỏa thuận cho Quý Hải mở tuyến đường vào khu du lịch ngang phần đất của mình sau khi nhận tiền tạm ứng nhưng nay lại đơn phương chặn bít đường và đòi phải thuê đường với giá 20 triệu đồng/ tháng.
Không riêng gì trường hợp của hộ ông Hiền, mà hiện nay nhiều hộ dân khác cũng đang cho xây nhà cấp 4 cặp lộ với mục đích là để kinh doanh. Đặc biệt, có hộ còn cho một đơn vị kinh tế xây dựng trạm ăng - ten kiên cố hoặc là xây dựng công trình nhà ở cấp 3 được đổ mâm, lên tầng kiên cố bất chấp pháp luật.
Qua quan sát, hiện nay trên khoảng diện tích mặt tiền đường mà Nhà nước giao cho Công ty Quý Hải dài khoảng 150m, giờ đã mọc đầy nhà dân, tất cả đều được xây dựng không phép nhưng không thấy chính quyền xử lý.
Trao đổi với báo chí, ông Ngô Triệu Cầm, Chủ tịch UBND xã Dương Tơ thừa nhận tình trạng xây dựng trái phép, sai phép, phân lô xẻ nền, chiếm đất nông nghiệp, đất công do xã quản lý… hiện nay rất phức tạp, khó quản lý do lực lượng cán bộ địa chính mỏng, địa bàn rộng.
Cũng theo tìm hiểu của phóng viên, được biết từ năm 2014 đến nay có 280 căn nhà xây dựng trái phép, sai phép bị lập biên bản, phạt hành chính. Tuy nhiên, thì phần lớn những trường hợp này sau khi lập biên bản hoặc đã xử phạt hành chính vẫn cho tiếp tục xây dựng và tiếp tục tồn tại.
Với những tình tiết trên, dư luận không khỏi băn khoăn và hoài nghi về việc có hay không chính quyền tại địa phương đang buông lỏng quản lý hoặc tiếp tay cho những công trình vi phạm này tồn tại.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Theo KD&PL