Thu hút kiều hối gia tăng dự trữ ngoại hối quốc gia

09/08/2018 10:57

Kinhte&Xahoi Cùng với tiến trình đổi mới kinh tế xã hội của đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, nhận thức và chính sách về kiều hối đã cởi mở hơn, nguồn tiền kiều hối được xem là nguồn lực để phát triển đất nước. Từ sau năm 1990, các qui định về kiều hối của Chính phủ Việt Nam đã thông thoáng hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho người gửi tiền.

Chính sách thu hút kiều hối

Ngày 12/9/1999, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 170/1999/QĐ-TTg khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài chuyển tiền về nước. Thực hiện quyết định đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 02/2000/TT-NHNN7 ngày 24/2/2000 hướng dẫn thực hiện Quyết định 170. Tiếp theo, từ tháng 6/2006, Pháp lệnh Ngoại hối của Việt Nam bắt đầu có hiệu lực đã tác động trực tiếp đến nguồn kiều hối, như mở rộng đối tượng được vay vốn nước ngoài, bao gồm cả cá nhân, Việt kiều có thể chuyển tiền về nước cho người thân để đầu tư, kinh doanh dưới hình thức cho vay, cho mượn vốn kinh doanh.

Theo đó đã tạo hành lang pháp lí và qui định cụ thể, cho hoạt động thu hút kiều hối được đẩy mạnh, như: cho phép nhận tiền mặt ngoại tệ hoặc mở tài khoản ngoại tệ tại NHTM. Khách hàng có thể mở tài khoản bằng các loại ngoại tệ mạnh, ngoại tệ tự do chuyển đổi. Phí chuyển tiền được qui định rõ ràng và ở mức rất thấp, chỉ là 0,05%/số tiền chuyển về. Qui định mới của Việt Nam cũng không hạn chế số ngoại tệ chuyển về. Người nhận kiều hối không phải chịu thuế thu nhập. Nhà nước cho phép nhiều tổ chức tham gia vào dịch vụ chuyển tiền kiều hối như bưu điện, công ty làm dịch vụ chuyển tiền kiều hối và đặc biệt là các NHTM. Người nhận kiều hối không bắt buộc phải bán ngoại tệ cho NHTM theo tỉ giá qui định, mà được nhận đúng loại ngoại tệ chuyển về, hoặc bán cho NHTM là quyền của họ…

Trong những năm gần đây, Việt Nam là một trong những quốc gia hút kiều hối lớn trên thế giới. Nguồn: internet

Do tác động tích cực của chính sách, cùng với sự tăng trưởng nền kinh tế và cơ hội đầu tư, làm ăn trong nước, nhiều lĩnh vực kinh doanh mới phát triển. Quá trình cổ phần hóa DNNN được đẩy mạnh trong nhiều thời điểm, thị trường chứng khoán phát triển, thị trường cổ phiếu OTC cũng đi lên. Các NHTM và nhiều tổ chức tài chính khác cạnh tranh tăng vốn điều lệ. Thị trường bất động sản liên tục tăng trưởng “nóng” trong nhiều thời điểm, tạo cơ hội đầu tư cho nhiều người có tiền, cho người Việt Nam ở nước ngoài chuyển tiền về đầu tư trong nước. Lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp, cơ sở du lịch… cũng là những kênh đầu tư hấp dẫn cho người Việt Nam ở nước ngoài.

Về điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất tiền gửi USD trong nước và ngoài nước trước năm 2012 chêch lệch lớn. Trong các năm 2005-2010, lãi suất tiền gửi USD ở Việt Nam lên tới 4,5-5,5%/năm, cao gấp khoảng 2-3 lần so với lãi suất tại các ngân hàng ở Mỹ và nhiều nước khác. Lãi suất tiền gửi nội tệ lên tới 8-10%/năm, có thời điểm trên 10%/năm, tạo ra khoảng cách chêch lệch khá so với lãi suất ngoại tệ tại NHTM trong nước. Đây cũng là nguyên nhân quan trọng làm cho nguồn kiều hối chuyển về nước tăng cao.

