Thanh Hóa: Cẩn trọng ‘mắc bẫy’ chiêu trò bán hàng ‘siêu khuyến mãi’

03/08/2018 09:18

Kinhte&Xahoi Với chiêu trò khuyến mại sản phẩm ngang giá hoặc “tri ân khách hàng” bằng tiền mặt, người dân đã “mắc bẫy” khi mua phải hàng hóa kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ với giá “cắt cổ”.

Qua sự phản ánh của người dân và cũng vì có một sự nhầm lẫn về tên của doanh nghiệp liên quan với tên của Báo Kinh doanh & Pháp luật, nhóm phóng viên báo đã tiến hành tìm hiểu về việc mua bán hàng hóa đang lùm xùm ở xã An Nông, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa và nhận thấy nhiều vấn đề cần làm rõ.

Chương trình quảng cáo “biến tướng”

Theo phản ánh của người dân vào chiều ngày 29/7, một công ty có tên là Công ty cổ phần Truyền thông Kinh doanh và Pháp luật (trùng một phần tên nhưng hoàn toàn không liên quan gì với Báo Kinh doanh & Pháp luật) đã sử dụng nhà văn hóa thôn giới thiệu, bán các sản phẩm nồi niêu, chảo, bếp ga các loại với giá siêu khuyến mãi. Ban đầu, người mua hàng sẽ được bốc thăm trúng thưởng, giá trị trúng thưởng bằng giá trị sản phẩm vừa mua nên ai cũng mừng.

Văn bản thông báo sản phẩm quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng rôn của công ty Cổ phần Truyền thông Kinh doanh và Pháp luật.

 

Ông Hoàng Văn Gia, thôn Đô Trình 3 cho biết: “Nhận được giấy mời từ cán bộ thôn chiều ngày 29/7 ra nhà văn hóa để nghe giới thiệu quảng cáo sản phẩm và tri ân khách hàng của Công ty cổ phần Truyền thông Kinh doanh và Pháp luật – Hà Nội, tôi đã gác mọi công việc đồng áng lại, ra đúng giờ”.

Theo ông Gia, người của doanh nghiệp có quảng cáo tiện ích các mặt hàng gia dụng. Tuy nhiên, họ đã khéo léo dẫn dụ người dân mua hàng luôn. Với một số khách hàng lượt đầu, sau khi mua với trị giá từ 01 đến 02 triệu đồng đều được đưa lại số tiền tương ứng.

Khi ông Gia mua 1 bếp ga, một nồi ủ đa năng với tổng giá trị 2.550.000 đồng, ông được trao thêm 01 phong bì được gọi một cách mỹ miều là "tri ân khách hàng".

“Tin tưởng với lời hứa hẹn từ công ty - sẽ được tri ân lại số tiền tương ứng với số tiền bỏ ra và không một ai nghi ngờ. Bán hết sản phẩm, phía công ty gửi lại một xấp “tri ân” cho trưởng thôn gửi lại bà con, không quên căn dặn không được mở tại chỗ mà về nhà mới mở, rồi lên xe nhanh chóng... mất hút!” – Ông Gia kể.

Mọi người đều bất ngờ khi mỗi phong bì “tri ân” chỉ có 100.000 đồng, thậm chí có phong bì 50.000 đồng! Còn sản phẩm sử dụng không giống như quảng cáo. Các thông tin về sản phẩm cũng như nguồn gốc, xuất xứ đều không rõ ràng, không xác định được nhà sản xuất.

Qua điều tra được biết doanh nghiệp này là Công ty CP Truyền thông Kinh doanh và Pháp luật có địa chỉ trụ sở số 375 đường Nguyễn Trãi, Phường Thanh Xuân Trung, Quận Thanh Xuân, Hà Nội, mã số thuế 0107801570, giấy đăng ký kinh doanh ngày 12/04/2017, người đại diện theo pháp luật là ông Phạm Văn Tuấn, đăng ký ngành nghề chính là Quảng cáo.  Ngày 09/7/2018, doanh nghiệp này đã có Văn bản thông báo gửi Sở Văn hóa, Thể Thao, Du Lịch Thanh Hóa xin quảng cáo nồi cơm điện trên phương tiện là phướn dọc ở các nhà văn hóa thôn.

