Thanh Hóa: ‘Ém’ hơn 1,3 tỷ đồng tiền hỗ trợ dân nghèo miền núi

12/07/2018 16:42

Kinhte&Xahoi Kết quả thanh tra cho thấy, việc chi trả tiền hỗ trợ cho người nghèo đã không được thực hiện nghiêm túc dẫn đến tình trạng người nghèo không được thụ hưởng số tiền mà nhà nước hỗ trợ.

Mới đây, Thanh tra của Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa vừa có kết luận về việc thực hiện chương trình 135; Chính sách theo quyết định số 755/QĐ-TTg; Chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn theo quyết định số 102/2009/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Theo kết luận, Ban Thanh tra đã phát hiện nhiều xã trên địa bàn huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) đã để xảy ra tình trạng tiền hỗ trợ không đến được tay người nghèo. Tổng số tiền hơn 1,3 tỷ đồng, ngoài ra còn nhiều đơn vị nhận tiền nhưng chi trả sai mục đích.

Người nghèo miền núi ở tỉnh Thanh Hoá bị ém hơn 1,3 tỷ đồng tiền hỗ trợ. (ảnh: Internet)

Cụ thể, thời kỳ năm 2015-2017, khi huyện Quan Sơn cấp tiền về cho các xã, nhiều trưởng bản nhận tiền nhưng không chi cho dân mà chi sai mục đích. Có bản thay vì đưa tiền thì lại cấp phân bón.

Theo đó, Xã Mường Mìn, được cấp gần 86 triệu đồng đã chuyển qua cấp phân bón NPK nhưng không ghi chép việc mua bán phân và không có danh sách ký nhận, năm 2015 đều không có chứng từ chứng minh đầy đủ. Riêng năm 2016, xã này cấp 8,2 tấn phân (tương đương số tiền 51,6 triệu đồng).

Hay như xã Tam Thanh, vào năm năm 2016 nhận 97 triệu đồng và đã chuyển qua cấp hơn 15 tấn phân NPK không có biên bản nghiệm thu, thanh lý hợp đồng.

Tại xã Na Mèo, các hộ dân ở các bản Ché Lầu, Xộp Huối không được nhận tiền hỗ trợ hàng chục triệu đồng; Trưởng bản này giải trình trừ tiền trên vào tiền dân nuôi cán bộ thôn bản 120.000/khẩu/năm.

Ngoài ra, người nghèo tại xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn được nhận 70 triệu đồng theo Quyết định 102. Thế nhưng xã này đã không thực hiện chi trả theo đúng quy định, mặc dù tiền không đến tay nhưng trong danh sách vẫn có tên của những hộ nghèo kí nhận. Tại bản Xía Nọi của xã Sơn Thủy, đã xảy ra tình trạng ký khống tiền hỗ trợ khai hoang theo Quyết định 755 với số tiền lên tới 90 triệu đồng.

Cũng theo kết luận thanh tra, nhà nước có chính sách hỗ trợ nghệ giống cho 5 hộ nghèo trị giá 15 triệu đồng. Thế nhưng, xã này đã không chi trả đúng đối tượng trong danh sách được phê duyệt mà cấp phát cho 2 đối tượng khác là công chức UBND huyện và công chức UBND xã.

Ông Vũ Văn Đạt, Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn, thừa nhận những sai sót mà thanh tra đã chỉ ra là có thật.

“Đúng là thời gian qua, tại huyện đã để xảy ra sai phạm hơn 1,3 tỷ đồng. Trong đó, có hơn 200 triệu đồng thanh tra yêu cầu thu về ngân sách, hiện đã thu được gần một nửa. Hơn 1,1 tỷ đồng còn lại huyện đang khắc phục, yêu cầu địa phương thu về chi trả lại cho đúng đối tượng”.

Ông Đạt cũng cho biết, hiện nay huyện chưa xem xét xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể do khắc phục hậu quả chưa xong. Khi nào khắc phục xong sẽ xử lý tùy vào mức độ sai phạm của các cá nhân, tập thể. “"Để xảy ra sai sót trên là do công tác quản lý của huyện, xã chưa sát sao. Hiện, huyện đang tập trung khắc phục hậu quả, tuy nhiên sẽ tùy vào mức độ sai phạm của tập thể, cá nhân để đưa ra hình thức xử lý theo quy định”.

 

 Theo KD&PL


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thanh oai, Hà Nội: Hơn 100 hộ dân xây nhà trên đất nông nghiệp?

Xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp từ lâu đã là một vấn đề nhức nhối và khó giải quyết tại nhiều địa phương trên cả nước. Theo Luật đất đai năm 2013, việc xây dựng nhà ở hoặc các công trình kiên cố trên đất nông nghiệp trái phép sẽ bị xử phạt tùy mức độ và hành vi vi phạm.