Trong những năm gần đây, thực hiện mục tiêu nâng cao vị thế của Đồng Việt Nam, chống đô-la hóa nền kinh tế, trong điều hành chính sách tiền tệ, NHNN qui định lãi suất tiền gửi USD của khách hàng cá nhân tại NHTM giảm mạnh và xuống còn 0%, tỉ lệ dự trữ bắt buộc tăng cao so với dự trữ bắt buộc bằng nội tệ; đồng thời thực hiện thành công mục tiêu điều hành tỉ giá. Tỉ giá USD/VND chỉ tăng 1-2%/năm, lạm phát ổn định, CPI ở mức thấp. Lãi suất tiền gửi VND kì hạn 1 năm hiện nay giảm còn 7-7,5%/năm, so với lãi suất tiền gửi USD là 0%/năm; trong khi đó, tỉ giá USD/VND chỉ biến động 1-2%/năm trong 4 năm gần đây. Chính phủ chưa đánh thuế thu nhập người hưởng lãi suất tiền gửi tiết kiệm. Do đó, đây tiếp tục là nguyên nhân quan trọng tạo điều kiện cho nguồn kiều hối gửi về nước gia tăng, nhiều trường hợp chuyển đổi sang VND gửi NHTM.

Về phía người Việt Nam ở nước ngoài cũng thành đạt, làm ăn thành công và muốn chuyển một phần thu nhập, tài sản về nước… Số lượng người đi xuất khẩu lao động từ mức 80 nghìn người/năm trong các năm 2011-2014, lên 100 nghìn người năm 2015. Theo số liệu của Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam cho thấy, năm 2016 đã có 126.296 người Việt ra nước ngoài làm việc, vượt 26,2% kế hoạch, trong đó lao động đi Nhật Bản là 39.938 người, tăng 47,86% so với lao động đưa đi năm 2015, lao động đi Hàn Quốc là 8.442 người, tăng 40,25% so với năm 2015. Năm 2017, cả nước đưa được 134.751 lao động đi nước ngoài làm việc, vượt 6,7% so với tổng số lao động đi xuất khẩu năm 2016. Dự kiến đến năm 2020, sẽ lên tới trên 200 nghìn người. Thu nhập bình quân của người đi xuất khẩu lao động cũng tăng lên nhờ kinh nghiệm chuyên môn được nâng lên, trình độ tay nghề khá hơn, thị trường có thu nhập cao được mở rộng hơn, mức độ rủi ro giảm đáng kể so với trước đây. Bên cạnh đó, những người tự đi làm việc ở nước ngoài, người Việt Nam lấy chồng người nước ngoài, người đi du học sau đó tìm việc làm tại nước ngoài, người Việt Nam làm việc cho các dự án của DN trong nước đầu tư ra nước ngoài… cũng tăng khá.

Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, lượng kiều hối về Việt Nam trong năm 2017 ước đạt 13,81 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay và tang 1,9 tỷ USD, tương ứng 16% so với năm 2016. 

Như vậy, trong vòng hơn 23 năm qua, lượng kiều hối đổ về Việt Nam đã tăng gần 100 lần từ mức 140 triệu USD năm 1993 lên tới 10,5 tỉ USD năm 2012, lên 11,2 tỉ USD năm 2013, rồi 12 tỉ USD năm 2014 và trên 13,2 -14 tỉ USD vào năm 2015, chiếm khoảng 8% GDP quốc gia. Lượng kiều hối trong thời gian qua xấp xỉ lượng đầu tư nước ngoài, cao hơn lượng vốn hỗ trợ phát triển chính thức và lượng vốn đầu tư gián tiếp vào thị trường Việt Nam. Theo đánh giá của WB, Việt Nam hiện đứng thứ 3 châu Á và thứ 11 trên toàn cầu về thu hút kiều hối với mức tăng trung bình liên tục trong những năm gần đây là 10-15%/năm.

