Tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu: Cần cân nhắc và có lộ trình

13/07/2018 19:20

Kinhte&Xahoi Dự kiến việc tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trong ngày hôm nay 12/7.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa lệnh Thủ tướng Chính phủ ký tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Nghị quyết về Biểu thuế bảo vệ môi trường (BVMT), trong đó, có đề xuất tăng kịch khung thuế BVMT với xăng dầu.

Theo Nghị quyết, thuế BVMT với xăng sẽ tăng từ 3.000 đồng/lít lên mức kịch khung cho phép là 4.000 đồng/lít. Dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên kịch trần 2.000 đồng/lít... Ngoài xăng dầu, một số mặt hàng khác như than đá, dung dịch HCFC, túi nilon, cũng được Bộ Tài chính đề xuất tăng thêm từ 1.000 đồng đến 10.000 đồng, tuỳ loại.

Nếu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, Nghị quyết về Biểu thuế BVMT sẽ có hiệu lực từ tháng 10/2018. Ảnh minh họa: KT.

Lý giải mức tăng này, Bộ Tài chính cho rằng: Do thực hiện cắt giảm mức thuế nhập khẩu theo các hiệp định thương mại tự do nên số thu từ hoạt động nhập khẩu xăng dầu liên tục giảm qua các năm. Việc tăng mức thuế môi trường kịch khung sẽ giúp cho ngân sách Nhà nước tăng khoảng 15.684 tỷ đồng/năm.

Ngoài ra, theo giải thích của Bộ Tài chính, hiện giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam đứng vị trí 47 từ thấp đến cao trong tổng số 167 quốc gia (thấp hơn 120 nước), với mức 19.980 đồng/lít.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc tăng thuế bảo vệ môi trường sẽ kéo theo nhiều ảnh hưởng, mà phần lớn là ảnh hưởng tiêu cực đến người tiêu dùng.

Anh Phạm Xuân Giang (ở Tam Trinh, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, lương hàng tháng của anh là 6 triệu đồng, mỗi tháng chi phí xăng xe đi lại hết khoảng hơn 600.000 đồng.

“Nếu tăng thuế môi trường với xăng dầu, chắc chắn giá xăng cũng sẽ tăng theo. Xe vẫn phải đi, xăng vẫn phải đổ trong khi lương thì chỉ có thế. Xăng tăng, chi phí đi lại tăng, buộc chúng tôi phải bớt các khoản chi tiêu khác để bù vào, khó khăn lại càng thêm khó khăn", anh Giang nói.

Không giấu được sự lo lắng, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) cho rằng, thời gian gần đây, giá xăng dầu đang có chiều hướng tăng, nếu thuế BVMT với xăng dầu lại tăng thì sẽ rất khó khăn cho ngành vận tải.

“Nhiên liệu chiếm tỷ trọng khoảng 40% trong giá thành. Nếu thuế BVMT với xăng dầu tăng lên thì giá thành vận tải sẽ tăng. Giá cước chắc chắn sẽ bị đội lên, kể cả giá cước xe khách, taxi và đặc biệt là giá cước hàng hóa. Điều này sẽ ảnh hưởng tới đầu vào của nhiều ngành kinh tế khác, đồng thời, hàng hóa tiêu dùng cũng sẽ bị đẩy giá lên”, ông Thanh cho biết.

Theo ông Thanh, hiện các doanh nghiệp vận tải cũng đang phải tính toán để tiết giảm chi phí, nhưng doanh nghiệp không thể cân đối mãi được.

“Thuế BVMT với xăng dầu tăng sẽ tạo ra nhiều tiêu cực hơn là tích cực. Hiện Hiệp hội cũng khuyến cáo các doanh nghiệp thành viên không tăng giá cước tùy tiện, nhưng chắc chắn sau khi giá xăng tăng, hoặc là doanh nghiệp sẽ tăng giá cước hoặc sẽ tìm cách chở quá tải để bù lỗ”, ông Thanh nhận định.

