Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch nước ngay đầu kỳ họp thứ 6

19/10/2018 09:02

Kinhte&Xahoi Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ tiến hành bầu Chủ tịch nước; lấy phiếu tín nhiệm với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Chiều 18/10, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Văn phòng Quốc hội tổ chức họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV.

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì buổi họp báo.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Hoạt động này sẽ được tiến hành trước phiên họp chất vấn để bảo đảm sự bình đẳng giữa những người được lấy phiếu tín nhiệm vì Quốc hội chỉ xem xét chất vấn một số Bộ trưởng có nội dung trong Nghị quyết chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến kỳ họp thứ 4.

Quốc hội sẽ tiến hành bầu Chủ tịch nước ngay từ những phiên họp đầu tiên (dự kiến ngày 23/10); xem xét, phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đối với ông Trương Minh Tuấn; phê chuẩn việc bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Về công tác lập pháp, Quốc hội sẽ dành khoảng 9,5 ngày để xem xét, thông qua 9 dự án luật; 1 dự thảo Nghị quyết và cho ý kiến về 6 dự án luật khác.

Trong đó, có những dự án Luật được thông qua nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội, cử tri như: Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật Đặc xá (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch; Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.

Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo: Kết quả 3 năm triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm 2016 - 2020: phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn; kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019. Xem xét, quyết định việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020; kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 - 2020; Đánh giá kết quả giữa kỳ việc thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 – 2020; báo cáo đánh giá 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Về công tác giám sát, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiếm sát nhân dân Tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018. Tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn...

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV khai mạc vào sáng ngày 22/10. Theo chương trình dự kiến, tại kỳ họp này Quốc hội sẽ làm việc trong thời gian 24 ngày (không kể ngày nghỉ), họp phiên bế mạc vào ngày 21/11.

Dự kiến sẽ có 15 phiên họp thuộc nội dung của kỳ họp được tổ chức phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và Nhân dân cả nước trực tiếp theo dõi (chiếm khoảng 31,25% thời lượng của kỳ họp). 


Theo ĐCS/Phapluatplus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Triệt phá đường dây lừa dân vay nặng lãi

Nhiều dân nghèo ở vùng sâu, vùng xa tỉnh Đắk Lắk sập bẫy “tín dụng đen” của những đối tượng chuyên đi cho vay nặng lãi. Công an tỉnh Đắk Lắk đã vào cuộc điều tra, bắt giữ nhiều đối tượng thực hiện những thủ đoạn lừa đảo này.