Xu hướng kiều hối mới

Nguồn kiều hối của người đi xuất khẩu lao động tăng ổn định trong những năm tới. Theo đánh giá của Tổ chức Western Union với khoảng 4 triệu người đang làm việc, sinh sống và học tập ở 101 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, Việt Nam nằm trong số 16 thị trường nhận kiều hối nhiều nhất thế giới. Trái ngược với tình hình suy thoái kinh tế, lượng kiều hối do Western Union nhận ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã tăng 11%. Riêng tại Việt Nam, kiều hối ổn định hơn một số nước trong khu vực vì công dân Việt Nam ở nước ngoài vẫn tiếp tục làm việc chăm chỉ để duy trì nguồn tài chính chuyển về cho gia đình. Vì vậy, một phần quan trọng trong lượng kiều hối chuyển về Việt Nam là của đối tượng đi xuất khẩu lao động chủ yếu ở các quốc gia và vùng lãnh thổ như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản và Malaysia. Hiện có hơn 400 nghìn lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài, dự báo sẽ tăng lên 550 – 600 nghìn người vào năm 2020. Vì vậy, nguồn kiều hối từ đối tượng này được dự báo sẽ tăng ấn tượng trong những năm tới. Bởi vậy, ngoài số lượng lao động tăng thì người Việt Nam bắt đầu đảm nhận được các công việc kĩ thuật đòi hỏi tay nghề cao hơn, trình độ phức tạp hơn, nên có thu nhập bình quân cao hơn.

XKLĐ là một trong nguồn Kiều hối lớn ổn định qua các năm.

Ngoài ra, kiều hối về Việt Nam ngày càng được mở rộng từ nhiều nước. Nếu như năm 1994, khi mới vào Việt Nam, kiều hối chuyển về Việt Nam qua kênh Western Union chỉ từ 16 quốc gia thì hiện tại, con số này đã lên đến 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Điều này có nghĩa ngày càng có nhiều người chuyển tiền về Việt Nam qua kênh chính thức. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, người Việt ra nước ngoài du học, chữa bệnh đầu tư mua nhà tăng… thì phương thức chuyển tiền bù trừ trực tiếp tư nhân có xu hướng tăng lên, tiền của người Việt ở nước được chuyển thẳng vào tài khoản của người đi du học…

Một xu hướng khác cũng đáng quan tâm đó là kiều hối, ngoài mục đích trợ cấp cho thân nhân, nhiều người còn chuyển tiền về Việt Nam làm ăn, đầu tư, chuyển thu nhập về nước. Bởi vì hiện nay việc làm ăn, đầu tư kinh doanh ở một số nước như CHLB Nga, châu Âu cực kì khó khăn nên nhiều người muốn chuyển vốn về nước đầu tư. Trong thực tế, một số NHTM Việt Nam vẫn chuyển những món tiền trị giá vài trăm nghìn USD. Những món tiền đó chắc chắn không phải để trợ cấp sinh hoạt cho người thân, mà cho mục đích đầu tư. Bên cạnh đó, người đi xuất khẩu lao động, người đi làm ăn không có mục đích định cư lâu dài thì phải chuyển thu nhập về cho người thân trong nước. Ngoài ra, đặc biệt với chính sách bình ổn tỉ giá, tạo khoảng cách chêch lệch lớn về lãi suất USD và VND, nâng cao giá trị VND, nên một nguồn kiều hối quan trọng được chuyển về nước sau đó chuyển sang gửi có kì hạn tại NHTM. Bởi vậy, tỉ giá USD/VND tăng bình quân 1-2%/năm, lãi suất tiền gửi USD là 0% trong khi lãi suất VND kì hạn 13 tháng lên tới 7,2-7,8%/năm, bình quân có thu nhập từ lãi suất khoảng 5,5-6,5%/năm. Đây là khoản thu nhập đáng kể. Một lí do khác đó là kiều hối chuyển về đầu tư bất động sản, mua nhà sau này họ về Việt Nam sinh sống. Đây là xu hướng của nguồn kiều hối lớn nhất và đang tăng lên trong các năm gần đây.

Theo hoanhap.vn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thanh oai, Hà Nội: Hơn 100 hộ dân xây nhà trên đất nông nghiệp?

Xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp từ lâu đã là một vấn đề nhức nhối và khó giải quyết tại nhiều địa phương trên cả nước. Theo Luật đất đai năm 2013, việc xây dựng nhà ở hoặc các công trình kiên cố trên đất nông nghiệp trái phép sẽ bị xử phạt tùy mức độ và hành vi vi phạm.