Áp lực lên lạm phát

Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, giá xăng dầu thế giới tăng cùng với việc điều chỉnh thuế BVMT đối với xăng dầu sẽ đẩy giá cả cuối năm tăng mạnh.

"Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu sẽ làm tăng 0,27 – 0,29% CPI cuối năm", bà Đỗ Thị Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê cho biết.

Số liệu của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho thấy, so với thời điểm cuối năm 2017, giá bán lẻ tối đa các mặt hàng xăng dầu trong nước đã tăng từ 7,5-17,9%. Cùng một số yếu tố như giá thực phẩm, điện, nước lũy tiến tăng khi nhu cầu tiêu dùng tăng vào thời điểm nắng nóng, giá xăng dầu tăng đã làm gia tăng sức ép lên mặt bằng giá. Riêng nhóm giao thông tăng 5,68% do mặt bằng giá xăng dầu tăng cao.

Chính vì vậy, PGS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, chưa nên áp thuế môi trường kịch trần với xăng, để hạn chế áp lực tăng giá xăng dầu.

Theo ông Long, xăng dầu là mặt hàng quan trọng, tác động mạnh đến mọi mặt hàng sản xuất và tiêu dùng, ảnh hưởng đời sống người dân. Trong bối cảnh hiện nay, năng lực cạnh tranh của ngành, sản phẩm trong nước yếu, nếu đánh thuế BVMT cao như vậy thì chắc chắn sẽ tác động đến sự cạnh tranh của doanh nghiệp, vì xăng dầu là loại vật tư rất quan trọng đối với mọi ngành trong nền kinh tế quốc dân.

“Vô hình chung khi đánh thuế môi trường cao sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong khi khả năng cạnh tranh của họ còn rất yếu. Ngoài ra, cũng ảnh hưởng đến thu nhập của người dân, mặc dù hiện thu nhập bình quân của nước ta đã ở ngưỡng trung bình nhưng vẫn là mức trung bình thấp của thế giới. Nếu đánh thuế trong khi mức sống của người dân còn thấp là điều không nên", ông Ngô Trí Long kiến nghị.

Cần cân nhắc và có lộ trình

Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2018 ngày 9/7, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cũng cho biết xăng dầu là đầu vào của các mặt hàng khác trong sản xuất kinh doanh và cả tiêu dùng nên cần xem xét về việc tăng thuế loại mặt hàng này.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhận định nhiều khả năng Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thông qua việc tăng kịch trần thuế bảo vệ môi trường với xăng.

Trong trường hợp đó, ông Hải cho biết: "Bộ Công Thương sẽ đề nghị Chính phủ trước hết không đưa việc tăng thuế 1.000 đồng này vào giá xăng dầu. Còn nếu có, phải có lộ trình hết sức cụ thể chứ không thể tăng ngay một lúc 1.000 đồng, như thế sẽ có tác động rất lớn".

Trước đó, Bộ Công Thương cũng cho rằng đề xuất tăng thuế với mặt hàng xăng dầu cần được xem xét, tính toán cẩn trọng do xăng dầu là mặt hàng thiết yếu và là nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Theo Bộ Công Thương, việc điều chỉnh thuế cũng cần được cân nhắc trong bối cảnh Nhà nước đang khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học (E5, E10) thay thế các loại xăng không chì, đồng thời đảm bảo giá xăng dầu trong nước không biến động lớn gây ảnh hưởng đến thị trường và người tiêu dùng.

 

Theo KD&PL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thanh oai, Hà Nội: Hơn 100 hộ dân xây nhà trên đất nông nghiệp?

Xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp từ lâu đã là một vấn đề nhức nhối và khó giải quyết tại nhiều địa phương trên cả nước. Theo Luật đất đai năm 2013, việc xây dựng nhà ở hoặc các công trình kiên cố trên đất nông nghiệp trái phép sẽ bị xử phạt tùy mức độ và hành vi vi phạm.