Không khó để nhận biết công trình của bà Hương, tại địa chỉ mà người dân phản ánh, hiện công trình đang thi công lên tầng 6 và chưa có dấu hiệu dừng lại, đồ sộ bậc nhất khu phố Mậu Lương. Theo quan sát của phóng viên có thể thấy độ hoành tráng của căn nhà khiến người dân quanh khu phố không khỏi ngưỡng mộ.
Điều đáng nói là chủ đầu tư không cần che chắn trong quá trình thi công. Đổ vật liệu bừa bãi ra hè phố khiến cho các hộ kinh doanh hàng ăn phải chịu nhiều ảnh hưởng. Mỗi khi gió to là cuốn hết bụi bẩn vào nhà gây ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường và văn minh đô thị khu phố. Mặc dù là mặt đường lớn và cách trụ sở UBND phường không xa nhưng không hiểu sao mọi việc vẫn diễn ra nhiều ngày mà không bị nhắc nhở, xử phạt. Bên cạnh đó cũng không dán thông báo, công khai giấy phép xây dựng tại nơi thi công.
Công trình xây dựng có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng của bà Đoàn Thị Hương.
Tiếp xúc với các hộ dân xung quanh và được mọi người cho biết, cũng có một vài lần đoàn cán bộ phường xuống kiểm tra xong rồi lại về: "Chúng tôi là cánh thuê cửa hàng cũng không dám ý kiến với phường sợ bị trù dập, không khéo lợi bất cập hại, bị làm căng hơn thì càng mệt. Nghe đâu chủ nhà có quan hệ từ trên xuống cơ chú à".
Bác Bình bán nước đầu phố cho biết, năm ngoái nhà bác có ý định sửa nhà, vì lâu ngày mái tầng hai dột hết không có điều kiện xây lại, ra phường xin phép để nâng cao và mở rộng tum tạo một phòng nho nhỏ cho các con có chỗ ngủ nghỉ nhưng Thanh tra xây dựng và chính quyền nhất quyết không đồng ý, gây khó dễ.
Công trình nhà bà Hương to nhất khu này được bà mua lại hai thửa đất và ghép lại làm một, xây dựng nhiều tháng nay gây ảnh hưởng không nhỏ đến khu phố, nhất là việc chiếm dụng vỉa hè, để vật liệu xây dựng bừa bãi ảnh hưởng tới môi trường nhiều tháng nay nhưng không bị xử lý nhắc nhở gì. Dân xung quanh toàn cánh thuê nhà, thấp cổ bé họng cũng đành chịu đựng chứ biết sao bây giờ.
Chính quyền tạo điều kiện cho dân?
Liên quan đến vấn đề trên, chúng tôi có buổi làm việc với ông Đức – Phó Chủ tịch phường Kiến Hưng, ông cho biết: "Thực tế mình cũng mới chuyển sang phụ trách mảng kinh tế đô thị được hơn 1 tháng nên vẫn đang trong quá trình nắm bắt tình hình". Sau đó ông gọi cán bộ quản lý trật tự xây dựng sang làm việc với phóng viên.
Vị cán bộ khẳng định, hiện tại công trình đang thi công đúng giấy phép, không có chuyện sai tầng, hay sai mật độ xây dựng, còn chuyện xây dựng nhà không tránh được bụi bẩn và vật liệu xây dựng người ta để trên hè chứ không phải lòng đường, hơn nữa vỉa hè khu đó rộng thì tạo điều kiện cho dân. Nếu như tạo điều kiện cho một hộ dân mà làm ảnh hưởng nhiều hộ xung quanh liệu có công bằng hay không? Dư luận không khỏi hoài nghi về sự ưu ái đặc biệt của chính quyền phường Kiến Hưng với bà Hương.
Chỉ đến khi chúng tôi cung cấp hình ảnh cho ông Đức - Phó Chủ tịch phường thì ông mới nhận thấy cả khu được chất đầy vật liệu xây dựng, cát, sỏi, xi măng… và yêu cầu cán bộ quản lý trật tự xây dựng đô thị cần rút kinh nghiệm và yêu cầu kiểm tra, nhắc nhở và xử lý.
Qua đó phóng viên cũng được tiếp cận và cung cấp giấy phép xây dựng, và thiết kế của công trình. Điều lạ ở chỗ là hai giấy phép riêng biệt, cấp cho hai thửa đất, thiết kế cụ thể từng căn nhà, từng phòng nhưng chủ đầu tư lại tự ý ghép thành một thửa, xây dựng thông phòng thay đổi hầu như toàn bộ thiết kế ban đầu.
Theo như một Thanh tra xây dựng công tác lâu năm thì đây là một hình thức “ăn gian” về mật độ xây dựng. Nếu như hai thửa đất mỗi thửa là 60m2 khi xin giấy phép xây dựng sẽ không bị trừ mật độ xây dựng. Còn khi họ chỉ xin một giấy phép xây dựng trên hai thửa 60m2 + 60m2 = 120 m2 thì sẽ phải trừ mật độ rất nhiều, bởi vậy họ cố tình xin hai giấy phép để lách luật rồi tự ý ghép thửa hợp lại là một, xây dựng như vậy là không đúng với giấy phép được cấp. Cần làm rõ vai trò trách nhiệm người quản lý.
Hiện nay tình trạng vi phạm trật tự xây dựng diễn ra khá phổ biến tại Hà Nội, 8 tháng đầu năm 2018 có tới 824 trường hợp vi phạm về TTXD, 4 năm gần đây đã xử lý kỉ luật, kiểm điểm 89 cán bộ công chức, viên chức ngành xây dựng. Mặc dù đã có nhiều văn bản chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội nhưng việc thực hiện tại các cấp chính quyền quận, huyện, phường xã chưa được nghiêm minh, còn tồn tại nhiều bất cập, chính bởi lẽ đó mà nhiều khu đô thị được quy hoạch rất đẹp nhưng đã bị băm nát bởi những vi phạm TTXD làm xấu đi bộ mặt đô thị.
Trách nhiệm người đứng đầu địa phương đã được quy định rõ nhưng hiện tượng buông lỏng quản lý vẫn còn tồn tại. Thiết nghĩ các cơ quan hữu quan cần có những chế tài mạnh mẽ, xử lý nghiêm thì mới hạn chế được tình trạng trên tránh xu hướng lan rộng.
Đề nghị Sở Xây dựng Hà Nội, UBND quận Hà Đông sớm có biện pháp kiểm tra xử lý nghiêm công trình có dấu hiệu vi phạm nêu trên.
Chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành và thông tin tới bạn đọc.
Theo KD&PL