Được sử dụng các nhà văn hóa thôn không phải là đơn giản. Trước đó, Phòng Văn hóa thông tin huyện Triệu Sơn có văn bản số 40/VHTT gửi các xã, thị trấn trên địa bàn: Thực hiện công văn số 187/SVHTTDL-NVVH ngày 10/7/2018 của Sở VHTTDL về việc đồng ý cho phép thực hiện quảng cáo đối với Công ty Cổ phần Truyền thông Kinh doanh và Pháp luật- Hà Nội. Do đó, Chủ tịch UBND xã có văn bản tới 12 thôn trong xã để giới thiệu sản phẩm và doanh nghiệp đã “hô biến” 5 nhà văn hóa thôn thành những cái chợ mà không còn là hoạt động xúc tiến thương mại nữa.

Ông Lê Cảnh Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã An Nông cho biết: “Sau khi có văn bản giới thiệu của Phòng Văn hóa huyện, Chủ tịch xã gửi văn bản cho các thôn để công ty giới thiệu sản phẩm. Toàn xã có 12 thôn thì ngày Chủ nhật công ty đã xuống khoảng 5 thôn để triển khai. Khi xuống các thôn đơn vị này chỉ bảo tư vấn bảo quản sử dựng bình nước và các loại đồ gia dụng. Thế mà không hiểu bằng cách gì người dân lại tham gia mua với số lượng rất lớn. Người dân đề nghị gửi hàng ở UBND xã để tìm công ty làm rõ trắng đen. Tuy nhiên xã không có chỗ chứa và sợ nhầm lẫn các hộ với nhau nên xã không nhận, đề nghị bà con giữ nguyên hàng của mình”.


Các văn bản xin phép thực hiện quảng cáo của công ty Cổ phần Truyền thông Kinh doanh và Pháp luật Hà Nội.

 

Cần làm rõ các dấu hiệu vi phạm pháp luật của doanh nghiệp

Với những hành vi đã nêu trên, doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm một loạt các quy định trong Luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại, Luật Quảng cáo, Luật Quản lý thuế, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Một hành vi sai phạm đã thể hiện rõ là doanh nghiệp không lập hóa đơn khi bán hàng và có thể bị phạt từ 10 đến 20 triệu đồng theo quy định tại Thông tư số 176/2016/TT-BTC.

Thiết nghĩ, các cơ quan Công an, Quản lý thị trường cần nhanh chóng vào cuộc, thống kê số lượng hàng hóa, xem xét mẫu mã, bao bì đóng gói, hóa đơn chứng từ doanh nghiệp đã cung cấp cho người dân để xem xét có hay không việc lợi dụng quảng cáo để bán hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhà sản xuất trên cơ sở xem xét các quy định tại Nghị định 185/2013/NĐ-CP và 124/2015/NĐ-CP về xử lý gian lận thương mại.

Đối với các hành vi khác, các cơ quan chức năng như Sở Công thương, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Cục Thuế cần dựa vào Giấy đăng ký kinh doanh, khai báo thuế, hàng hóa đã bán, hàng hóa còn tồn kho, văn bản cho phép doanh nghiệp thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại tại Thanh Hóa để xem xét xử lý. Đây cũng là một bài học đối với chính quyền cơ sở. Giới thiệu doanh nghiệp về các thôn xóm nhưng lại không bố trí nhân sự giám sát hoạt động có đúng như đã đăng ký hay không.

Chưa xem xét việc đúng hay sai nhưng xuất phát từ văn bản của Sở Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa mà dẫn tới cớ sự hiện nay, thiết nghĩ Sở cần có văn bản yêu cầu Doanh nghiệp quay lại địa phương đối thoại với người dân để giải quyết hậu quả.

Bên cạnh các cơ quan hữu quan, Hội Tiêu chuẩn & Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh Thanh Hóa, trụ sở tại số 15 đường Hạc Thành, TP. Thanh Hóa, cũng cần tới gặp người tiêu dùng tìm hiểu, thực hiện các nhiệm vụ như Điều 28 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng như tôn chỉ, mục đích ra đời của Hội, để chứng tỏ Hội tồn tại thực sự vì lợi ích của người tiêu dùng.

Đối với người tiêu dùng nói chung, đây là một bài học không chỉ ở xã An Nông. Người dân phải chủ động hơn trong việc tiếp cận các phương tiện thông tin truyền thông như báo chí để nắm bắt được các hành vi gian lận thương mại, tránh rơi vào bẫy bán hàng “siêu khuyến mãi” kém chất lượng, “tiền mất, tật mang”.

Theo KD&PL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thanh oai, Hà Nội: Hơn 100 hộ dân xây nhà trên đất nông nghiệp?

Xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp từ lâu đã là một vấn đề nhức nhối và khó giải quyết tại nhiều địa phương trên cả nước. Theo Luật đất đai năm 2013, việc xây dựng nhà ở hoặc các công trình kiên cố trên đất nông nghiệp trái phép sẽ bị xử phạt tùy mức độ và hành vi vi phạm.